kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Những đóng góp của Hà Nam góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975

Những đóng góp của Hà Nam góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một dấu son chói lọi, một chiến công hiển hách nhất, tạc vào lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX. Chiến tranh đã đi qua, nhưng âm hưởng hào hùng của một thời đánh Mỹ, thắng Mỹ để non sông thu về một mối vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung và Hà Nam nói riêng.

Năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, với chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; với Hiệp định Giơnevơ hòa bình được lập lại ở miền Bắc, nhưng nhân dân miền Nam vẫn phải sống trong ách thống trị bạo tàn của bè lũ Mỹ- Ngụy. Thực hiện chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng, nhân dân cả nước cùng lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cùng với nhân dân miền Bắc, Hà Nam nhanh chóng thực hiện công cuộc hàn gắn hậu quả tàn phá của chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Những đóng góp của Hà Nam góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975
Xe tăng quân giải phóng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Trong những năm tháng hào hùng ấy, với quyết tâm tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Hà Nam  trở thành một trong những hậu phương lớn của miền Bắc, vừa tham gia chiến đấu vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, nhanh chóng ổn định tình hình và phục hồi kinh tế, thực hiện một loạt nhiệm vụ cải cách ruộng đất, cải tạo xã hội chủ nghĩa từng bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đảng bộ và nhân dân Hà Nam đã vượt qua khó khăn thử thách và thu được những thành quả quan trọng. Việc xác lập quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp làm nảy sinh mối quan hệ mới giữa người với người, khối liên minh công nông được củng cố vững chắc, đồng thời chú trọng áp dụng tiến bộ của công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp, năng suất lao động được nâng cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Phong trào đoàn kết với miền Nam được các đoàn  thể quần chúng hưởng ứng sôi nổi. Ngoài các công trình xây dựng mương Biên Hòa – Đồng Nai, những “ Đơn vị Ấp Bắc”, “Dũng Sỹ Đồng Nai”; phát động sản xuất “Đông Xuân vì miền Nam quyết thắng”; mở chiến dịch “Đồng Nai quật khởi”...

Từ đầu năm 1975, cách mạng miền Nam bước vào thế tiến công, thế chủ động, thế áp đảo quân thù trên toàn bộ chiến trường. Cách mạng đã chuyển sang giai đoạn mới; xuất hiện thời cơ mới ở miền Nam và khả năng phát triển mới ở miền Bắc. Đứng trước những thắng lợi đã giành được qua 2 năm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội cũng như yêu cầu ngày càng lớn của cách mạng miền Nam, Đảng bộ và các cấp chính quyền trong tỉnh đã chỉ đạo và khẩn trương tổ chức đợt cung cấp lớn cho chiến trường được 8.600 tấn lương thực, hàng ngàn tấn thực phẩm. Đồng thời, để thực hiện kế hoạch đột xuất do Trung ương giao cho tỉnh nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở để phát triển kinh tế tại vùng mới giải phóng miền Nam, trong tháng 1-1975, Tỉnh ủy đã cử một đoàn cán bộ vào nghiên cứu khu vực bãi Cát Tiên - nơi giáp giới 3 tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Long Khánh. Đoàn đã vạch ra kế hoạch để chuẩn bị lực lượng đi xây dựng vùng kinh tế mới ngay từ khi miền Nam chưa được giải phóng hoàn toàn. Đảng bộ coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm 1975, hạ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của Trung ương giao cho, thể hiện ý chí và tình cảm sâu sắc của tỉnh đối với sự nghiệp cách mạng chung của cả nước. 

Ngày 17-2-1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra nghị quyết về công tác tuyển quân đã chỉ rõ, năm 1975 tình hình nhiệm vụ cách mạng ở 2 miền đang phát triển thuận lợi, có nhiều yêu cầu đặt ra rất lớn và khẩn trương, đòi hỏi phải có sự nỗ lực vươn lên, ra sức khôi phục phát triển kinh tế văn hóa, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đồng thời bảo đảm tốt nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam, thực hiện một bước việc điều chỉnh phân công lao động trong cả nước. Năm 1975 là năm thực hiện triệt để Luật Nghĩa vụ quân sự nên ngoài nhiệm vụ tuyển quân xây dựng các đơn vị chiến đấu, tăng cường cho chiến trường còn tổ chức các đơn vị đi xây dựng kinh tế vùng giải phóng. Ngoài việc tuyển ở lứa tuổi 18 - 25 sẽ tuyển một số ở lứa tuổi 35 - 40, lấy cả biên chế cơ quan Nhà nước thuộc các đối tượng phải thực hiện chính sách công bằng hợp lý, lựa chọn một số cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật ngoài diện nghĩa vụ quân sự để phục vụ cho việc xây dựng đơn vị mới, xây dựng vùng kinh tế mới. Theo chỉ tiêu được giao, toàn tỉnh phải huy động một lực lượng rất lớn, bằng 34% so với tiềm lực, gấp 2 lần năm trước và sẽ giao gọn vào đợt đầu năm 1975.

Việc tổ chức và động viên một lực lượng lao động lớn đi chiến đấu và xây dựng kinh tế là một bước phát triển mới của cách mạng. Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 12 đã xác định “vị trí quan trọng của công tác này, coi là một trong bốn vấn đề mấu chốt của nhiệm vụ chính trị năm 1975 và hạ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của Trung ương giao” . Với quyết tâm đó, ngay trong quý I-1975, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã tiễn hơn 4 vạn con em của mình bổ sung cho tiền tuyến. Đến 15-4-1975 toàn tỉnh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu tuyển quân cả năm đạt 116,49% và tuyển lao động đi xây dựng kinh tế vùng mới giải phóng ở miền Nam vượt 0,44%.

Trong không khí sôi sục của cuộc tấn công và nổi dậy khắp miền Nam đã và đang giành được những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, ngày 16-4-1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị phát động phong trào quần chúng Thi đua với miền Nam, mỗi người làm việc bằng hai, động viên mọi người hăng hái góp phần lớn nhất vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước, hoàn thành vượt mức nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước năm 1975.

Những đóng góp của Hà Nam góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975
Thành phố Phủ Lý hôm nay. Ảnh: Trương Dũng

Hưởng ứng phong trào thi đua, nhiều cơ quan và đơn vị công tác đã có phong trào “Giờ làm việc giải phóng miền Nam”; thanh niên có phong trào “Tình nguyện vượt mức kế hoạch”. Các hợp tác xã nông nghiệp đã bán cho Nhà nước hơn 400 tấn vịt, đưa hàng ngàn tấn thóc tiết kiệm chi viện cho vùng mới giải phóng ở miền Nam. Trong công tác thủy lợi có phong trào “Nhớ công ơn Bác Hồ” và “Mừng miền Nam đại thắng”.

Ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Lịch sử đã chuyển sang một giai đoạn mới, cả nước thống nhất cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội. 

Cùng với cả nước, những đóng góp của quân và dân Hà Nam đã góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Từ đây, nhân dân ta vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của các nước đế quốc. Miền Nam hoàn toàn giải phóng; cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước hoàn thành; những thành quả bước đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc được bảo vệ. Phát huy truyền thống vẻ vang đó, trong suốt những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nam luôn đoàn  kết, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

P.V (Tổng hợp)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy