Hôm nay, 26/8, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII đã tổ chức Hội nghị xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đối với Chiến lược 10 năm và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban chủ trì Hội nghị.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, các Phó Thủ tướng Chính phủ.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các đồng chí nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, TPHCM… đã dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng bày tỏ “mong muốn được nghe trực tiếp ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, những người dày dạn kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành công việc của Đảng, Nhà nước trên nhiều cương vị, trọng trách khác nhau”. “Các đồng chí luôn tâm huyết, trách nhiệm với sự phát triển của đất nước, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, trăn trở trước những vấn đề lớn của đất nước, những khó khăn, bức xúc của nhân dân”.
Các ý kiến tại Hội nghị hôm nay sẽ góp phần quan trọng hoàn thiện những quan điểm, định hướng phát triển, cả về tầm chiến lược và sách lược, đồng thời củng cố sự tin tưởng, sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất, gắn bó, tính kế thừa với tinh thần trách nhiệm cao giữa các thế hệ lãnh đạo trong Đảng, Nhà nước tất cả vì dân vì nước, vì tương lai sáng của dân tộc.
Thủ tướng nhấn mạnh, văn kiện Đại hội Đảng chính là sự kết tinh trí tuệ, tiềm năng, sức mạnh của Đảng, Nhà nước và nhân dân, vì vậy, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội nhận thức rõ đây là trách nhiệm to lớn và rất nặng nề, cần chắt lọc những ý kiến tinh hoa, tinh tuý nhất của các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, đặc biệt là ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện.
Thủ tướng cho biết, nhìn trên phạm vi toàn xã hội, ở bất cứ nơi đâu, đất nước đều có thay đổi lớn lao, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến biên giới, hải đảo, nhìn chung đời sống người dân mọi miền của Tổ quốc được nâng lên rõ rệt. Nhưng chúng ta không vì những thành quả đạt được mà chủ quan, thỏa mãn. Nhiều ý kiến của các tổ chức quốc tế, các nhà lãnh đạo, các nhà nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều đề cập đến việc Việt Nam "chưa giàu đã già", có khoảng cách phát triển về tuyệt đối, sự tụt hậu với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, cả về thu nhập, mức sống, trình độ khoa học công nghệ, sức sản xuất và năng lực cạnh tranh.
Như vậy, có thể nói, cả yêu cầu nội tại và yêu cầu từ bên ngoài để tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đưa đất nước ta phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn. Đó mới chính là thể hiện rõ ràng, cụ thể tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, sự quyết tâm, ý thức tinh thần trách nhiệm cao của thế hệ hôm nay trước Đảng.
Vì vậy, theo Thủ tướng, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã trao đổi nhiều, suy nghĩ rất nhiều trên các mặt xây dựng dự thảo văn kiện, trong việc đặt ra mục tiêu chiến lược, quan điểm phát triển, đột phá chiến lược và định hướng, giải pháp trọng tâm 5 năm, 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng lấy ví dụ, có ý kiến cho rằng trong bối cảnh quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, chỉ cần đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức khoảng 6-7%/năm nhưng cần chú trọng hơn các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, đời sống của người dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, khoảng 7-8 %/năm. “Chúng ta đặt ra mục tiêu này để làm gì? Nhìn trên bản đồ thế giới và khu vực chỉ có tăng trưởng cao như vậy, chúng ta mới có thể thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, mới góp phần tạo nền tảng ổn định vĩ mô, có thêm nhiều nguồn lực, có "chiếc bánh" lớn hơn để phân phối lại cho các mục tiêu phát triển văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Và chỉ có như vậy chúng ta mới có nhiều việc làm, có thu nhập cho người lao động để nâng cao hơn nữa đời sống người dân”.
Vấn đề đặt ra mục tiêu này có khả thi không, chúng ta có thực hiện được không? “Các đồng chí trong Tiểu ban và cá nhân tôi rất trăn trở về điều này”, Thủ tướng nói. Nhìn từ bên trong, theo đánh giá từ bên ngoài, tiềm năng đất nước con người Việt Nam là rất lớn, thế và lực của ta ngày càng lớn mạnh, nhiều lĩnh vực chúng ta còn dư địa rất lớn. Chúng ta có nguồn lực dồi dào, chất lượng, có vị trí địa chính trị kinh tế quan trọng, có tài nguyên phong phú, tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch đều rất lớn.
Chúng ta có chế độ chính trị xã hội ổn định, hội nhập ngày càng sâu rộng, uy tín vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Vì vậy, có thể khẳng định chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu này. Kinh nghiệm của các nước quanh ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc đều có thời kỳ tăng trưởng thần kỳ, 10%/năm trong vài chục năm trong bối cảnh cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức tương tự như ta.
Để làm được điều đó, chúng ta cần có chiến lược, định hướng giải pháp mạnh mẽ, đột phá, có cách làm, có lộ trình bước đi phù hợp, đặc biệt bao trùm lên tất cả là sự đồng thuận, trên dưới một lòng, là tinh thần ý chí khát vọng vươn lên của tất cả các cấp, các ngành, từng cán bộ, đảng viên, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Thực tế cho thấy giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị có điều kiện hoàn cảnh tương đồng, nơi nào làm quyết liệt, nỗ lực đổi mới vươn lên thì nơi đó là kết quả tốt.
Nếu chúng ta không có khát vọng vươn lên, không tự tạo ra sức ép đổi mới với chính mình, thực sự thay đổi tư duy cách làm, không nỗ lực phấn đấu quyết liệt, chúng ta không thể nào đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, ngay cả tăng trưởng khoảng 6%/năm, cũng khó đạt được.
Trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến về dự thảo văn kiện vẫn còn những ý kiến, quan điểm khác nhau về đánh giá, nhận định tình hình, về việc xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, định hướng, giải pháp chủ yếu trên các lĩnh vực. Có thể nói, tất cả ý kiến đều có lý, có căn cứ phù hợp, vấn đề đặt ra là chúng ta cần có ý chí, quyết tâm cao, có tinh thần phấn đấu, vươn lên mạnh mẽ. Nhận định đánh giá tình hình quốc tế, trong nước phải đúng, phải trúng, không để bỏ lỡ cơ hội, tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của cuộc cách mạng lần thứ 4, đặc biệt là một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế.
Chúng ta có nhiều ví dụ để minh chứng Việt Nam hoàn toàn có thể theo kịp và đạt trình độ bình quân của khu vực, tiếp cận trình độ quốc tế hiện đại. Những vấn đề trọng yếu nêu trên thể hiện quan điểm, tầm nhìn, phụ thuộc rất lớn vào ý chí phấn đấu, tinh thần quyết tâm vươn lên. “Vì vậy xin các đồng chí cho ý kiến để hỗ trợ, tiếp thêm sức mạnh, động lực cho Tiểu ban trong việc xây dựng hoàn thiện các dự thảo văn kiện”, Thủ tướng bày tỏ.
Nêu một số nét lớn về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho rằng, những thành quả cũng như bất cập, tồn tại là nội dung còn có ý kiến khác nhau, cần đánh giá đúng thực chất, trung thực, khách quan, không "tô hồng" nhưng cũng không "bôi đen", từ đó có quan điểm, định hướng, giải pháp đúng đắn trong thời gian tới. Thủ tướng đề nghị các đồng chí nguyên lãnh đạo cho ý kiến thêm về nội dung này để Tiểu ban tiếp tục hoàn thiện.
Về nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Thủ tướng mong muốn được góp ý nhiều hơn về các nguyên nhân chủ quan.
Thủ tướng cũng đề nghị các đồng chí nguyên lãnh đạo góp ý về các quan điểm phát triển, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Chiến lược, các đột phá chiến lược, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm và 10 năm tới.
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng cho rằng, đây còn là khâu yếu, cần tập trung vào quán triệt, làm tốt công tác truyền thông để đưa tinh thần, tư tưởng của các văn kiện sau khi được Đại hội Đảng XIII thông qua đi vào thực tiễn cuộc sống, đến từng tổ chức Đảng, Đảng viên và quần chúng, thể hiện rõ nhiệm vụ tổ chức triển khai của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, làm sao người dân, doanh nghiệp, cán bộ, Đảng viên có một niềm tin, bắt tay vào hành động về kinh tế - xã hội.
Thủ tướng cho biết, đến nay, Tiểu ban gồm 51 thành viên đã tổ chức 5 phiên họp toàn thể, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiên cứu 42 chuyên đề về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tổ chức 6 hội nghị nghe ý kiến của các địa phương tại các vùng, tham vấn ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế... để xây dựng các báo cáo. Đến nay, Tiểu ban đã hoàn thành dự thảo văn kiện lần thứ 5.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xây dựng văn kiện là không phải làm trong phòng lạnh, mà phải làm từ thực tiễn cuộc sống, từ khát vọng của nhân dân, yêu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm tinh thần là “Đảng chấp nhận, dân phấn khởi, quốc tế đánh giá cao”.
Theo baochinhphu
Duy Nam