Từ tiếng sấm rung trời mùa Thu năm ấy, gần 80 năm đã trôi qua. Có những dấu mốc lịch sử gắn với cuộc đời, số phận của mỗi con người và của toàn dân tộc. Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi vĩ đại đưa dân tộc ta lên kỳ đài Độc lập, thoát khỏi gông xiềng hàng ngàn năm phong kiến, hàng trăm năm đế quốc đô hộ.
Cứ mỗi độ Thu, dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, tôi thường bâng khuâng nhớ câu thơ “Mùa thu nay khác rồi” trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Cuối bài, thời gian sáng tác, nhà thơ ghi: 1948-1955. Như vậy cho đến lúc công bố tác phẩm, tác giả đã dành quãng thời gian bảy năm để nghiền ngẫm, sửa chữa. Thật là công phu, tôi nghĩ, công phu có lẽ là vì ở chữ “khác”, không có mùa thu chung chung – một khái niệm thông thường về thời gian. Cái khác trong sự thay da đổi thịt của đất nước, trong trí tuệ và tâm hồn con người. 1955, khi ấy tròn 10 năm nước Việt Nam mới. Thấm thoắt đến năm 2022 này đã là 77 năm, chẳng bao lâu nữa tròn thế kỷ. Chẳng bao lâu nữa mà Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển, thu nhập cao theo mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định.
Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám nổ ra ở khoảng giữa thế kỷ XX đã đưa dân tộc ta lên kỳ đài Độc lập, thoát khỏi gông xiềng hàng ngàn năm phong kiến, hàng trăm năm đế quốc đô hộ. Thế rồi, Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời chưa lâu đã phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng. Mở đầu là chín năm chống thực dân Pháp, tiếp đến đằng đẵng 21 năm chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, rồi cuộc chiến bảo vệ biên giới hai đầu đất nước. Dân tộc ta, nhân dân ta đã làm nên những chiến thắng lẫy lừng với sức mạnh vô địch là lòng yêu nước, truyền thống anh hùng, bất khuất. Từ năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới, cả dân tộc vững bước trong tư thế mới của thời kỳ vừa xây dựng vừa bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Chúng ta đi lên từ Cách mạng Tháng Tám năm ấy và làm nên bao cái “khác”, phù hợp với yêu cầu của mỗi cuộc cách mạng là thay cái cũ bằng cái mới tốt đẹp hơn, vững bền hơn. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nói về những dấu mốc đáng chú ý về phát triển kinh tế của đất nước ta trong gần tám thập niên. Bởi có những ý kiến cho rằng, Việt Nam chỉ “giỏi” đánh giặc, trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đất nước này luôn đứng ở vị trí trung tâm, là lương tâm thời đại, là biểu tượng của ý chí độc lập, hòa bình, v.v… Đúng là như vậy, nhưng sẽ là duy ý chí, sẽ là không khách quan khi lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của chúng ta bao giờ cũng là lịch sử của cuộc cách mạng tổng hợp, dựng nước đi đôi với giữ nước, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, phát triển kinh tế, xây dựng hậu phương lớn đáp ứng yêu cầu của tiền tuyến lớn. Nghệ thuật quân sự Việt Nam hình thành và phát triển trên cái nền của đường lối chiến tranh nhân dân vô cùng sáng tạo, đặc sắc. Sự “đặc sắc” ấy được nhà thơ, cựu chiến binh Mỹ Bruce Weigl viết như thế này: “Nghịch lý của đời tôi luôn là việc chiến tranh đã cướp đi tuổi trẻ của tôi, làm tổn thương tâm hồn tôi vĩnh viễn, nhưng cùng lúc đó, nó đã dành tặng Việt Nam cho tôi với tất cả sự bí ẩn và huy hoàng”.
Xin được trở lại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời vào chiều 3-9-1945, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã bàn đến sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: chống giặc đói; chống giặc dốt; tổ chức tổng tuyển cử; giáo dục lại tinh thần của nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò và cấm thuốc phiện; thực hiện tự do tín ngưỡng.
Ngân khố quốc gia khi ấy gần như trống rỗng. Làm thế nào để có tiền chi tiêu phục vụ nhiệm vụ chống “giặc” và kiến quốc? Chính phủ đã quyết định huy động sức mạnh trong dân. Hưởng ứng lời kêu gọi của Cụ Hồ, đồng bào cả nước đã ủng hộ cho “Quỹ độc lập” khá nhiều vàng, bạc, tiền Đông Dương. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu tiền đồng và 370 kilôgam vàng. Theo tính toán của nhiều nhà nghiên cứu, giá vàng khi đó là 400 đồng/lạng thì số tiền 20 triệu đồng tương đương 50.000 lạng (khoảng 1.923 kg), tổng cộng được 2.293 kg hoặc 59.618 lạng (theo thời giá hiện nay tương đương trên 3.000 tỉ đồng).
Đường lối kinh tế chỉ được hoạch định một cách bài bản từ Đại hội lần thứ III của Đảng vào năm 1960. Hướng tới mục tiêu bao trùm của cách mạng, Đại hội khẳng định: “Công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc phải là một quá trình cải biến cách mạng về mọi mặt nhằm đưa miền Bắc từ nền kinh tế chủ yếu dựa trên sở hữu cá thể về tư liệu sản xuất tiến lên nền kinh tế xã hội chủ nghĩa dựa trên sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, từ chế độ sản xuất nhỏ tiến lên chế độ sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, từ tình trạng kinh tế rời rạc và lạc hậu, xây dựng thành một nền kinh tế cân đối và hiện đại, làm cho miền Bắc tiến bộ mau chóng, thành cơ sở ngày càng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà”.
Ở thời điểm ấy, xác định tiến từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, tạo ra năng suất lao động cao, bảo đảm lương thực, thực phẩm đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ là một chủ trương lớn, phù hợp với thực tiễn. Chủ trương ấy đã biến thành nhiều phong trào lớn, nhiều mô hình làm ăn giỏi ở khắp mọi miền đất nước. Chỉ với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, miền Bắc đã thật sự là hậu phương vững chắc để quân dân miền Nam đủ sức chiến đấu lâu dài, quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, non sông thu về một mối, “người chiến thắng là người xây dựng mới”. Biết bao công việc ngổn ngang, cấp bách. Bên kia biên giới kẻ thù lại âm mưu xâm chiếm đất đai, gây rối công cuộc tái thiết đất nước của chúng ta. “Bình tĩnh là vương miện của tinh thần”, cha ông ta từng khuyên như thế. Cứ làm và gắng làm cho tốt rồi thực tiễn sẽ cho câu trả lời. Những năm 1976-1980, trên thực tế chúng ta đã chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hoá trong khi chưa có đủ các tiền đề cần thiết; vừa nóng vội, vừa buông lỏng trong công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa; chậm đổi mới cơ chế quản lý kinh tế không còn phù hợp. Còn ở giai đoạn tiếp theo, những năm 1981-1985, thì chưa cụ thể hoá đường lối kinh tế trong chặng đường đầu tiên, chưa kiên quyết khắc phục chủ quan, nóng vội và bảo thủ trì trệ trong bố trí cơ cấu kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế…
Sau này có cụm từ “đêm trước Đổi mới” có lẽ là cách nhìn xuất phát từ những thiếu sót, khuyết điểm này, chứ không phải là một cách nhìn lạnh lùng, u ám sau chiến tranh. Cách mạng không phải là tấm thảm nhung trải sẵn, có lúc tiến có lúc thoái, dù có lúc phải đi đường vòng, song cuối cùng nó sẽ tự tìm đến con đường đúng quy luật – khoa học, phù hợp với thực tế khách quan. Đại hội lần thứ VI của Đảng- Đại hội mang tên Đổi mới vạch con đường đúng quy luật khách quan đó. Để rồi những chặng tiếp theo, Đảng đã cụ thể hóa thành các nghị quyết, bàn về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong ba năm (1988-1990). Mục tiêu phấn đấu của kế hoạch ba năm còn lại là phải thực hiện cho bằng được việc ổn định một bước quan trọng tình hình kinh tế - xã hội. Điều kiện quyết định là phát triển mạnh mẽ sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, trước hết tập trung sức thực hiện ba chương trình kinh tế lớn, đặc biệt là chương trình lương thực - thực phẩm.
Điều ta hiểu biết chính là điều ta đã trải qua. Ngày nay, sau gần 40 năm, nhắc lại có thể thấy đó là những viên gạch đầu tiên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công cuộc đổi mới được tổng kết qua bốn định hướng lớn: Lựa chọn mô hình phát triển; chủ động hội nhập quốc tế, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa nhưng giữ vững độc lập tự chủ; khai thác hiệu quả thành tựu khoa học-công nghệ; khả năng ứng phó những thách thức, rủi ro. Quá trình tích lũy về lượng dẫn tới những biến đổi về chất: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam).
Tưởng không có sự khái quát nào cô đúc, chặt chẽ hơn thế.
Nhưng lại chính lúc này đây tình hình kinh tế-xã hội đất nước còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 tuy đã được khống chế, đẩy lùi, nhưng còn tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường. Mặc dù vậy, cần đánh giá toàn diện những việc đã làm được, những thời cơ đã và đang đến. Bức tranh chung kinh tế-xã hội cả nước qua bảy tháng có nhiều điểm sáng: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1%. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 764 triệu USD (cùng kỳ năm 2021 nhập siêu 3,31 tỷ USD). Mức tăng trưởng trong quý II thật ấn tượng. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam nằm trong số những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2022. Nước Việt Nam ta cũng là nước duy nhất trên thế giới được Ngân hàng Thế giới (WB) rà soát và dự báo điều chỉnh đà tăng trưởng GDP từ mức 5,5% vào đầu tháng 1/2022 lên 5,8% vào tháng 6/2022. Trong khi đó, tất cả các quốc gia khác đều được WB dự báo đà tăng trưởng giảm, cùng với dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống 2,9% từ mức dự báo vào tháng 1/2022 là 4,1%. Cần khẳng định: Việt Nam không thể đạt mức tăng trưởng như vậy nếu khả năng chống chịu trước các cú sốc lớn không được nâng cao. Cụ thể ở đây là, kịp thời chuyển hướng nền kinh tế đất nước sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” ngay từ quý ba, năm 2021, khi mà dịch Covid-19 đang còn bùng phát ở diện rộng, nhất là ở Hà Nội.
Những kết quả đó như những khoảng sáng trong bầu trời thu mát trong, một mùa Thu đã và đang khác, đang mới. Nhưng cuối chân trời, mây đen còn rình rập. Cơ hội, thuận lợi bao giờ cũng đến cùng những khó khăn, thách thức, nhưng ở thời điểm này khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, trong đó có những khó khăn do chính con người, từ chính con người. Một trong những lực cản rất lớn là tệ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mà trong mấy năm qua Đảng, Nhà nước ta đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhưng kết quả mới chỉ là bước đầu, chưa đạt như mong muốn. Những kẻ giấu mặt, mũ cao áo dài, miệng nói lời đạo đức trơn tru mà lòng tham không đáy, những kẻ bị quyền lực và danh vọng làm cho hư hỏng vẫn còn đó, là nguyên nhân trực tiếp nhất làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Nhưng hết mưa là nắng, mùa Thu cứ đến, như lời hẹn trước, rạo rực, mê say. Cùng đến với mùa Thu là mùa gặt lớn thời Đổi mới. Và ông chủ của cánh đồng ấy lại không ngừng khám phá, sáng tạo, “trán cháy rực nghĩ trời đất mới/lòng ta bát ngát ánh bình minh…”.
Hải Đường