Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc có nhiều người con của Hà Nam tham gia. Gặp gỡ một số người từng chiến đấu trong cuộc chiến càng hiểu rằng với mỗi người Việt Nam, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc luôn là điều thiêng liêng nhất và họ sẵn sàng hy sinh bất cứ thứ gì để bảo vệ chủ quyền đó.
Sự kiện ngày 25/8/1978 và sự hy sinh anh dũng của Anh hùng LLVTND Lê Đình Chinh
Qua giới thiệu của Hội CCB phường Quang Trung (thành phố Phủ Lý), tôi được gặp CCB Ngô Hạnh Phúc, sinh năm 1957. Bác Phúc cho biết bác nhập ngũ ngày 9/5/1978, khi đó vừa tròn 21 tuổi, được phiên chế vào Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang nhân dân (nay là Bộ đội Biên phòng), nhiệm vụ là tăng cường bảo vệ biên giới khu vực cửa khẩu Hữu Nghị.
Năm 1978, tình hình biên giới Việt-Trung cực kỳ căng thẳng. Người Hoa bên Việt Nam ùn ùn đổ về biên giới. Ngày 12/7/1978, Trung Quốc đột ngột đóng cửa biên giới, rất đông người Hoa dồn ứ ở các cửa khẩu, gây rối an ninh trật tự. Khi đó, để vận động người Hoa đang ùn lại cửa khẩu Hữu Nghị về nơi ở cũ, tỉnh Cao Lạng (hợp nhất Cao Bằng và Lạng Sơn) đã thành lập Ban “Giải toả người Hoa”, huy động Công an vũ trang cùng các lực lượng khác ở địa phương phối hợp tham gia kế hoạch, lấy lực lượng Đồn biên phòng Hữu Nghị và Trung đoàn 12 (Đoàn Thanh Xuyên) làm nòng cốt. Đơn vị của bác Ngô Hạnh Phúc lúc đó tham gia bảo vệ đoàn vận động.

CCB Ngô Hạnh Phúc (trái ảnh) và CCB Vũ Văn Hiền kể lại những sự kiện khi tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Khoảng 8h30 sáng ngày 25/8/1978, đoàn vận động đến đồi Pù Tèo Hào, nơi có nhiều người Hoa đang bị ùn ứ ở đó thì bất ngờ bị một nhóm côn đồ tay cầm gậy, dao quắm, gạch đá cùng sự hỗ trợ của Công an biên phòng Trung Quốc tràn qua km số 0 xông vào hành hung đoàn cán bộ. Lực lượng phía bên mình chỉ mang theo vũ khí thô sơ như gậy gộc ra sức chống đỡ, bảo vệ đoàn vận động chạy xuống chân đồi. Một số anh em trong đơn vị bị thương. Bên Trung Quốc rất hung hăng, thế mạnh hơn, bên mình bị động không chống đỡ kịp tạm lui xuống phía chân đồi cho đến khi có quân tăng cường lại dồn phía Trung Quốc ngược trở lại qua km số 0.
Với sự hỗ trợ của Công an Trung Quốc, đám côn đồ quay lại tấn công dữ dội. Bác Phúc khi đó bị một đối tượng bổ một nhát gậy khá mạnh từ phía sau vào bả vai. Anh Lê Đình Chinh khi đó là Đại đội trưởng Tiểu đội 2 trong lúc giải vây cho đoàn cán bộ bị ném một viên đá vào gáy máu chảy đầm đìa nhưng vẫn xông lên. Một tên côn đồ nấp sau lán dùng gậy vụt mạnh vào ống chân anh làm anh ngã sấp xuống. Cùng lúc đó, 4 tên Trung Quốc từ bên kia biên giới lao sang dùng dao quắm chém tới tấp vào gáy, cổ. Anh hy sinh khi mới 18 tuổi.
Đồng đội hết sức căm phẫn những kẻ gây ra tội ác, đau xót khiêng anh xuống phía dưới chân đồi, sau đó yêu cầu Đồn trưởng Đồn biên phòng Nam Quan bên Trung Quốc sang làm việc. Suốt 4 tiếng đồng hồ (từ 11h đến 16h ngày 25/8/1978), tên đồn trưởng lúc đầu ngoan cố, nhưng sau đó phải ký vào biên bản, thừa nhận việc Công an biên phòng Trung Quốc vượt biên giới sang sát hại chiến sỹ Lê Đình Chinh ngay trên đất Việt Nam. Máu đã đổ. Lê Đình Chinh là liệt sỹ đầu tiên trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, sau này được phong là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bác Vũ Văn Hiền, sinh năm 1959, cũng ở phường Quang Trung, cùng nhập ngũ ngày 9/5/1978 với bác Phúc, cùng Trung đoàn 12 thì cho biết, do ở lực lượng cơ động nên đơn vị bác ở phía dưới, khi có báo động hỗ trợ mới lên, cùng đồng đội ép phía Trung Quốc phải lui qua km số 0. Sau khi đám người Trung Quốc về hết bên kia biên giới, quân mình mang cọc lên đóng, giăng dây thép gai rào biên giới và chốt luôn ở đó để canh gác. Suốt nhiều tháng ngày sau đó, bên Trung Quốc bắc loa chửi bới, khiêu khích. Loa nói to, cách 3 km dưới Đồng Đăng còn nghe thấy.
Trận chiến đấu lịch sử ngày 17/2/1979
Nói về trận chiến đấu lịch sử ngày 17/2/1979, bác Hiền cho biết, đó là một buổi sớm trời âm u lạnh. Cả tiểu đội đang ngủ chợt nghe tiếng đạn pháo nổ. Một số anh em không biết lại tưởng đó là tiếng sấm, nói nếu mưa sáng sẽ nghỉ không phải đi đào hầm. Tuy nhiên, người có kinh nghiệm biết ngay đó là tiếng đạn pháo, biết rằng chiến tranh đã xảy ra. Đơn vị được lệnh tiếp ứng lên chốt 411 giáp biên giới.
Phía Trung Quốc dập pháo ngày đêm rồi đem quân tràn sang đánh phá, đơn vị bác được điều về giữ chốt của trung đoàn, ở hang Hủi, ngay cửa động Tam Thanh, sau đó lui về bảo vệ thị xã Lạng Sơn. Bác cho biết, khi quay trở về thị xã Lạng Sơn thấy cảnh tượng tan hoang chưa từng thấy do đạn pháo và quân Trung Quốc tàn phá.
Nhiều người dân, nhất là người già không chạy kịp chết trong nhà, trước cửa do trúng đạn pháo. Trâu bò chết ngổn ngang đầy đường. Đầu ngầm Mai Pha, nơi có nhà báo Nhật đang chụp ảnh, quay phim thì bị trúng pháo tử nạn, sau này ở đó có dựng bia căm thù ghi lại sự việc này.
Bác Đinh Văn Ngọc, sinh năm 1959, nhà ở phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý bị thương, mất một bàn tay trong trận chiến đấu lịch sử ngày 17/2/1979, hiện là thương binh 1/4. Bác Ngọc cũng nhập ngũ ngày 9/5/1978, phiên chế Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12.
Bác Ngọc kể lại đơn vị là lực lượng bảo vệ biên giới. Gần sáng ngày 17/2, cả đơn vị vẫn đang ngủ giật mình nghe có tiếng pháo từ xa đến gần. Chạy ra ngoài đã thấy quân Trung Quốc lố nhố ở xung quanh đồi. Do không tương quan về lực lượng và bị đánh bất ngờ, nên đơn vị được lệnh rút về phía dưới.
Khoảng nửa tháng sau, khi quân Trung Quốc đã rút hết đơn vị mới quay lên thu dọn chiến trường, chủ yếu tìm anh em mình hy sinh để chôn cất. Bác kể khi quay lên khu vực đồn Ba Sơn ai cũng không cầm được nước mắt khi thấy xác đồng đội mình nằm la liệt ở đó. Họ đều đã hy sinh từ ngay đêm 17/2, trời rét nên thi thể khô đen lại. Mọi người vừa khóc vừa chôn đồng đội, ai cũng căm thù những kẻ đã gây nên tội ác này. Trong lúc làm nhiệm vụ, bác Ngọc vấp phải mìn và bị mất một bàn tay.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã qua 40 năm (kể từ trận đầu ngày 17/2/1979). Những người lính tham gia chiến trường ngày đó đã xuất ngũ chuyển ngành... từ lâu, về với công việc thường ngày. Cả bác Ngọc, bác Hiền, bác Phúc đều cho biết ký ức về những năm tháng đó mãi in sâu trong tâm trí họ, nhắc nhở họ rằng người Việt Nam dù rất hiền lành, nhưng nếu kẻ thù nào xâm phạm, dù chỉ một tấc đất của lãnh thổ, mỗi người Việt Nam sẽ không tiếc máu xương mình đứng lên bảo vệ đến cùng, dù có phải đánh đổi bất cứ thứ gì.
Yên Chính
Đỗ Hồng