Tăng tính công khai, minh bạch, dân chủ trong sinh hoạt Đảng và trong đời sống xã hội là phương cách hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì những điều đó làm hẹp đi “mảnh đất tốt” để độc quyền, độc đoán, quan liêu, tham nhũng và hối lộ có thể nảy sinh. Công việc này chúng ta đã làm tích cực nhưng cần làm tốt hơn nữa.
Hiện tượng xã hội nguy hiểm
Sức hấp dẫn của quyền lực rất lớn và hậu quả của sự tha hoá con người do quyền lực gây ra rất nguy hiểm với xã hội. “Quyền” bao giờ cũng gắn liền với “lợi” như một lẽ tất yếu (!). Gắn liền với những chức vị là những quyền lợi cá nhân dễ được lợi dụng để tạo ra. Điều này lại tất yếu dẫn đến tệ “mua quan bán chức”, tệ phe phái, bè cánh của những kẻ cơ hội nhằm giành giật nhau những địa vị “béo bở” – những nơi dễ tham nhũng và nhận hối lộ.
Những nơi xảy ra tham nhũng, tiêu cực phổ biến nhất là những khu vực có những hoạt động độc quyền: hệ thống thu thuế, hải quan, cảnh sát, các cơ quan có quyền ban hành các giấy phép xây dựng, quy hoạch đất đai, ban hành các giấy phép kinh doanh và các loại giấy phép khác, những cuộc đấu thầu các đơn đặt hàng của Nhà nước cho các dịch vụ công, các loại dự án tiêu tiền ngân sách... Tham nhũng còn hiện ra dưới bộ mặt khác: Tham nhũng quyền lực - thể hiện trong việc bổ nhiệm (tất nhiên là không trong sáng) các chức vụ trong các cơ quan có nhiều cơ hội “thu lợi nhuận” cho những người cùng phe cánh, cùng “nhóm lợi ích”, cho gia đình, bà con họ hàng. Ở cấp độ nhẹ hơn, nhưng phổ biến hơn và tác động trực tiếp gây ra nhiều bức xúc trong xã hội, là những công chức nhũng nhiễu, “hành” dân để đòi những khoản “bồi dưỡng riêng” cho những dịch vụ của Nhà nước mà họ được ủy quyền: chứng nhận bằng các con dấu, cấp các loại giấy phép... Những công chức cấp dưới, đến lượt mình, lại phải chi một phần những khoản “hoa lợi” đã thu được cho cấp trên của họ để duy trì hoặc cải thiện vị trí làm việc nhằm thu lợi lớn hơn. Điều này tạo ra những vòng xoáy nhũng nhiễu, đưa và nhận hối lộ mới.
Điều đáng nói là trong những năm gần đây số vụ tham nhũng, tiêu cực được phát hiện ngày càng tăng, quy mô và mức độ thiệt hại ngày càng lớn, tính chất ngày càng nghiêm trọng: có móc nối trong / ngoài, trên / dưới, có “đường dây” để “chạy” dự án, “chạy” quota, “chạy” vốn, “chạy” chức quyền, “chạy” án, “chạy” để “được” và “chạy” để khỏi bị “mất”... Những vụ tiêu cực đã được phát hiện đã làm chúng ta mất đi nhiều cán bộ, đảng viên, mất đi nhiều tổ chức đảng vì đã bị tham nhũng và lộng quyền làm tha hóa. Tổn thất về người cũng đã lan đến những cán bộ cấp cao, đang làm suy giảm lòng tin của quần chúng vào sự gương mẫu của đảng viên và vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng. Sự hoài nghi về tính trong sạch của bộ máy, của những con nguời điều khiển bộ máy đó và những quyết định được đưa ra làm xấu đi cả môi trường kinh doanh và không khí xã hội.
Về mặt xã hội, tham nhũng tập trung quyền lực và của cải vào tay những kẻ giàu có và có thế lực. Nó sẽ đẩy xã hội đi đến rối loạn khi nó lan tràn đến mức khiến dư luận cho rằng có thể cho phép “mua” được bất cứ thứ gì, làm cho các quy định về luật pháp mất đi tính hợp pháp vốn có. Về mặt kinh tế, nó gây ra những tổn thất to lớn và khó xác định chính xác mức thiệt hại.
Những yếu tố tác động đến tham nhũng, tiêu cực
Tham nhũng phá hỏng đời sống xã hội. Nhưng tham nhũng không phải là một “định mệnh”. Tham nhũng chưa bị tiêu diệt nhưng người ta có thể kiềm chế nó thông qua những yếu tố có thể làm nó biến đổi. Một công thức đã được thừa nhận: Tham nhũng = Quyền lực độc quyền + Tuỳ ý định đoạt - Trách nhiệm (1). Nói cách khác, mức độ tham nhũng có thể thay đổi phụ thuộc vào sự biến đổi của “quyền lực độc quyền”, “quyền tuỳ ý quyết định” của các quan chức và “mức độ trách nhiệm” mà họ phải chịu về hành động của mình. Công thức này cũng chỉ ra những mặt cần can thiệp để có thể kiềm chế được tham nhũng. Muốn việc chống tham nhũng đạt kết quả khả quan phải cố gắng làm giảm bớt quyền lực độc quyền (bằng cải cách trao quyền cạnh tranh), giảm quyền tuỳ ý định đoạt (bằng cải cách hành chính) và tăng cường tính trách nhiệm của các quan chức (thông qua các cơ chế giám sát) để bất cứ một công việc gì cũng phải gắn với trách nhiệm của một người nào đó. Các thủ tục và biện pháp có tính pháp lý phải có tác dụng ngăn ngừa hiệu quả.
Một nghiên cứu khác cho rằng: Tham nhũng = Độc quyền + Tuỳ tiện quyết định + Thiếu công khai. Độc quyền sẽ cho phép tự quy định giá và chỉ bán khi được giá. Tuỳ tiện dẫn tới việc các quan chức có thể tuỳ ý trả lời “Có” hoặc “Không” hoặc “Bao nhiêu tiền” mà không bị khiếu kiện và Bí mật thể hiện sự không thể kiểm soát nổi các thoả thuận. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng do vậy phải thông qua việc không ngừng giảm bớt những độc quyền, hạn chế sử dụng quyền hành một cách tuỳ tiện và nhất là phải thiết lập sự công khai hóa ngày càng cao trong các lĩnh vực của đời sống xã hội vì “thông tin là kẻ thù số một của lậu thuế”(2) .
Củng cố những tác nhân tích cực, chủ động loại bỏ những tác nhân xấu
Nhìn nhận từ bên trong, vấn đề đang ở chính con người và bộ máy. Để xảy ra tham nhũng, tiêu cực là do sự tự phấn đấu, rèn luyện trong từng con người cán bộ, đảng viên chưa đủ sức để chiến thắng chủ nghĩa cá nhân mỗi khi phải đối mặt với sự lựa chọn giữa quyền lợi cá nhân và lợi ích chung. Mặt khác, tổ chức bộ máy chưa chặt chẽ, chính sách, luật pháp chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, vẫn còn nhiều quy định chưa phản ánh đúng thực tế mà không được điều chỉnh, bổ sung, sửa chữa kịp thời. Những sự lỏng lẻo đó đã tạo ra nhiều kẽ hở để các cá nhân lợi dụng chiếm đoạt lợi ích chung cho riêng mình (có thể cùng cả nhóm) bằng nhiều cách khác nhau. Chúng ta cũng đã đề ra nhiều tiêu chuẩn để tuyển chọn những cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực, nhưng việc thực hiện một cơ chế lựa chọn công bằng và dân chủ thì vẫn còn nhiều điều đáng nói. Công tác đánh giá cán bộ ở một số nơi đã để lọt và cũng chưa loại bỏ kịp thời những kẻ không đủ phẩm chất nắm giữ những chức danh khá quan trọng. Điều đó đã gây nhiều hậu quả.
Dân chủ, thẳng thắn trong khi bàn bạc để đưa ra những quyết sách đúng đắn có thể chống được nguy cơ cá nhân, cục bộ, tệ độc đoán, chuyên quyền. Cơ chế này cần được thực hiện nghiêm túc và phải đạt được hiệu quả thực tế. Đảng đã nhấn mạnh những điều đó, đã và đang triển khai rộng lớn trong thực tiễn. Những nỗ lực này cần được tiếp tục mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Nhìn từ bên ngoài, các lĩnh vực hoạt động “béo bở” nhất có thể làm tham nhũng nảy sinh phải được nhận diện và các thủ tục liên quan phải được kiểm soát. Những biện pháp tăng cường kiểm soát bao gồm cải tiến các phương pháp và quy trình làm việc, tăng hiệu lực giám sát, luân chuyển đội ngũ công chức để không một cá nhân nào ở lại quá lâu trên vị trí công tác có nguy cơ xảy ra tham nhũng. Tất cả các giấy phép và sự cho phép nhận được qua con đường tham nhũng và hối lộ phải được vô hiệu hóa. Điều này sẽ khuyến khích nhân dân tố giác những vụ tham nhũng và những hành vi đòi “ăn” hối lộ. Cần đặc biệt quan tâm đến những “điểm nóng” (ở đó có sự xung đột về lợi ích) là những nơi có tiềm năng tham nhũng đặc biệt lớn. Trong những trường hợp phải phân định (phân chia) lợi ích, các quyết định phải do các bên đưa ra chứ không phải do các cá nhân. Các quyết định phải minh bạch, được báo cáo và có thể dễ dàng kiểm tra. Tất cả những điều đó chỉ có thể thực hiện qua cách tăng công khai hóa trong các khâu công việc, trong việc đề ra và thực hiện các quyết định. Những cải cách chống tham nhũng, tiêu cực phải nhằm vào các mục tiêu cốt lõi về chính trị và hành chính. Quá trình thực hiện những mục tiêu đó phải thường xuyên được đánh giá bằng các báo cáo trung thực và “những tiến bộ cụ thể sẽ xác nhận những lời cam kết”.
Các phương tiện thông tin đại chúng là lực cản khá lớn với các “bệnh tật” có thể phát sinh trong hệ thống. Báo chí có thể trợ giúp tốt cho việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như một “kênh” độc lập giám sát các hoạt động của các cơ quan và những người nắm giữ các chức vụ. Các quan chức và cả các công chức có thể dễ bị cám dỗ hơn vào việc lợi dụng quyền lực để chiếm đoạt lợi ích cho cá nhân nếu như họ tin rằng những hành vi sai trái của mình khó có thể bị phát hiện và bị dư luận lên án. Báo chí công khai đã và đang giúp cho công luận lên án những sai phạm cũng đồng thời làm tăng thêm tinh thần dân chủ và làm cho xã hội phát triển theo hướng văn minh.
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và sắp tới ban hành Luật Thực hiện dân chủ cơ sở đã đáp ứng yêu cầu của xã hội và đông đảo nhân dân. Cơ chế dân chủ được mở rộng và hoàn thiện sẽ phát huy hơn nữa tính tích cực và hiệu quả của nó. Cần công khai những chế độ, chính sách, quy định có liên quan đến quyền lợi của nhân dân để nhân dân có cơ sở đối chiếu trong quá trình giám sát và thụ hưởng. Đồng thời, tạo những điều kiện cần thiết và thuận lợi để nhân dân thực hiện trực tiếp quyền giám sát của mình và gián tiếp thông qua các tổ chức đoàn thể và các phương tiện thông tin đại chúng.
Thực chất cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ nhằm mục đích khắc phục những thiệt hại về kinh tế. Cuộc đấu tranh đó mang tính chất của cuộc đấu tranh chính trị nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước pháp quyền, bảo vệ sự trong sạch của xã hội. Đảng đặt nhiều quyết tâm và quyết liệt tiến hành cuộc đấu tranh cam go này với sự ủng hộ của nhân dân.
______________________
1 - Theo Rick Stapenhurst và Shahrzad Seigh - Kiềm chế tham nhũng - Hướng tới một mô hình xây dựng sự trong sạch quốc gia - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 169
2 - Xem thêm R. Klitgaard – Tạp chí Người đưa tin UNESCO - Số 6/1996, tr. 32
Thiên Phương