Vai trò của báo chí trong đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch

Trong thời đại ngày nay, báo chí cách mạng Việt Nam luôn ở tuyến đầu đấu tranh với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch. Mỗi tờ báo, mỗi người làm báo cách mạng đều cần nâng cao năng lực chiến đấu của mình trên mặt trận nóng bỏng này.

Yêu cầu cấp thiết chống lại những âm mưu thâm độc, thủ đoạn nguy hiểm

Trong sự nghiệp đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, báo chí cách mạng Việt Nam đã tỏ rõ vai trò là vũ khí sắc bén - “Báo chí cách mạng không chỉ là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể mà còn là người tổ chức tập thể” như chỉ dạy của Lê-nin. Báo chí cách mạng Việt Nam là công cụ mạnh mẽ góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh mới, báo chí đảm nhận sứ mệnh đấu tranh với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch. Báo chí trở thành công cụ, phương tiện, vũ khí sắc bén để tuyên truyền, đấu tranh, phản bác, đáp trả nhanh nhạy, kịp thời đồng thời cũng là diễn đàn huy động được đông đảo lực lượng quần chúng tham gia đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch bằng sự tương tác đa chiều với bạn đọc. 

Vai trò của báo chí trong đấu tranh với các luận điệu sai trái thù địch
Ảnh minh họa

Những năm qua, các thế lực thù địch không ngừng sử dụng các công cụ truyền thông để vu khống, bôi nhọ, hạ thấp uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, công tác điều hành của Chính phủ, các ngành và các địa phương. Chúng ra sức gây mất ổn định, trước hết trên lĩnh vực tinh thần - tư tưởng để chống phá Đảng và Nhà nước, chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, để phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và xa hơn là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ. 

Công cuộc đổi mới càng đi vào chiều sâu càng đạt được những thành tựu đáng tự hào thì càng nảy sinh những vấn đề mới yêu cầu chúng ta giải quyết. Thực tiễn vận động, biến đổi làm nảy sinh những vấn đề phức tạp khó khăn, chưa có tiền lệ: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thúc đẩy nền sản xuất và dịch vụ phát triển nhanh chóng; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; thực tiễn chính trị thế giới thay đổi nhanh, khó lường; từ bên trong, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng v.v. Trong tình hình ấy, lực lượng thù địch lợi dụng những khó khăn, yếu kém chúng ta đã vấp phải để tăng cường chống phá trên nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh mới, các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay rất đa dạng, phong phú, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, vừa trắng trợn, vừa lắt léo chống phá Đảng, Nhà nước. Trong cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch thì việc nhận diện các loại quan điểm sai trái, thù địch đặc biệt quan trọng. Qua quá trình theo dõi và tổng kết, có thể nhận rõ những loại quan điểm chống phá phổ biến hiện nay là: Tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng; chống phá sự lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng; bôi nhọ cá nhân các lãnh tụ, lãnh đạo của Đảng; lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm để xuyên tạc bản chất của Đảng; ca ngợi chủ nghĩa tư bản và những sự sùng bái vật chất.

Kẻ thù điên cuồng chống phá trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, trên phương diện thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống lại các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch, báo chí của chúng ta hiện nay vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa thật sự tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của tình hình thực tiễn, nhất là trong những sự kiện “nóng” hoặc những vấn đề “nhạy cảm”. Chưa có nhiều tác phẩm báo chí có chiều sâu về lý luận và thực tiễn để đấu tranh trực diện, hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch. 
Năm 2020 có nhiều sự kiện, ngày kỷ niệm quan trọng. Đặc biệt, đây là năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng là thời điểm mà các thế lực thù địch ra sức chống phá bằng những luận điệu “phản biện xã hội”, đấu tranh vì “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”, xây dựng “xã hội dân sự”, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ… để xuyên tạc, kích động thái độ thù địch. Tình hình đó càng đặt ra yêu cầu cấp thiết với báo chí là phải tăng cường hơn nữa tính chiến đấu, tính tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại những âm mưu thâm độc, thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch.

Tăng cường đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch 

Nhận thức rõ tình hình đó, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết 35 nhấn mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Mỗi tờ báo cũng như mỗi người làm báo cách mạng đều phải đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch. Trên cơ sở nhận thức vững chắc đó để phân biệt rõ quan điểm thù địch, quan điểm sai trái và có các phương pháp đấu tranh, phê phán cụ thể, phù hợp và có hiệu quả. Đối với các quan điểm thù địch, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống lại, bác bỏ toàn diện, triệt để trên nhiều phương diện lý luận, pháp lý, lịch sử, khoa học, thực tiễn. Với những quan điểm sai trái cũng cần phân biệt những quan điểm sai trái do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ với những quan điểm sai trái do cố ý với mục đích phá hoại để có phương thức đấu tranh phù hợp.

Để phát huy, làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, trong thời gian tới báo chí cần tập trung vào một số nội dung chính quan trọng: Bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng, có trách nhiệm hình thành dư luận xã hội lành mạnh góp phần tăng cường đoàn kết, nhất trí về tư tưởng chính trị và tinh thần trong nhân dân; đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch và các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc khác bằng những luận điểm, luận chứng, luận cứ vững chắc, khoa học không thể bác bỏ. 

Bên cạnh chủ đề “chống” cần nhấn mạnh việc “xây”. Thông tin truyên truyền trên báo chí phải kết hợp tốt giữa hai mặt biện chứng của vấn đề “xây” và “chống” - “lấy cái đẹp để dẹp cái xấu”, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực. Việc tuyên truyền nhằm xây dựng nền tảng tinh thần của con người và xã hội cần có cách thiết thực và có tính thuyết phục, lấy cái tốt, cái tiến bộ để ngăn chặn, phê phán những điều xấu, những cái ác, cái độc hại, chống lại những thông tin sai trái, thù địch. Bên cạnh việc đấu tranh phản bác, các tờ báo cần chú ý đến việc tích cực biểu dương những nhân tố mới, những điển hình tốt, góp phần đắc lực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, bản sắc, tinh hoa văn hóa dân tộc, chống các tệ nạn xã hội để góp phần làm lành mạnh xã hội. Việc chú trọng biểu dương, cổ vũ điển hình tốt sẽ định hướng tốt cho tư tưởng, tạo hiệu ứng xã hội lan tỏa, sâu rộng trong xã hội. Làm tốt việc biểu dương những thành quả, những tấm gương tốt cũng chính là câu trả lời xác đáng nhất đối với những thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc về tình hình đất nước của các thế lực thù địch, các phần tử chống phá. 

Hệ thống báo chí - truyền thông cách mạng cần triển khai đồng bộ các giải pháp, cả về tổ chức, lực lượng, nội dung, hình thức, phương tiện để nâng cao hiệu quả đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch - coi đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt cần coi trọng của báo chí cách mạng. Về mặt nội dung, các tuyến bài viết, chương trình cần nêu được các luận điểm sắc sảo, có tính chiến đấu cao, có cơ sở lý luận và thực tiễn thuyết phục. Về mặt hình thức, ở tầm vĩ mô, cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, huy động sự tham gia thống nhất, phối hợp các loại hình báo chí để bám sát các sự kiện; nắm bắt thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch để kịp thời có bài viết cung cấp thông tin chính xác, giải tỏa dư luận xấu; đổi mới phương thức đấu tranh trước sự phát triển đa dạng, mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội. Ở mỗi tờ báo đều cần tăng cường xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chương trình, thời lượng dành cho nhiệm vụ đấu tranh phản bác các thế lực thù địch, phản động. Về con người, cần xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận cao, khả năng luận chiến thuyết phục, và có dũng khí đấu tranh. Đồng thời, cũng cần quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện để những người làm báo có thể tiếp cận được công nghệ làm báo hiện đại, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới ngày càng cao. 

Bên cạnh đó, còn cần chú ý một điểm khác là các bài viết không phải chỉ để “dành tặng” các thế lực chống đối, thù địch mà còn để giáo dục, thuyết phục đông đảo quần chúng, bạn đọc nhận rõ những quan điểm sai trái, thù địch để đấu tranh, chống lại nhằm ủng hộ, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước nên cần có nội dung cũng như văn phong phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

Thiên Phương

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.