Tháng 12/1939, đồng chí Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, bị giam ở Đề lao Hải Phòng, Nhà tù Hỏa Lò, rồi bị kết án 5 năm tù, đày lên Nhà tù Sơn La và hy sinh khi mới 32 tuổi.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912 - 2022), sáng nay (6/3), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên” với hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và Tỉnh Hưng Yên.
Đồng chí Tô Hiệu sinh ra trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước và cách mạng tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Từ rất sớm, đồng chí đã bộc lộ tinh thần yêu nước, chí hướng cách mạng, bản lĩnh vững vàng, sẵn sàng dấn thân và cống hiến. Năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn, kết án 4 năm tù khổ sai, đày đi Côn Đảo. Tại đây, đồng chí được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 20 tuổi, đánh dấu bước ngoặt quyết định con đường hoạt động cách mạng.
Năm 1934 ra tù, đồng chí bị đưa về quản thúc ở quê nhà. Sau đó, đồng chí tìm cách lên Hà Nội để bắt liên lạc với tổ chức, tham gia tái lập hệ thống tổ chức Đảng và khôi phục phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ.
Tháng 5-1937, Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ được thành lập, đồng chí Tô Hiệu được cử vào Ban Thường vụ Xứ ủy. Tháng 11/1937 được cử làm Ủy viên Thường vụ Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ. Đầu năm 1939, đồng chí được cử phụ trách Khu B (sau là Liên tỉnh B), trực tiếp phụ trách Thành ủy Hải Phòng. Đồng chí đã tích cực chỉ đạo, củng cố hệ thống tổ chức Đảng ở nhiều địa bàn trọng yếu trong Khu B, đưa phong trào cách mạng vùng duyên hải Bắc Bộ phát triển mạnh, gây tiếng vang với nhiều cuộc bãi công của công nhân và quần chúng lao động, đặc biệt thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng trong công nhân ở Hải Phòng.
Tháng 12/1939, đồng chí Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, bị giam ở Đề lao Hải Phòng, Nhà tù Hỏa Lò, rồi bị kết án 5 năm tù, đày lên Nhà tù Sơn La và hy sinh khi mới 32 tuổi./.
Lại Hoa/VOV1