Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, chiều 17/6, Quốc hội nghe Tờ trình về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Tờ trình về Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi) và Tờ trình, báo cáo thẩm tra về Dự án luật Thuế GTGT (sửa đổi). Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Tờ trình về Dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế GTGT. Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ 18, gồm các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Trà Vinh.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi), Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế GTGT, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi luật, đặc biệt luật lần này đưa ra nhiều điểm mới quan trọng, bám sát các yêu cầu tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ; giải quyết được một số vướng mắc của thuế GTGT. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, đồng chí Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đề nghị một số vấn đề:
Về nội dung chuyển thuế liên quan đến phân bón, từ mức không chịu thuế GTGT sang mức chịu thuế GTGT. Theo quan điểm của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nếu để thuế suất không chịu thuế làm cho doanh nghiệp bị thiệt hại, nếu không chịu thuế thì toàn bộ đầu vào của doanh nghiệp đang chịu mức thuế suất 10% doanh nghiệp sẽ không được khấu trừ, dẫn đến giá bị đẩy lên và cạnh tranh không bình đẳng. Trong khi, doanh nghiệp nước ngoài đưa phân bón vào thị trường Việt Nam thì họ được khấu trừ ở thị trường của họ nên giá bán phân bón của doanh nghiệp nhập khẩu thấp hơn giá bán phân bón của thị trường Việt Nam, dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng và lâu nay các doanh nghiệp sản xuất phân bón của Việt Nam có nhiều kiến nghị về vấn đề này, nhưng chưa được tháo gỡ, khiến nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất, nâng cấp dây chuyền, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất, vì càng đầu tư càng lỗ, vì vậy để mức thuế GTGT 5% là hợp lý.
Về nội dung thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT, đồng chí Trương Quốc Huy đặt vấn đề tại sao nhiều doanh nghiệp mua bán khống hóa đơn, bởi giữa thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế GTGT chênh lệch nhau 10%, doanh nghiệp thấy được lợi ích mua hóa đơn đầu vào. Vì vậy, đề nghị đưa thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp tiệm cận gần nhau, như vậy sẽ hạn chế được việc trốn thuế và giảm tiêu cực. Thực tế ở nhiều nước cho thấy thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 6-7%. Và một vấn đề nữa hiện nay, thuế thu nhập cá nhân cũng vậy, chúng ta đang thực hiện miễn trừ gia cảnh, nhưng nếu được khấu trừ đầu vào của thuế thu nhập cá nhân thì việc chi tiêu dùng hằng ngày buộc người dân phải lấy hóa đơn để khấu trừ, hiện tượng trốn thuế của doanh nghiệp chắc chắn sẽ giảm đi nhiều. Vì vậy, nên đưa vấn đề này vào quy định luật thuế GTGT bảo đảm sự tiệm cận giữa thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế GTGT, giảm việc mua bán hóa đơn GTGT, trốn thuế.
Về nội dung giảm thuế 2% cho các doanh nghiệp sau đại dịch Covid -19, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng chí Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đề nghị trong giai đoạn này là cần thiết kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tốt hơn là giảm thuế GTGT, như vậy việc trốn thuế sẽ giảm đi và doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp mới là sự khẳng định “sức khỏe” của nền kinh tế. Đồng thời, khẳng định năng lực quản trị doanh nghiệp, sự đổi mới, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất, bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
PV