Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để xây dựng Đảng

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thông qua việc kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm để làm trong sạch Đảng, kỷ cương của Đảng được giữ vững, năng lực lãnh đạo của Đảng được nâng cao.

Nhìn từ một vụ xử lý kỷ luật Đảng gây chấn động

Ngày 6/6 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam các ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) ngay sau khi các vị này bị xử lý kỷ luật Đảng và chính quyền. Trong “Đại án kit test Việt Á”, sai phạm của những cá nhân đó đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo, kiến nghị và Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận: Các cá nhân (đã nêu): “Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng...”. Từ 16 giờ 30, ngày 5/6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có phiên họp bất thường và đã quyết định khai trừ ra khỏi Đảng - hình thức kỷ luật cao nhất, hai Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh. 

Việc xử lý sai phạm của cán bộ, đảng viên cấp cao và hành vi vi phạm pháp luật của công dân được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và cơ quan chức năng các cấp thực hiện kịp thời, nhanh chóng. Việc xử lý nghiêm khắc, kịp thời, thống nhất, đồng bộ đối với những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước thể hiện tinh thần quyết liệt, “không có vùng cấm” trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh chống suy thoái, phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Mấu chốt của việc xử lý nghiêm khắc và kịp thời nằm ở quyết tâm tăng cường kỷ luật Đảng, quyết tâm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh.
Điều này đáp ứng kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tinh thần quyết tâm của Đảng xây dựng một đảng cầm quyền trong sạch, một bộ máy công quyền đề cao mục đích phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước. Vụ kỷ luật cán bộ cấp cao mới nhất này cũng một lần nữa khẳng định: Kiểm tra, giám sát là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, đều chịu sự kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng. 

Tăng cường công tác kiểm tra giám sát để xây dựng Đảng
Quang cảnh hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2021. Ảnh: TTXVN

Quyết tâm chính trị lớn của toàn Đảng

Tăng cường kỷ luật Đảng, làm trong sạch Đảng là quyết tâm chính trị lớn của toàn Đảng. Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh chủ đề “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Đại hội cũng nhận định: “Qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật của Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”. Để góp phần xây dựng Đảng mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, Đại hội XIII đã xác định: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm; Hướng dẫn số 02-HD/TW, ngày 9/12/2021 về thực hiện Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã ban hành Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW, ngày 29/11/2021, thực hiện Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Những quy chế, quy định, hướng dẫn này đã tạo “khung” để Đảng nhấn mạnh hơn nữa vai trò, vị trí của nhiệm vụ giám sát và nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, bảo đảm công tác kiểm tra, giám sát để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết của các cấp ủy đảng. Đây là những căn cứ để xử lý nghiêm minh các cá nhân và tổ chức đảng vi phạm những quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nỗ lực làm trong sạch nội bộ Đảng làm cho Đảng mạnh hơn, ngày càng xứng đáng với niềm tin và mong đợi của nhân dân. 

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại các tổ chức đảng. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022, đã có 16 tổ chức đảng và nhiều đảng viên được kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, đã kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý. Chỉ riêng “Đại án kit test Việt Á”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại Học viện Quân y, Bộ Khoa học  và Công nghệ, Bộ Y tế, 8 Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và chỉ đạo 14 tỉnh ủy và 63 ủy ban kiểm tra cấp tỉnh, thành ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm liên quan đến vụ việc này. Vụ xử lý kỷ luật Đảng và truy tố những đảng viên (đã từng) giữ chức vụ cao cùng với gần 60 người khác (con số này chưa dừng lại) là minh chứng mạnh mẽ cho tinh thần đấu tranh không khoan nhượng của Đảng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tệ nạn tham nhũng, tiêu cực.

Việc kiểm tra, giám sát, xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm để giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng và củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát không chỉ phát hiện các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm mà qua việc xử lý với phương châm không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ đã đưa ra khỏi tổ chức những cán bộ, đảng viên đã thoái hóa, biến chất. “Chống” và “Xây” cùng được thực hiện trong việc tăng cường kỷ luật Đảng. Mục tiêu của tăng cường kiểm tra, giám sát không phải chỉ là việc thi hành kỷ luật, không phải chỉ là việc loại bỏ “những con sâu”, mà còn hướng đến giáo dục, răn đe, ngăn chặn, giúp đảng viên nhận thấy sai lầm, khuyết điểm, có biện pháp khắc phục, sửa chữa, nêu cao ý thức trách nhiệm để tổ chức đảng và đảng viên nghiêm túc và tự giác chấp hành kỷ luật của Đảng. Sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng và sự trong sạch vững mạnh của Đảng là đích đến cuối cùng. 

“Thanh bảo kiếm sắc bén”

Trong việc tăng cường kỷ luật Đảng, nếu chỉ dựa vào kêu gọi phát huy tinh thần tự giác - là những cố gắng của chủ thể thi hành, thì mới chỉ thực hiện được một mặt của vấn đề. Cùng với đó, còn phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Trong bất kỳ trường hợp nào, mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và bình đẳng trong trách nhiệm công dân trước pháp luật. Những đảng viên giữ vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu và nếu mắc sai phạm càng phải chịu kỷ luật nghiêm khắc.

Để đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi vào chiều sâu, việc tăng cường kỷ luật của Đảng vừa mang tính cấp bách vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài. Ngày 25/10/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 37-QĐ/TW Về những điều đảng viên không được làm. Một số hành vi vi phạm được điều chỉnh, bổ sung trong nội dung Quy định đã tăng tính răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh, chống suy thoái, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đúng Quy định số 37-QĐ/TW có tác dụng trực tiếp nâng cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, xây dựng đạo đức từ gốc, chống suy thoái từ trước khi có các dấu hiệu cụ thể. Soi chiếu vào những điều đảng viên không được làm có thể phân tích, bóc tách những nội dung cần kiểm tra, giám sát và có thể đánh giá chính xác mức độ thực hiện và sự gương mẫu của mỗi đảng viên. Quy định này đưa ra những tiêu chí, cùng với 27 biểu hiện suy thoái, biến chất đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ, làm cho công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật có căn cứ, làm cho việc tăng cường kỷ luật Đảng có hiệu quả. Đây là “thanh bảo kiếm sắc bén” để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

*
*          *

Cách đây 75 năm, tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (1). Chúng ta nhớ lời căn dặn đó của Người để thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để giữ kỷ luật Đảng nghiêm minh là yếu tố bảo đảm để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm cho Đảng thật sự là một khối đoàn kết, thống nhất và tiên phong, bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng được chấp hành đầy đủ và thực hiện thắng lợi, làm cho Đảng “là đạo đức là văn minh”.
_________________
(1) - Sửa đổi lối làm việc - Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5, tr. 301.

Thiên Phương

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy