Sáng 3/1, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến báo cáo viên trung ương, quán triệt Nghị quyết 52(ngày 27/9/2019) của Bộ Chính trị “về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương trực tiếp truyền đạt nội dung nghị quyết tại điểm cầu Ban Tuyên giáo Trung ương. Dự hội nghị có đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Dự tại 623 điểm cầu trong cả nước các đồng chí thường trực tỉnh ủy, ủy viên ban thường vụ (BTV), ban chấp hành (BCH) đảng bộ các tỉnh, thành phố, ban, bộ, ngành, đoàn thể trực thuộc Trung ương, cơ quan tuyên giáo và đội ngũ báo cáo viên.
Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí: Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí ủy viên BTV Tỉnh ủy; BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo ban tuyên giáo các huyện, thành ủy, báo cáo viên cấp tỉnh.
Tại hội nghị, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đã nêu khái quát nội dung cơ bản Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị “về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Phân tích sự khác biệt của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư so với các cuộc cách mạng trước. Nhấn mạnh những nội dung trọng tâm: tình hình, nguyên nhân; quan điểm chỉ đạo, mục tiêu; một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Theo đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức, cá nhân, đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến các lĩnh vực đời sống. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quan điểm chỉ đạo được xác định: chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội gắn với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy, hành động, lựa chọn giải pháp đột phá với bước đi, lộ trình phù hợp tạo cơ hội để Việt Nam bứt phá trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Từ những thông tin được quán triệt giúp các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, cơ quan tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên nắm rõ chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, qua đó lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền tới các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực hiện tốt nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới.
Cũng trong sáng ngày 3/1, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổng kết công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Theo đó, năm 2020 cơ quan tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên các cấp tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của cơ quan tuyên giáo cấp trên, đẩy mạnh tuyên truyền, kịp thời, tận dụng, đa dạng phương pháp nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền miệng. Nghiên cứu, lựa chọn những nội dung tuyên truyền, phù hợp với từng nhóm đối tượng; đẩy mạnh thông tin hai chiều, nắm bắt kịp thời tư tưởng, dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân, tham mưu kịp thời với cấp ủy thực hiện tốt hơn nữa giải pháp tuyên truyền, giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp về vị trí, vai trò công tác tuyên truyền miệng trong giai đoạn hiện nay; nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát; quan tâm tạo điều kiện cho đội ngũ báo cáo viên hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Nguyễn Hằng
Nguyễn Hằng