Kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, chống phá

Trong những ngày này, cả xã hội, các ngành, các cấp, các địa phương cho đến mỗi cá nhân đều đang nỗ lực vào cuộc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra. Chúng ta bình tĩnh, chủ động, tích cực để chống nguy cơ bùng phát dịch nhưng không ít đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, một số đối tượng khác lại xuyên tạc thông tin gây hoang mang và chống phá. Đây là hiện tượng cần dư luận lên án mạnh mẽ và các cơ quan chức năng kiên quyết đấu tranh dẹp trừ. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Yên Chính

Trục lợi từ dịch bệnh

Ngay khi dịch bệnh Covid-19 được phát hiện ở Việt Nam, toàn bộ hệ thống chính trị và chuyên môn đã được khởi động để phòng, chống dịch. Nhiều nguồn lực được huy động, nhiều biện pháp quyết liệt đã được thi hành. Việc xử lý dịch bệnh của Việt Nam đến nay đã đạt được những kết quả tích cực. Chúng ta không lơ là, coi thường nguy cơ nhưng cũng không hoang mang, rối loạn.

Tuy nhiên, trái với những nỗ lực tích cực, ngược với những tấm lòng thiện tâm, hành động thiện nguyện góp sức phòng, chống dịch, nhiều đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh để lan truyền các thông tin thất thiệt, nhiều khi chỉ vì “câu” những view ảo mà bất chấp quy định để đưa ra thông tin sai, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng, gây sợ hãi cho đám đông. Sự phát triển của mạng xã hội đã hỗ trợ tạo ra dòng chảy ồ ạt của thông tin về dịch bệnh, thật giả lẫn lộn. Nhiều người vì muốn “nổi” cái tôi, muốn thể hiện mình là người nhạy cảm, có tác động lớn đến xã hội đã chọn cách tung ra những thông tin sai lạc, chưa kiểm chứng, thậm chí nguy hiểm, độc hại để gây sự chú ý.

Những tin tức chết chóc dễ gây hoang mang, càng được lan truyền, chia sẻ nhanh. Tin có người chết, hay dương tính với virus, tin chỗ này chỗ kia bị phong tỏa, bị cách ly bao giờ cũng là tin “hot”. Cũng có người vô ý thức, phao tin giả để đùa cợt, tuy nhiên một số đối tượng phát tán các thông tin sai có mục đích trục lợi cho bản thân. Điển hình là một số người kinh doanh, bán hàng online thường lợi dụng sự nhiễu loạn thông tin khi dịch bệnh bùng phát để phao tin nhảm, nhằm câu like, câu view, tăng tương tác cho trang của mình, mục đích là để thu hút thêm khách hàng và mưu lợi. Đây là cách kinh doanh vô lương tâm cần lên án. 

Đáng buồn là những người nổi tiếng cũng tham gia thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh. Với những nghệ sĩ, những nhân vật có ảnh hưởng và có nhiều người hâm mộ, theo dõi, thông tin họ phát đi thường gây tác động nguy hiểm hơn nhiều. Không chỉ làm phức tạp thêm tình hình dịch bệnh, khiến dân chúng sợ hãi, những thông tin bịa đặt trong bối cảnh dịch bệnh còn ảnh hưởng đến việc tuyên truyền của chính quyền, làm lệch lạc nhận thức của người dân về dịch bệnh. 

Các tin thất thiệt còn có khả năng gây ra những sự phản đối, khơi mầm mâu thuẫn trong xã hội, khiến người dân không tin tưởng vào các cơ quan chức năng, chính quyền. Dù nhiều trường hợp đưa tin sai bị công an xử phạt và công khai thông tin nhưng tình trạng tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Bầu không khí hoang mang lại là miếng đất màu mỡ cho những kẻ trục lợi đẩy giá tăng cao bất thường khi kinh doanh những vật tư cần thiết để phòng bệnh như khẩu trang và nước sát khuẩn tay, nước súc miệng... Mỗi hộp khẩu trang y tế thông thường được đẩy giá lên cao gấp từ 5-10 lần so với trước khi dịch bệnh xảy ra. Một số kẻ bất lương khác thì lợi dụng sự khan hiếm để tranh thủ làm hàng giả tuồn ra thị trường. Điển hình gần đây nhất là phát hiện cơ sở sản xuất khẩu trang (ở Phú Xuyên, Hà Nội) quy mô lớn bằng cách độn giấy vệ sinh thay cho lớp màng lọc bụi.

Những hành vi đầu cơ trục lợi và làm hàng y tế giả đã vi phạm cả luật pháp lẫn đạo lý, cần phải xử lý nghiêm.

Lợi dụng dịch bệnh để chống phá

Tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng là cơ hội cho các đối tượng thù địch, chống đối, cơ hội chính trị trong và ngoài nước “tát nước theo mưa”, cố tình xuyên tạc tình hình để chống phá và gây rối. Trên trang mạng xã hội của các cá nhân, tổ chức chống đối lan truyền nhiều bài viết có nội dung sai lệch về tình hình dịch cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh ở Việt Nam. Những thông tin được đưa ra mang tính quy chụp, một chiều, phi khoa học nhưng đã có những tác động tiêu cực đối với xã hội đều thể hiện sự vô lương tâm, coi thường pháp luật của những kẻ núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền”.

Chúng cố “lái” vấn đề theo hướng “chính trị hóa” những nỗ lực của các ngành chuyên môn: Lợi dụng vấn đề liên quan đến đóng cửa biên giới với Trung Quốc để xuyên tạc vấn đề chủ quyền của Việt Nam với luận điệu: nếu không đóng cửa biên giới sẽ khiến chúng ta luôn rơi vào thế bị động đối phó và không tạo ra được một phòng tuyến ngăn chặn dịch bệnh lây lan một cách hiệu quả; cho rằng Việt Nam “không thể” và “không dám” đóng cửa biên giới với Trung Quốc để xuyên tạc: Chính quyền Việt Nam “xem thường sức khoẻ người dân”. Và cuối cùng, các “nhà dân chủ mạng” kết luận: Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc, đánh mất chủ quyền quốc gia vào Trung Quốc, kích động tâm lý bài Trung, gây hận thù dân tộc để dễ lũng đoạn tình hình.

Trước tình hình của dịch bệnh, chúng ta đã có những giải pháp đồng bộ để phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra tình trạng lây lan trên diện rộng. Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đánh giá cao nỗ lực cũng như các kết quả tích cực mà Việt Nam đạt được. Tuy nhiên, các đối tượng chống phá thường đưa ra nhiều thông tin lệch lạc về tình hình dịch bệnh, cho rằng Việt Nam đang cố tình che giấu số trường hợp bị mắc bệnh trên thực tế, “đánh lừa” người dân, xuyên tạc tình hình dịch bệnh ở Việt Nam “đã vô cùng nghiêm trọng” để làm giảm chức năng, vai trò của các cơ quan nhà nước v.v và v.v. Việc chống phá không phải là mới mà đã thường xuyên diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Nay dịch bệnh phát sinh lại được coi như một cơ hội để lợi dụng. Những âm mưu và luận điệu như vậy cần được nhận diện và những kẻ manh tâm cần được xử lý.

Những hành động kiên quyết mang lại lòng tin

Cho đến nay, số người bị nhiễm Covid-19 mới có 16. Nhưng số người mắc những sai phạm truyền thông về con virus này còn lớn hơn nhiều. Những người này cũng cần những “biện pháp chữa trị” đặc biệt. 

Trong buổi họp báo Chính phủ ngày 5/2, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết: Cơ quan chức năng các địa phương đã triệu tập hơn 170 người đăng tải các thông tin sai sự thật về dịch virus corona. Như vậy, số người tung tin thất thiệt lớn gấp hơn chục lần số người nhiễm virus tại Việt Nam. Cả các nghệ sĩ “lớn” như Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng… đưa tin sai sự thật trên trang mạng xã hội của mình cũng đã bị các cơ quan chức năng mời lên làm việc, phải nhận các biện pháp xử lý hành chính và buộc gỡ bỏ những thông tin sai.

Trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tâm lý hoang mang lo sợ dịch bệnh lan tràn trên diện rộng dễ trở nên khó kiểm soát nếu không có những biện pháp quyết liệt để ổn định tình hình. Những sai phạm phải được xử lý kiên quyết để giữ vững niềm tin cho nhân dân và còn có tác dụng răn đe những kẻ “nhăm nhe” vi phạm. Các trường học tạm thời đóng cửa, các lễ hội mùa xuân thu hút đông người như mọi năm đã được tạm dừng, tại các cơ quan, các điểm đông người, các khu dân cư đều đã có những biện pháp tuyên truyền để mỗi người dân nâng cao hiểu biết và chủ động phòng, chống dịch cho bản thân và gia đình, có những hỗ trợ đến từng cá nhân (phát khẩu trang, nước sát khuẩn) để giảm tối đa các nguy cơ lây nhiễm, có sự theo dõi kiểm soát chặt chẽ các nguồn nguy cơ (khách du lịch, lao động di cư…) để phát hiện và cách ly sớm những nguồn lây nhiễm. Chúng ta đã nỗ lực và cũng đã có những tín hiệu tốt.

Trên lĩnh vực quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Lực lượng quản lý thị trường đã xử lý gần 3.500 vụ vi phạm găm hàng, không niêm yết giá, nâng giá bán khẩu trang bất hợp lý. Nhiều cửa hàng bán vật tư y tế vi phạm nghiêm trọng đã bị đóng cửa. Những nỗ lực kiểm soát chặt chẽ tình hình thị trường còn cần phải tiếp tục lâu dài, không thể buông lỏng. Cùng với những nỗ lực kiểm soát và răn đe những vi phạm, việc tích cực tăng công suất của các cơ sở sản xuất những hàng hóa hỗ trợ chống dịch bảo đảm tiêu chuẩn để dần đáp ứng đủ nhu cầu cũng đã góp phần ổn định thị trường, bình ổn giá cả. Ở phạm vi rộng hơn có sự nỗ lực của tất cả các ngành liên quan như y tế, giáo dục, thông tin, văn hóa, du lịch, giao thông…, tất cả đã và đang làm cho công tác chống dịch trên phạm vi cả nước được thực hiện một cách có trách nhiệm và đạt hiệu quả tốt.

Dù dịch bệnh có gây ra những xáo trộn trong công việc và sinh hoạt, dù đã có những sự trục lợi và âm mưu chống phá, nhưng mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát và chúng ta có thể tin tưởng những khó khăn có thể vượt qua và những âm mưu chống phá sẽ thất bại. Từ phía cá nhân, mỗi người cần có hiểu biết đầy đủ các biện pháp y tế để chủ động phòng, chống dịch cho bản thân, đủ hiểu biết để phân biệt tin đáng tin cậy và tin thất thiệt, và hơn nữa, còn cần phải có nhận thức rõ về tình hình dịch bệnh và tính chính đáng, tính khoa học của những biện pháp đang được tiến hành để không bị những kẻ có âm mưu trục lợi hoặc chống phá có thể lợi dụng.

Thiên Phương

Thiên Phương, Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy