Nhận diện và đấu tranh với âm mưu lợi dụng bầu cử để chống phá

Cả hệ thống chính trị đang làm tốt công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tuy nhiên, giống như những lần bầu cử trước, các thế lực thù địch cũng tích cực hoạt động chống phá bầu cử. Đây là điều không mới nhưng vẫn cần nhận rõ để kiên quyết đập tan. 

Nhận diện và đấu tranh với âm mưu lợi dụng bầu cử để chống phá
Tranh cổ động. Nguồn: qdnd.vn

Những luận điệu và chiêu trò quen thuộc

Như đã thành thông lệ, gần đến mỗi kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, lại liên tục rộ lên trên các website, trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị điều hành ở nước ngoài có cái nhìn thiếu thiện cảm với Việt Nam những bài viết, bài phỏng vấn với nội dung thiếu chính xác về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam. Thông tin bị xuyên tạc, những bình luận, nhận xét, đánh giá thiếu trung thực và phiến diện, một chiều, quy chụp. Các đối tượng xấu đang lái dư luận theo hướng tiêu cực, kích động hoài nghi về công tác bầu cử, gieo rắc nhận thức sai lầm liên quan đến hoạt động bầu cử. Trong đó, những nội dung chống phá chính mà các đối tượng xấu đang tiến hành có thể kể đến là những luận điệu chống phá, xuyên tạc tính chính đáng của cơ quan dân cử, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử, phủ định cơ chế dân chủ, đòi thay đổi cơ chế bầu cử và tiến đến đòi đa nguyên đa đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các luận điệu được đưa ra cũng không có gì mới: “Bầu cử chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn, “Đảng Cộng sản đang độc diễn trong bầu cử”, “Không thể có cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử” v.v… Các đối tượng quy kết cho rằng cuộc bầu cử do Đảng Cộng sản lãnh đạo là không chính danh, không dân chủ, ngăn cản quyền bầu cử của công dân và tung ra các kiến nghị vô căn cứ. Từ đây, các “yêu cầu” được đẩy lên thành yêu sách đòi: Đảng Cộng sản không được tham gia vào công tác bầu cử, không được thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo công tác bầu cử, phải “tự rút lui” và từ bỏ quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, chấp nhận đa nguyên, đa đảng, chấp nhận cạnh tranh với những đảng phái khác để thúc đẩy dân chủ v.v…

Cũng có những đối tượng “tự ứng cử” rồi hô hào các hội nhóm “dân chủ” trên mạng xã hội ký tên ảo, tung hô, ủng hộ cho các “nhà dân chủ” để gây rối, làm nhiễu loạn, phá hoại cuộc bầu cử. Cũng không phải đến thời điểm hiện tại các đối tượng chống phá mới tiến hành chống đối bằng chiêu trò “tự ứng cử”. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, chúng ta cũng đã được chứng kiến một “làn sóng” tự ứng cử. Khi không đủ điều kiện và bị loại qua các vòng hiệp thương, các đối tượng này lên mạng xã hội tung ra luận điệu: Chỉ có những người theo Đảng Cộng sản mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội; Đảng Cộng sản cố tình “cản trở” người ngoài Đảng tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội; phải để các ứng cử viên tự do tranh cử, dựa trên chữ ký của cử tri mà không cần phải trải qua hiệp thương, v.v… Có thể thấy mục đích cơ bản nhất của chiêu trò “tự ứng cử” mà các “nhà dân chủ” thích dùng cũng chỉ để “đánh bóng” tên tuổi của bản thân trong giới “dân chủ”. 

Những thông tin độc được các đối tượng xấu trong nước đưa ra lại được các thế lực thù địch ở bên ngoài xuyên tạc, vu khống một lần nữa để công kích công tác bầu cử của Việt Nam. Trên nhiều trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối điều hành, rêu rao những luận điệu cho rằng bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức, quyền lực trong Quốc hội đã được các “phe nhóm” của Đảng “an bài”, “thỏa hiệp”, “phân chia”, thậm chí đang lan truyền những bài viết “xếp ghế” cho nhân sự trong Quốc hội. Những luận điệu độc hại này đã “lây lan” đến không ít người dùng mạng xã hội. 

Chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch

Lần Tổng tuyển cử đầu tiên của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được tổ chức thành công trong tình thế khó khăn, nguy hiểm, phải chống cả thù trong và giặc ngoài. Khi động viên toàn thể nhân dân tích cực tham gia bầu cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý nghĩa của việc bầu cử: 
“Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà.  

Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó.  

Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết. 

Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân” (1). 

Những điều Người viết cách đây tròn 75 năm cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đó, chúng ta đã có kinh nghiệm tổ chức 14 kỳ bầu cử cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân. Quốc hội định ra Hiến pháp, là văn bản có tính pháp lý cao nhất của một quốc gia. Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp Việt Nam quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Từ căn cứ pháp lý cao nhất đó, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công tác bầu cử là hoàn toàn đúng quy định. Về mặt thực tiễn, Đảng lãnh đạo công tác bầu cử cũng là cơ sở để bảo đảm sự thống nhất, góp phần lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội nhiệm kỳ mới, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý đối với đội ngũ đại biểu; tạo nền tảng cho việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tiến hành trong bối cảnh khó khăn. Chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức: Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, bối cảnh quốc tế phức tạp với những diễn biến khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, chạy đua công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ v.v... Đảng lãnh đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 với quyết tâm củng cố, đoàn kết thống nhất sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. 

Trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị bầu cử và bầu cử, Đảng cũng đã sớm ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nêu rõ: “Chúng ta kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”. Việc lựa chọn những ứng cử viên để bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp được tiến hành theo đúng quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Điều này khẳng định tính chính danh, đúng quy định của các đại biểu và tính chính đáng, hợp hiến của cuộc bầu cử, và cũng góp phần đập tan những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch.

Chủ động nhận diện và đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị là điều kiện bảo đảm quan trọng góp phần cho thành công của cuộc bầu cử. Các cơ quan chức năng cần nâng cao cảnh giác, kịp thời đấu tranh, xử lý nghiêm trước pháp luật những cá nhân, tổ chức nào lợi dụng dân chủ để phá hoại cuộc bầu cử. Bên cạnh việc xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội còn cần giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp phát huy vai trò tuyên truyền, vận động của người có uy tín, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để đông đảo nhân dân được tiếp cận những thông tin chính thống, tin cậy, tích cực, không để các thế lực phản động có thể lợi dụng để kích động.                    
_____________________

(1) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, tập 4, tr. 153

Thiên Phương

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy