Vai trò nổi bật của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh trong thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở thời gian qua đó là, tăng cường thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Để thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã tập trung thực hiện nền nếp, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong 10 năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ trì giám sát 856 cuộc với các nội dung có liên quan đến bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia giám sát 1.866 cuộc với các cơ quan dân cử, cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị - xã hội về các nội dung lĩnh vực nhân dân quan tâm, trong đó MTTQ tỉnh chủ trì 19 cuộc, phối hợp 67 cuộc. Ban Thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn đã thực hiện 1.619 cuộc giám sát, phát hiện, kiến nghị 803 vụ việc; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện 1.475 cuộc giám sát, kiến nghị 557 vụ việc đến các cơ quan chức năng. Thông qua các cuộc giám sát đã phát hiện, kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngăn ngừa vi phạm pháp luật của cá nhân, cơ quan tổ chức, góp phần củng cố niềm tin của người dân vào hoạt động của cơ quan Nhà nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giảm bớt khiếu nại tổ cáo, vi phạm pháp luật ở cơ sở.
Cùng với đó, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức 190 hội nghị phản biện xã hội, trong đó, MTTQ tỉnh tổ chức 7 hội nghị; cấp huyện 21 hội nghị, cấp xã 162 hội nghị. Nội dung phản biện tập trung vào dự thảo các văn bản của HĐND, UBND về chế độ chính sách, những quy định có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân quan tâm. Hội nghị phản biện xã hội được tổ chức theo đúng quy định, nhiều ý kiến phản biện có chất lượng, trọng tâm vào những vấn đề, nội dung cụ thể của dự thảo. Các ý kiến phản biện đã được cơ quan soạn thảo đánh giá cao và nhiều nội dung có cơ sở lý luận, tính khoa học, sát thực tiễn, được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, góp phần bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đối tượng chịu tác động.
Bên cạnh đó, duy trì tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia ý kiến đối với dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, một số dự thảo luật trình tại các kỳ họp Quốc hội; Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy và các dự thảo nghị quyết trình HĐND, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội của UBND cùng cấp, thông qua việc tổ chức các hội nghị lấy ý kiến đoàn viên, hội viên và nhân dân, thu hút được đông đảo nhân dân tham dự với hàng ngàn lượt ý kiến tham gia, trong đó có nhiều ý kiến sát thực, có chất lượng.
Việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ các cấp góp phần thực hiện dân chủ, đổi mới quan điểm xây dựng chính sách, pháp luật trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp còn được thể hiện qua công tác tham mưu, đề xuất tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân theo Hướng dẫn số 09-HD/TU, ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Qua đó, MTTQ các cấp đã thực hiện tốt vai trò tham mưu, đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với các tầng lớp nhân dân, với hội viên, đoàn viên và công nhân lao động tại một số địa phương về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thông qua đối thoại, các chủ trương chính sách được lan toả rộng rãi tới nhân dân, ý kiến của người dân đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiếp thu, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, góp phần giải quyết kịp thời các băn khoăn, vướng mắc, bức xúc của người dân.
Vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở còn được thể hiện trong thực hiện tiếp công dân, tham gia công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) theo quy định của pháp luật. Là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC luôn được MTTQ các cấp quan tâm, chú trọng thực hiện. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp số 04 ngày 16/6/2015 giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh - Thanh tra tỉnh - Sở Tư pháp - Hội luật gia - Đoàn luật sư tỉnh về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết KNTC ở cơ sở; ban hành nội quy tiếp công dân, phân công Ban Thường trực và cán bộ chuyên môn trực tiếp tiếp công dân; phối hợp, hướng dẫn MTTQ các cấp và tham gia vào quá trình giải quyết KNTC ở cơ sở. Từ ngày 01/7/2014 đến 30/6/2024, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tiếp 1.357 lượt người, tiếp nhận 1.874 đơn, xử lý chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 1.152 đơn; chủ trì tổ chức giám sát giải quyết các vụ việc đơn thư, KNTC kéo dài ở cơ sở để có các kiến nghị hướng giải quyết đến các cơ quan chức năng. Tiếp tục duy trì 116 “Hòm thư góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” treo bên ngoài trụ sở làm việc của Ủy ban MTTQ các cấp.
Ngoài ra, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh cũng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện thông qua các chương trình phối hợp thống nhất hành động hằng năm. Đồng thời, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri và hoạt động giám sát của MTTQ theo quy định của pháp luật…
Có thể thấy, vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở đã có những tác động tích cực, thiết thực. Qua đó, góp phần quan trọng tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động nguồn lực và tinh thần tự quản của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong từng địa bàn dân cư, xây dựng hệ thống chính trị địa phương, cơ sở vững mạnh.
Ông Trần Văn Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tập trung bám sát địa bàn, sâu sát với đời sống của nhân dân để nắm chắc tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, của hội viên, đoàn viên. Chủ động đề xuất với Đảng, phối hợp với chính quyền các cấp xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thực hiện hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tích cực tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân để nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh tại địa phương, thường xuyên gắn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở với thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Thu Thảo