kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức thế nào khi tinh gọn bộ máy?

Bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức thế nào khi tinh gọn bộ máy?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết vừa ký văn bản gửi Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy theo chủ trương, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW phải bảo đảm xây dựng đội ngũ có số lượng, cơ cấu hợp lý, có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời kỳ mới.

Bảo đảm việc sắp xếp bộ máy không ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ chính trị

Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương lưu ý bám sát chủ trương, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tinh gọn bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm việc sắp xếp không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới, đặc biệt các nhiệm vụ liên quan đến phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện việc sắp xếp; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; quan tâm, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối vói cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp theo quy định.

Bố trí sắp xếp cán bộ công chức viên chức thế nào khi tinh gọn bộ máy
 Ảnh minh họa: VGP

Khi xây dựng Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy, các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị. Xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện việc điều chỉnh số lượng biên chế công chức, viên chức bảo đảm theo quy định chung và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới hình thành sau sắp xếp.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo của bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Chính phủ; khuyến khích bộ, ngành, địa phương căn cứ vào điều kiện, khả năng bổ sung chính sách (ngoài chính sách của Trung ương) hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện dôi dư sau sắp xếp tổ chức bộ máy.

Bộ Nội vụ cũng lưu ý thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Công văn số 12400- CV/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng; Quy định số 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm trong tổ chức thực hiện việc sắp xếp, bố trí cán bộ gắn với tinh gọn tổ chức bộ máy.

Sau 5 năm phải hoàn thành việc sắp xếp đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư

Bộ Nội vụ nêu 5 nguyên tắc trong việc sắp xếp bộ máy. Theo đó, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, tổ chức đảng trong sắp xếp, bố trí cán bộ theo đúng quy định của Đảng và của pháp luật. Cán bộ, công chức, viên chức phải chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và quyết định của cấp có thẩm quyền. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm mục tiêu đề ra theo yêu cầu của Trung ương.

Việc sắp xếp, bố trí cán bộ phải được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, khoa học, chặt chẽ; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, có nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và yêu cầu nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương; trong đó quan tâm bố trí sử dụng đối với cán bộ có năng lực nổi trội, có trách nhiệm, tâm huyết với công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Gắn việc bố trí, sắp xếp nhân sự với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở yêu cầu của vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mới để thực hiện việc bố trí, sắp xếp nhân sự, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ.

Việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào năng lực, sở trường, uy tín, kinh nghiệm công tác, kết quả sản phẩm công việc cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mới, nhất là đối với người đứng đầu. Đồng thời, phải bảo đảm tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Đảng, của pháp luật, gắn với cơ cấu và quy hoạch cấp ủy để chuẩn bị tốt cho công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Cùng với đó, quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Chính phủ và quy định của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm sau 5 năm phải hoàn thành việc sắp xếp đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và thực hiện việc quản lý, sử dụng biên chế theo yêu cầu chung của Bộ Chính trị tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mới hình thành sau sắp xếp (kể từ ngày cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án).

Định hướng sắp xếp đối với cán bộ, công chức, viên chức

Về định hướng sắp xếp đối với cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ cho biết, chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sẽ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Đối với chức danh do cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý theo phân cấp, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị sáp nhập, hợp nhất chủ động xây dựng phương án sắp xếp, bố trí cán bộ bảo đảm các nguyên tắc trong công tác cán bộ và mục đích, yêu cầu, nguyên tắc trong sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ định hướng, đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, căn cứ vào điều kiện thực tiễn và tiêu chuẩn, năng lực cán bộ, tập thể lãnh đạo bộ, ngành, địa phương quyết định lựa chọn người đứng đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới sau sắp xếp; nhân sự được lựa chọn có thể ở trong hoặc ngoài các cơ quan, tổ chức, đơn vị sáp nhập, hợp nhất thành đơn vị mới đó.

Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp không bố trí tiếp tục làm người đứng đầu thì được sắp xếp, bố trí ở vị trí cấp dưới liền kề và được hưởng chính sách theo quy định của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy.

Đối với cấp phó của người đứng đầu, căn cứ thực trạng số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, tập thể lãnh đạo bộ, ngành, địa phương quyết định bố trí làm cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mới sau sắp xếp hoặc bố trí sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ và năng lực của cán bộ.

Trước mắt, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hình thành sau sắp xếp có thể cao hơn quy định, nhưng bộ, ngành, địa phương phải xây dựng phương án sắp xếp giảm số lượng cấp phó theo quy định chung trong thời hạn 5 năm (kể từ ngày cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án).

Đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy hình thành sau sắp xếp đề xuất phương án sắp xếp, bố trí đối với cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với nhiệm vụ cán bộ, công chức, viên chức đang đảm nhiệm trước khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất. Trường hợp không còn nhiệm vụ thì có thể bố trí sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức hoặc giải quyết chế độ chính sách theo quy định của Chính phủ.

Trước mắt, số lượng biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức hiện đang có mặt trước khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất, nhưng bộ, ngành, địa phương phải xây dựng phương án giảm biên chế, thực hiện theo quy định chung của Bộ Chính trị trong thời hạn 5 năm (kể từ ngày cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án).

Sau khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bộ, ngành, địa phương có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tình hình mới; thực hiện rà soát, tinh giản biên chế đối với các trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm.

“Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào điều kiện thực tiễn để sắp xếp, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm hiệu quả, hiệu năng của tổ chức mới sau khi sắp xếp theo thẩm quyền và bảo đảm đúng quy định của Đảng, pháp luật”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý.

QĐND

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy