Đồng chí Trần Quốc Hương (bí danh Mười Hương; Bí thư Trung ương Đảng; Trưởng Ban Nội chính Trung ương) từ lâu đã được biết đến là một trong những nhà chỉ huy mạng lưới tình báo nức tiếng Việt Nam những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Cùng với những kỳ tích, chiến công lừng lẫy, cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Trần Quốc Hương thực sự là bức chân dung sinh động về một cán bộ tiền bối đã từng hai lần vào nhà tù thực dân, đế quốc; một vị chỉ huy tài tình đầy mưu trí trước những âm mưu thâm độc, xảo quyệt của kẻ thù, và hơn hết là chân dung một chiến sĩ cộng sản kiên trung, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng cao cả.
“Người thầy của những nhà tình báo huyền thoại”(*) - Trần Quốc Hương (1924 - 2020) tên thật là Trần Ngọc Ban, sinh ra ở vùng chiêm trũng Bình Lục (thôn Đoài, xã Vũ Bản). Người mẹ thân sinh ra ông không biết chữ nhưng lại thuộc nhiều bài hát và hát hay có tiếng trong vùng. Vũ Bản, Bình Lục quê ông là một làng quê nghèo nhưng giàu lòng hiếu học và giàu truyền thống yêu nước. Các sĩ phu yêu nước có tư tưởng tiến bộ dưới thời Pháp thuộc ở vùng quê này đã không những tỏ rõ thái độ bất hợp tác, không ra làm quan giúp chính quyền thực dân, phong kiến mà còn là những người ủng hộ mạnh mẽ phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu đề xướng. Đến khi có phong trào cách mạng, gia đình ông trở thành cơ sở liên lạc, nuôi giấu nhiều cán bộ cốt cán của phong trào trong vùng thời kỳ đó, như các đồng chí: Trần Tử Bình - Xứ ủy Bắc Kỳ; Đỗ Mười, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Ông cũng thuộc lớp người thế hệ đầu tiên của quê hương được giác ngộ và tình nguyện đi theo cách mạng.
Cũng như nhiều chiến sĩ cộng sản tiền bối khác, cuộc đời cách mạng đầy thử thách, gian khổ, hy sinh và cũng đầy tự hào, vinh quang của người chỉ huy tình báo huyền thoại Trần Quốc Hương bắt đầu bằng thời điểm tham gia hưởng ứng các phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên, công nhân. Học hết lớp nhất tại Trường Tiểu học Phủ Lý, Hà Nam, học sinh Trần Ngọc Ban chuyển lên Hà Nội nhập học ở trường dòng phố Nhà Chung, đổi tên thành Trần Quốc Hương, tham gia phong trào Hướng đạo và Hội truyền bá quốc ngữ. Giai đoạn 1937 - 1939, khi phong trào Dân chủ đối diện nhiều khó khăn, Đảng rút vào hoạt động bí mật… cũng chính là giai đoạn chàng thiếu niên Trần Quốc Hương thực sự dấn thân vào con đường cách mạng. Sự kiện bị giặc Pháp bắt xảy ra khi người thanh niên yêu nước 17 tuổi Trần Quốc Hương cùng hội truyền bá quốc ngữ tham gia treo cờ, rải truyền đơn tuyên truyền kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (tháng 11/1941). Vì chưa đủ tuổi để có thể kết án, nên sau thời gian bị giam cầm cùng nhiều cán bộ trung kiên, Trần Quốc Hương đã được chính quyền thực dân trao trả tự do.
Ra khỏi nhà lao của chế độ thực dân, mang theo lá thư giới thiệu của “nhóm trung kiên” trong nhà tù Hoả Lò, người thanh niên trẻ Trần Quốc Hương bắt liên lạc với Trung ương để tiếp tục hoạt động. Năm 1943, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Trần Quốc Hương được bố trí công tác tại Ban cán sự Đảng Phúc Yên, sau đó chuyển về Ban Công tác đặc biệt của Trung ương trực thuộc Thường vụ Trung ương (nay là Văn phòng Trung ương Đảng), làm Thư ký cho Tổng Bí thư Trường Chinh đến khi Tổng khởi nghĩa giành chính quyền 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Trần Quốc Hương là một trong những người chuẩn bị cho buổi ra mắt quốc dân, đồng bào của Bác Hồ và Chính phủ lâm thời tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Tiếp đến những năm kháng chiến chống Pháp, đồng chí Trần Quốc Hương tham gia làm báo Đảng, tham gia công tác hậu cần, an ninh cho Ban công tác đặc biệt của Trung ương ở Chiến khu Việt Bắc.
Sự kiện “vào Nam” đánh dấu thời điểm người chiến sĩ cộng sản Trần Quốc Hương bắt đầu đảm nhận một trọng trách vô cùng đặc biệt khi đồng chí được biệt phái “đi B”. Chiến trường miền Nam lúc đó đang rất cần người cán bộ có kinh nghiệm hoạt động vùng địch hậu ở đô thị, nắm chắc công tác bảo vệ Đảng trong hoạt động bí mật. Trước khi lên đường, đồng chí Trần Quốc Hương vinh dự được Bác Hồ gặp và trực tiếp căn dặn: “Công việc thì các chú giao và dặn chú kỹ rồi. Xem làm được thì nhận và đã nhận thì đừng phụ lòng Trung ương. Đi sao nhớ về vậy…”. Cũng bắt đầu từ đây, những câu chuyện, những kỳ tích về cuộc đời hoạt động tình báo của đồng chí Trần Quốc Hương (với tên gọi Mười Hương theo phong cách của vùng đất phía nam) được khắc họa bằng những sự kiện khi đồng chí trực tiếp “đấu trí” với kẻ địch ở Trại giam Toà Khâm Huế, đấu trí với Ngô Đình Nhu, các hoạt động tình báo và chuyến “ra Bắc - vào Nam” lần thứ hai. Trong giai đoạn đặc biệt này, cho dù lúc đóng vai “thầy Hai” dạy chữ lũ trẻ, đóng vai “người ở trọ” tá túc ngay trong một gia đình sĩ quan ngụy, hay khi phải đấu trí cân não với những ngón đòn roi hành hạ thể xác, những ngón tâm lý chiến thâm độc của chính quyền Diệm, Nhu trong nhà tù... lúc nào nhà tình báo Mười Hương cũng thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của người cộng sản kiên trung, một chiến sĩ an ninh gan dạ, sáng tạo.
Tháng 5/1964, nhà tình báo Mười Hương ra khỏi nhà tù mật vụ miền Trung và được lệnh trở ra Bắc, để rồi 4 năm sau trở lại miền Nam chuẩn bị cho Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Và lần này, trước khi đi, người chỉ huy tình báo Mười Hương lại vinh dự được Bác Hồ gặp và căn dặn rất cặn kẽ: “Chú nhớ nhé, mình là người cộng sản. Việc nào nhỏ nhất mà có lợi cho nước cho dân thì nhỏ mấy cũng làm. Việc nào mà không có lợi cho nước, cho dân thì không nói, không biết, không làm. Bởi vì mình là người cộng sản”.
Khắc ghi lời Bác dạy, với nhiệm vụ mới, đồng chí Trần Quốc Hương luôn hoàn thành xuất sắc và đóng góp lớn trong những thắng lợi, những chiến công của mạng lưới tình báo trong lòng địch. Sau Tổng tấn công mùa Xuân Mậu Thân năm 1968, đồng chí Trần Quốc Hương là Trưởng ban An ninh Sài Gòn- Gia Định cho đến khi giải phóng miền Nam. Rất ít người biết rằng: người thầy tình báo, đồng chí Mười Hương là chỉ huy của những nhân vật tình báo nổi tiếng, những tên tuổi sau này mọi người mới được biết đến bởi những chiến công vang dội như: Vũ Ngọc Nhạ (nguyên mẫu nhân vật Hai Long trong cuốn tiểu thuyết và bộ phim cùng tên: “Ông cố vấn”); Lê Hữu Thuý - Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (nguyên mẫu nhân vật Lê Nguyên Vũ trong tiểu thuyết tình báo “Điệp viên giữa sa mạc lửa”); Phạm Ngọc Thảo - Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (nguyên mẫu nhân vật Nguyễn Thành Luân trong cuốn tiểu thuyết và bộ phim cùng tên: “Ván bài lật ngửa”); Phạm Xuân Ẩn - Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (nhân vật chính trong cuốn “Phạm Xuân Ẩn- Tên người như cuộc đời”)… Cuộc đời đồng chí Trần Quốc Hương là điển hình cho cuộc đời của một lão thành cách mạng được Đảng phân công làm nhiều công tác khác nhau gắn liền với nhiều giai đoạn, bước ngoặt lịch sử quan trọng và ở vị trí, công việc nào đồng chí cũng nỗ lực hết mình, hoàn thành xuất sắc.
Sau năm 1975, đồng chí Trần Quốc Hương tham gia là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV, khóa V, khóa VI; Bí thư Trung ương Đảng khóa VI; lần lượt giữ các chức vụ: Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Ở cương vị nào, giữ chức vụ nào, đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý.
Nếu như trên chiến tuyến, đồng chí Trần Quốc Hương là người chỉ huy tình báo lừng danh đã từng làm cho kẻ thù khiếp phục, bạn bè, đồng chí, đồng đội tin yêu, nể trọng thì trong cuộc sống đời thường, đồng chí Mười Hương là người vô cùng bình dị, nhân ái, thân tình, gần gũi. Suốt những năm tháng được nghỉ ngơi theo chế độ hưu trí, rồi những năm cuối đời, tuổi cao, sức yếu nhưng đồng chí Trần Quốc Hương vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, cùng gia đình, bạn bè, đồng đội... quyên góp tiền xây dựng nhà trẻ, nhiều lần tham gia các đoàn cứu trợ, từ thiện tình nguyện. Trong hàng loạt chuyến đi đầy tình nghĩa về lại những vùng chiến khu, căn cứ địa cách mạng, những vùng dân cư xa xôi, khó khăn, đồng chí Trần Quốc Hương luôn chủ động mời bác sĩ đi cùng để khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo, kết nối, đưa nhiều người nghèo bệnh nặng về thành phố chữa trị.
Dù trong những năm tháng đầy cam go, thử thách, hy sinh giữa cuộc chiến hôm qua cũng như những năm tháng trong cuộc sống hòa bình sau này, chân dung “người thầy của những nhà tình báo huyền thoại” - Trần Quốc Hương luôn rạng ngời sáng đẹp phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, luôn tận trung, tận hiến vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng, của dân tộc.
Thế Vĩnh