Tối 5/11, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023. Ban tổ chức đã trao 4 giải A, 10 giải B, 12 giải C và 28 giải khuyến khích.
Đến dự, có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo triển khai với quyết tâm chính trị cao, ngày càng quyết liệt theo phương châm kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Từ đó, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, được dư luận quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Đánh giá cao việc duy trì thường xuyên Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời nhiệt liệt biểu dương các tác phẩm giành giải cao lần này, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa gợi mở một số giải pháp tăng cường hơn nữa vai trò xung kích, tiên phong của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong đó, đồng chí đặc biệt lưu ý các nội dung chính: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý, điều hành của Nhà nước để báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động đúng định hướng, tham gia tích cực, có hiệu quả vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh phối hợp, đồng hành giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cấp, ngành, cơ quan báo chí.
Cùng với đó, cần phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm xã hội của đội ngũ những người làm báo trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực cũng như vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà báo, hội viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài ra, cần có cơ chế khen thưởng, khích lệ, động viên, tôn vinh kịp thời, xứng đáng với cơ quan báo chí, những người làm báo có tinh thần dấn thân, tích cực cống hiến cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo Ban tổ chức, sau 2 năm triển khai, có tổng cộng 1.078 tác phẩm hợp lệ của 121 cơ quan báo chí trên cả nước gửi tham dự Giải ở 4 thể loại báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình.
Trên tinh thần dân chủ, khách quan, công tâm, trách nhiệm cao, Ban tổ chức đã tiến hành xét chọn kỹ lưỡng, thống nhất lựa chọn 54 tác phẩm xuất sắc để trao 4 giải A, mười giải B, 12 giải C và 28 giải khuyến khích.
Theo nhandan.vn