Chiều 5/12, Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục chương trình làm việc. Dự phiên họp có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố cùng các vị đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX.
Tại kỳ họp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục trả lời ý kiến cử tri qua đường dây nóng của kỳ họp liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).
Tiếp đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phạm Hồng Sơn trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh.
Các vấn đề được kiến nghị và chất vấn chủ yếu tập trung vào: việc thanh tra, kiểm tra các đại lý buôn bán vật tư nông nghiệp trên toàn tỉnh để tránh tình trạng thuốc trừ sâu và cây con giống không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp; điều chỉnh cơ chế hỗ trợ thuốc diệt chuột cho các HTXDVNN để phòng trừ chuột bảo đảm đồng bộ, hiệu quả (cơ chế theo Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh là hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân); cơ chế chính sách, hỗ trợ diện tích lúa, hoa màu, cây vụ đông bị thiệt hại do ảnh hưởng mưa lớn và cơn bão số 3 gây ra để người dân có điều kiện tái sản xuất; đầu tư nâng cấp, cải tạo chống tràn các tuyến đê, bối khu dân cư ngoài đê sông Hồng, sông Châu Giang, sông Duy Tiên, sông Nhuệ; khảo sát nâng cấp trạm bơm Chi Tây sông Nhuệ, tại địa điểm nằm trên đầu kênh A34 chảy ra sông Nhuệ (trạm bơm do UBND, HTXDVNN xã đầu tư xây dựng từ năm 1982, đến nay bị xuống cấp, không đáp ứng việc bơm nước thải từ Cụm Công nghiệp Kim Bình và phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhân dân); đầu tư khơi thông nạo vét và sửa chữa các tuyến kênh: S18, S16; TH2; Đ21; Đ12 đã bị sạt lở, bồi lắng gây khó khăn công tác tưới tiêu, phòng chống lụt bão; đề nghị có chủ trương hỗ trợ kinh phí nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng của 2 thôn Trung Hiếu Thượng và thôn Trung Hiếu Hạ do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa qua, gây thiệt hại nhiều về tài sản, vật nuôi, cây trồng của người dân…
Về công tác quản lý nhà nước đối với các khu chăn nuôi tập trung, đại biểu Đinh Văn An, Tổ Lý Nhân nêu: Trong chương trình phát sóng chuyên mục “Tương lai xanh” trên Kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam sáng ngày thứ bảy (2/11/2024) có phản ánh tình trạng các khu chăn nuôi tập trung thuộc địa bàn xã Hưng Công, Bối Cầu, huyện Bình Lục (khu vực giáp ranh xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân) xả thải trực tiếp ra môi trường sông Châu Giang, gây ô nhiễm môi trường với mùi hôi thối khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân khu vực. Không những thế còn ảnh hưởng đến nguồn nước đầu vào để sản xuất nước sạch cho người dân khu vực này, vì vậy người dân không thể sử dụng cho ăn uống mà chỉ có thể dùng để lau rửa thông thường, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng khi bỏ tiền ra mua nước sạch. Tình trạng này kéo dài và chưa được các ngành chức năng, chính quyền địa phương quan tâm giải quyết. Với vai trò, chức năng quản lý nhà nước được giao, đề nghị ông Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết trách nhiệm và giải pháp xử lý, khắc phục quyết liệt, triệt để việc xả thải trực tiếp ra môi trường của các trang trại chăn nuôi lợn không chỉ ở địa bàn xã Hưng Công mà còn các địa bàn khác trong thời gian tới?
Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Hồng Sơn cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.600 trang trại chăn nuôi, gồm 750 trang trại chăn nuôi lợn; 600 trang trại chăn nuôi gia cầm; 250 trang trại chăn nuôi đại gia súc. Việc xả thải gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất là ở các trang trại chăn nuôi lợn. Trong 750 trang trại chăn nuôi lợn có 14 trang trại quy mô lớn (nuôi trên 1.500 con lợn thịt) được phê duyệt hồ sơ môi trường; nằm trong khu chăn nuôi tập trung, có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm theo quy định. Một số trang trại lớn đã đầu tư hệ thống máy ép phân, hệ thống hầm biogas, hệ thống xử lý nước thải công nghệ vi sinh bảo đảm quy định về môi trường.
Tuy nhiên, các trang trại chăn nuôi vừa và nhỏ đa số hình thành trước năm 2020 (trước khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực), nằm đan xen trong khu dân cư; hầu hết đều có hầm biogas, hồ sinh học, sử dụng đệm lót sinh học... nhưng mật độ chăn nuôi lớn, thể tích chưa bảo đảm nên vẫn còn tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường. Sở NN & PTNT đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật, quy trình, công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi mới; biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, tái sử dụng chất thải để sản xuất phân bón; hỗ trợ các mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ...
Hiện nay, sở đang tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến Sổ tay hướng dẫn các biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn do Bộ NN & PTNT ban hành tháng 10/2024 với nhiều giải pháp mới, hiệu quả, khả thi. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về chăn nuôi, bảo vệ môi trường; kiểm tra, đánh giá cấp Giấy chứng nhận điều kiện đối với trang trại quy mô lớn khi có đề nghị của chủ cơ sở và kiểm tra điều kiện các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, tần suất 3 năm một lần. Trong quá trình kiểm tra kết hợp với hướng dẫn, phổ biến các biện pháp xử lý môi trường; yêu cầu cơ sở bổ sung các biện pháp khắc phục; xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật…
Để quản lý chặt chẽ nguồn xả thải từ các trang trại chăn nuôi ra môi trường, Sở NN& PTNT đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi; thông tin, phối hợp với Sở NN & PTNT trong quá trình thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Kiểm tra rà soát, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi thuộc diện phải cấp Giấy phép môi trường thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật và kiểm tra duy trì điều kiện sau khi được cấp phép; đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tích cực áp dụng các biện pháp xử lý môi trường…
Cũng trong phiên họp buổi chiều, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo đã trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về các nội dung: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại tại khu đô thị Nam Trần Hưng Đạo theo quy hoạch đã được duyệt; xem xét ngoài chính sách hỗ trợ xây mới, cải tạo nhà văn hoá tại các thôn, tổ dân phố bị sáp nhập cũng nên hỗ trợ cho xây mới, cải tạo các nhà văn hoá của các thôn, tổ dân phố không bị sáp nhập do hiện nay đã xuống cấp.
Về công tác tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2020/NQ- HĐND ngày 25/3/2020 về chủ trương ban hành quy định chính sách hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng và xây dựng công trình thu gom xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam; khó khăn trong việc thu các khoản dịch vụ hỗ trợ trong các trường trung học cơ sở; việc đầu tư trang thiết bị Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh…
Người đứng đầu các sở, ngành: Y tế, Nội vụ; Lao động, Thương binh và Xã hội, Xây dựng; Ban Quản lý các KCN tỉnh trả lời ý kiến cử tri và chất vấn đại biểu HĐND tỉnh về: các giải pháp tháo gỡ những khó khăn giúp cho các trung tâm y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; cơ chế hỗ trợ phụ cấp cho chức danh phó chủ tịch hội người cao tuổi cấp xã; xem xét, hỗ trợ mức kinh phí và sắp xếp bố trí việc làm phù hợp cho cán bộ, công chức, cán bộ bán chuyên nghỉ công tác khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính; hỗ trợ các đối tượng là cán bộ bán chuyên trách cấp xã, cấp thôn có thời gian công tác 30, 40 năm nhưng khi nghỉ công tác không có chế độ; xem xét công nhận Hội truyền thống Bộ đội Trường Sơn là hội đặc thù; xem xét khen thưởng cho các hộ có công nuôi K8 và thành tích tham gia chống Mỹ; chi trả trợ cấp cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội hằng tháng cho thuận tiện vì các đối tượng tuổi cao, sức khỏe yếu đi lại khó khăn trong việc rút tiền, một số đối tượng chưa lấy được thẻ hoặc đã mở tài khoản nhưng chưa nhận được tiền; một số đối tượng mở tài khoản phải làm đi làm lại nhiều lần gây bức xúc trong nhân dân; xem xét hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với chi hội phó các đoàn thể để động viên đối tượng này hoạt động hiệu quả hơn sau khi sáp nhập xóm thành thôn, địa bàn thôn rộng; đề nghị sớm triển khai đầu tư xây dựng KCN phía Đông Nam xã Liêm Túc theo quy hoạch đã được duyệt...
Một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền của các sở, ngành cũng được cử tri gửi đến chủ tọa kỳ họp qua đường dây nóng và được các ngành, cơ quan chức năng trả lời tại phiên họp. Với những vấn đề chưa được trả lời tại hội trường sẽ được giao cho các ngành, địa phương trả lời.
Sáng mai (6/12), kỳ họp tiếp tục chương trình làm việc và bế mạc.
Thu Thảo