Nhìn nhận đúng về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự lành mạnh trong các quan hệ xã hội, từng bước lấy lại, củng cố niềm tin của nhân dân và đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đòi hỏi khách quan để xã hội phát triển

Tham nhũng gây tác hại nghiêm trọng nhất ở những nước đang phát triển. Mặc dù có những ý kiến cho rằng, tham nhũng có thể “bôi trơn” cho những bánh xe của một “nền kinh tế chuyển động chậm” biện giải cho tham nhũng, nhưng không còn nghi ngờ gì khi kết luận rằng, tham nhũng phá hỏng đời sống xã hội. Về mặt chính trị, tham nhũng làm mục ruỗng các thể chế. Về mặt kinh tế, tham nhũng ăn bám nền kinh tế, gây ra những tổn thất to lớn nhưng khó xác định, làm tăng tình trạng nợ nần và bần cùng của đất nước. Về mặt xã hội, tham nhũng tập trung quyền lực và của cải vào tay những kẻ giàu có và có thế lực, gây ra những xung đột xã hội. Một quốc gia muốn vượt qua ngưỡng “đang phát triển” để tiến lên mức “phát triển” cần tích cực kiềm chế tham nhũng để có thể bứt phá. Tuy nhiên, cuộc chiến đấu chống tham nhũng, tiêu cực tự nó không phải là mục đích. Nói đúng hơn, chống tham nhũng, tiêu cực là công cụ để đạt đến mục tiêu lớn hơn - đó là một Chính phủ hiệu lực, công bằng và hiệu quả hơn, một Chính phủ mà đến lượt nó lại gắn với sự phát triển kinh tế mạnh hơn và thực hiện các chức năng xã hội của nó tốt hơn.

Cuộc đấu tranh quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực cũng bịt lại những lỗ hổng thất thoát của nền kinh tế chung đang chảy vào những túi riêng và cả sự hình thành một “tầng lớp cai trị mới”. Việc chặn đứng những “rãnh” rò rỉ đó mang lại tác dụng nhiều mặt: Đảng làm trong sạch được đội ngũ cán bộ. Nhân dân tăng thêm lòng tin về quyết tâm và hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong cuộc chiến đấu chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch xã hội. Các nhà đầu tư sẽ yên tâm phát triển kinh doanh, sản xuất vì tin vào sự minh bạch mà không còn phải băn khoăn về các mánh lới “tạo quan hệ” và những khoản tiền không (thể) minh bạch để có giấy phép và “nuôi” giấy phép. Chính phủ cũng tăng thêm được nguồn tài chính từ việc thu thuế không bị hà lạm và giảm bớt những thất thoát do kiểm soát tốt được những chi tiêu - nhất là những chi tiêu cho việc xây dựng những công trình công cộng. Những giá trị này không thể lượng hóa bằng những con số, nhưng có thể khẳng định: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội rõ rệt.

Tranh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn

Từ góc nhìn khác, số tiền thất thoát được ngăn chặn và thu lại qua chống tham nhũng, tiêu cực có thể được nhìn nhận như một nguồn lực tài chính bổ sung cho Chính phủ dùng để nâng cao mức chi cho các khoản phúc lợi xã hội và tăng lương cho đội ngũ công chức. Tiền lương hợp lý vừa giảm bớt nguy cơ tham nhũng, vừa thu hút được nguồn nhân lực tốt để phục vụ cho khu vực hành chính công. Có thể dẫn ra ví dụ về Singapore là một điển hình thành công trong việc làm trong sạch Chính phủ. Khi nước này giành được chính quyền độc lập (năm 1959), tham nhũng hoành hành ở tất cả các khu vực dịch vụ công cộng, đặc biệt phổ biến trong các quan chức thi hành luật. Nhưng bằng nhiều biện pháp, với quyết tâm và nỗ lực to lớn, Singapore đã thoát được tình trạng tham nhũng nặng nề để trở thành một “Con rồng châu Á” trong thời gian ngắn. Trong chiến lược chống tham nhũng của Singapore có biện pháp tăng dần tiền lương cùng với điều chỉnh cơ cấu tiền lương hợp lý. Mức lương công chức ở quốc gia này thuộc loại cao nhất thế giới. Đi cùng với mức lương, hiệu quả làm việc của họ được cả thế giới đánh giá cao.

Những nỗ lực đang thu được kết quả cụ thể

Trong những nhiệm kỳ qua, “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao” (1). Qua việc tích cực chống tham nhũng, tiêu cực, “chảy máu” ngân sách đã được ngăn chặn một phần. Việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tăng lên rõ rệt (nếu như năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì tính đến nay đã thu hồi đạt tỷ lệ 34,7%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được tài sản đạt 41,3%. Các cấp thi hành án dân sự đã thu hồi được trên 61.000 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng. Các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng theo dõi chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng(2). 

Các tổ chức quốc tế ghi nhận sự tiến bộ rõ rệt trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Ngày 25/1/2022, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) đã công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index - CPI(3)) năm 2021. Theo báo cáo này, Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) của Việt Nam năm 2021 là 39/100 điểm, tăng 3 điểm so với năm 2020. Thứ hạng của Việt Nam cũng đã có sự cải thiện rõ rệt. Năm 2021, Việt Nam đứng thứ 87/180 nước trên thế giới về chỉ số này, tăng 46 bậc so với năm 2012. Năm 2021 cũng là năm Việt Nam có chỉ số CPI cao nhất trong 10 năm 2012 - 2021. Việt Nam nằm trong số 25 quốc gia và vùng lãnh thổ cải thiện được đáng kể điểm số CPI. Qua việc tăng cường chống tham nhũng, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện. Theo đánh giá của các chuyên gia và các tổ chức tài chính quốc tế: Nếu chỉ số CPI tăng 1 điểm - điều này thể hiện rằng chính phủ quốc gia đó đã chống tham nhũng mạnh hơn, tương ứng với việc năng lực sản xuất của xã hội có thể tăng thêm khoảng 0,4% GDP(4).

Từ đầu năm 2022 đến nay, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng quyết liệt đẩy mạnh. Nhiều vụ án lớn được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban, đưa vào diện theo dõi chỉ đạo điều tra và xét xử. Nhiều bị can bị khởi tố, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao. Nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật Đảng cùng với xử lý về mặt chính quyền và luật pháp. Nhiều cán bộ cấp cao khác nhận trách nhiệm chính trị của người đứng đầu đã có đơn và được Đảng chấp thuận cho thôi chức vụ theo nguyện vọng cá nhân. Những biến động về nhân sự ở cấp cao cũng là việc bình thường và hợp logic theo đúng tinh thần nghiêm minh của kỷ luật Đảng. Nhưng những biến động này đang được thổi phồng và xuyên tạc trên các trang mạng thù địch, đặc biệt là lây lan trên mạng xã hội. Những giả định xuyên tạc mang ý đồ xấu tập trung khai thác những khuyết điểm cá nhân và những kẽ hở của cơ chế để vẽ ra những “phe phái”, những “âm mưu” làm rối loạn thông tin, nhằm lung lạc nhân tâm để dễ bề thao túng.

Bất chấp những luận điệu xuyên tạc thù địch, “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận”(5). Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực “Mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sai phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới, không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai. Kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ, việc tham nhũng, tiêu cực theo nguyên tắc: Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, xử lý cả hành vi tham nhũng, tiêu cực và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực; có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật”(6). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta hôm nay “không nghỉ”, “không ngừng”, theo tinh thần “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” (7) và “Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính” (8). Việc chặt những cành đã bị sâu để cứu cả cây xanh tốt cũng là việc rất bình thường và hợp đạo lý như bài học Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng ta.

 1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII - Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 2, tr.206

2.  Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh – Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 28 - 29

3. Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) là chỉ số toàn cầu hàng đầu về tham nhũng trong khu vực công. CPI do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) cho điểm 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới dựa trên nhận thức về tham nhũng trong khu vực công, sử dụng dữ liệu từ 13 nguồn bên ngoài, bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), rủi ro tư nhân, các công ty tư vấn và các tổ chức, thể chế khác. Điểm số càng cao có nghĩa là quốc gia đó càng minh bạch và ít tệ nạn tham nhũng hơn so với những nước khác. CPI cung cấp một cái nhìn tổng thể hàng năm về mức độ tham nhũng tương đối ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

4.(https://sputniknews.vn/20220126/quanh-viec-viet-nam-thang-hang-chi-so-nhan-thuc-tham-nhung-2021-13460523.html.

5. Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh – Sđd, tr. 13

6.  Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh – Sđd, tr. 23

7.  Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh – Sđd, tr. 94

8.  Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh – Sđd, tr. 94

Thiên Phương

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy