Đấu tranh với việc lợi dụng dân chủ để chống phá bầu cử

Càng gần đến ngày bầu cử, việc lợi dụng dân chủ, đòi “dân chủ” vô nguyên tắc trong bầu cử để chống phá cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 càng được các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị tiến hành ráo riết. Mỗi cử tri cần nhận rõ và đấu tranh thắng lợi với những âm mưu, thủ đoạn đó.

Đấu tranh với việc lợi dụng dân chủ để chống phá bầu cử
Thành phố Phủ Lý tăng cường tuyên truyền trực quan về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Trương Dũng

Bám vào chủ đề dân chủ để hoạt động sai trái 

Các thế lực thù địch hoạt động chống phá bầu cử với những cách thức ngày càng tinh vi bằng việc xuyên tạc thông tin, đưa ra những bình luận, đánh giá thiếu trung thực, sai trái, phiến diện về công tác bầu cử. Chiêu thức lợi dụng tự ứng cử để tung hô cho các nhà dân chủ giả hiệu được tích cực thực hiện cũng khiến cho một số người nhẹ dạ cả tin nhầm lẫn. 

Ứng cử là quyền hiến định, từ Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946 và tất cả những bản Hiến pháp sau này đều quy định rất rõ: Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử, từ đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (Điều 18, Hiến pháp năm 1946; Điều 23, Hiến pháp năm 1959; Điều 57, Hiến pháp năm 1980; Điều 54, Hiến pháp năm 1992; Điều 27, Hiến pháp năm 2013). Ngoài điều kiện tiên quyết là công dân Việt Nam và đủ tuổi, những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải tuân theo những quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội; người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong thực tế những năm qua đã có nhiều người tự ứng cử được cử tri nơi cư trú tín nhiệm, vượt qua các vòng hiệp thương và được cử tri nơi ứng cử tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội/đại biểu Hội đồng nhân dân. Họ hội tụ đủ các phẩm chất, tiêu chuẩn, đã tự ứng cử thành công và có những đóng góp tích cực. 

Từ phía khác, các phần tử chống phá cũng thực hiện chiêu trò tự ứng cử. Những người này nhân danh cấp tiến, dân chủ không đếm xỉa đến các tiêu chí, tiêu chuẩn, phẩm chất về năng lực để ứng cử. Một số đối tượng đòi “mở rộng dân chủ” trong hoạt động bầu cử và hoạt động của Quốc hội để đưa ra những yêu sách sai trái như: Đòi Quốc hội phải độc lập với Đảng, cho rằng Đảng lãnh đạo Quốc hội là đứng ngoài và đứng trên luật pháp, cho rằng Đảng lãnh đạo Quốc hội là biểu hiện của mất dân chủ, đòi phải cân bằng quyền lực giữa Quốc hội và Đảng nên cần có ít nhất 50% đại biểu Quốc hội không phải là đảng viên, tuyên truyền rằng chỉ có đại biểu Quốc hội không phải là đảng viên mới đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, còn đại biểu Quốc hội là đảng viên chỉ bảo vệ ý chí của Đảng (!) v.v và v.v. 

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định rõ: “Người tự ứng cử nộp hai bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên” (điểm b, khoản 1, Điều 36). Theo quy định, cử tri nơi cư trú hoặc cử tri nơi công tác sẽ nhận xét về tiêu chuẩn ứng cử và trực tiếp biểu quyết để người đó ứng cử đại biểu Quốc hội/đại biểu Hội đồng nhân dân. Kết quả của hội nghị cử tri là một trong những căn cứ quan trọng để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương và quyết định giới thiệu người ứng cử vào danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử. Đây là quy trình chặt chẽ nhằm sàng lọc và loại bỏ những người ứng cử không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu (Quốc hội/Hội đồng nhân dân) trước khi bầu cử. Những phần tử chống phá bịa đặt, xuyên tạc rằng hội nghị cử tri ở nơi cư trú chỉ là “nơi đấu tố”.

Trong khi tung ra những “bảng thu thập chữ ký” (ảo) trên mạng xã hội thì họ lại không muốn đứng trước hội nghị cử tri (thật) ở nơi cư trú - là những người gần họ nhất, hiểu họ nhất và có những nhận xét chính xác về họ. Khi không đạt được ý muốn qua các hội nghị hiệp thương, thì họ quay lại bôi nhọ, xuyên tạc công tác bầu cử. Họ rêu rao rằng, tổ chức hội nghị hiệp thương là vi hiến vì Hiến pháp không có quy định về hiệp thương hay về cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội (!). Chiêu “ăn vạ” này thể hiện sự dốt nát về kiến thức pháp luật. Ai am hiểu luật pháp đều biết điều đơn giản rằng: Hiến pháp là đạo luật gốc, là đạo luật cơ bản, chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản nhất, quan trọng nhất. Không có một bản Hiến pháp nào trên thế giới có thể quy định đầy đủ mọi quy phạm để điều chỉnh mọi quan hệ xã hội. Và như vậy nói tổ chức hội nghị hiệp thương vi hiến là điều nực cười cũng tương tự như nói rằng Hiến pháp không quy định về hợp đồng nên mọi quy định về hợp đồng trong các Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp cũng là vi hiến (!). 

Việc đề xuất “những đại biểu phải cấp tiến, dân chủ”, rồi tung lên mạng xã hội những thông tin ảo, kêu gọi vote (bỏ phiếu), bỏ phiếu ảo thực chất là những hành vi chống phá, gây nhiễu loạn thông tin, tung hỏa mù, gây rối bận cho các cơ quan, tổ chức bầu cử. Những chiêu trò này với các luận điệu sai trái, lệch lạc cũng không phải bây giờ mới diễn ra mà đã được lặp lại nhiều lần, đặc biệt trên không gian mạng và các thông tin đồn thổi được lan truyền trong xã hội. Điều này làm rối loạn nhân tâm, đầu độc không khí xã hội. 

Làm sáng rõ chính nghĩa và nghiêm minh với những hành vi vi phạm pháp luật

Để làm được điều này, trước hết cả hệ thống chính trị phải làm cho toàn thể nhân dân, các cử tri hiểu rõ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và tuyên truyền để cho nhân dân hiểu Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo bầu cử. Cần tuyên truyền cho cử tri rõ Nghị quyết 1185 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định rõ thành phần, cơ cấu, số lượng, chất lượng, trong đó có quy định từ 5 đến 10% đại biểu Quốc hội là đại biểu không phải đảng viên và cần có phẩm chất, đạo đức, phân bố như thế nào. Mỗi cán bộ, đảng viên và cử tri cần nhìn nhận rõ những ý kiến, nhận xét thiếu tính xây dựng, mang động cơ xấu, những mưu đồ cá nhân (như: đại biểu Quốc hội không phải là đảng viên phải chiếm đa số, Quốc hội phải hoạt động theo mô hình của các nước tư bản, đặt hoạt động của Quốc hội ra ngoài sự lãnh đạo của Đảng…) để tránh mắc những âm mưu xấu.   

Ý kiến đòi phải có 50% đại biểu Quốc hội không phải là đảng viên là vô lý. Đảng lãnh đạo Quốc hội thông qua Đảng đoàn Quốc hội và thông qua các đảng viên tại Quốc hội. Đảng cầm quyền thì đương nhiên trong Quốc hội, số lượng đảng viên chiếm đa số. Dễ thấy rằng các đảng viên - đại biểu Quốc hội thuộc nhiều giai cấp, tầng lớp, thành phần trong xã hội và đều là những người có trình độ, có tri thức, có đạo đức, có vị trí, vai trò nhất định trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước cũng như thực hiện đường lối, chính sách của Đảng. Thông qua hoạt động của mình, các đảng viên giữ các vị trí quan trọng trong xã hội tham gia giải quyết những vấn đề của Quốc hội và cũng chính là thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua các đảng viên trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong những năm qua, Quốc hội với đại đa số đại biểu là đảng viên đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, có nhiều đóng góp tích cực về trí tuệ, công sức vào công cuộc phát triển đất nước, thực hiện tốt vai trò là đại diện, bảo vệ quyền, nguyện vọng và lợi ích hợp pháp của cử tri và nhân dân. Những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, đối ngoại..., trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong phòng, chống dịch bệnh; trong việc bảo đảm và từng bước nâng cao đời sống nhân dân đã thể hiện rõ hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có Quốc hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hoạt động của Quốc hội luôn được đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ hơn. Những kỳ họp Quốc hội ngày càng được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đánh giá cao với các hoạt động chất vấn, tranh luận rất sôi nổi, thẳng thắn, hiệu quả tại nghị trường. 

Trên mạng xã hội hiện nay đã xuất hiện những “lời vận động” cử tri không đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đáng chú ý, đã có hiện tượng gửi hàng nghìn thư điện tử chứa các đầu tài liệu mang nội dung xấu, độc vào hệ thống email công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở một số địa phương. Một số tổ chức phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước sử dụng các tài khoản facebook, blog cá nhân, mạng xã hội tuyên truyền sai sự thật, lợi dụng công tác cán bộ của Đảng, các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để kích động trong dịp diễn ra bầu cử sắp tới. 

Cần khẳng định mạnh mẽ rằng: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, trong đó quyền bầu cử, ứng cử được coi là một quyền quan trọng. Đi đôi với quyền là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, ứng cử. Vận động cử tri không đi bầu cử là vi phạm pháp luật về quyền này. Việc lợi dụng dân chủ để chống phá bầu cử nếu vi phạm “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” được quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự (năm 2015) cần được xử lý nghiêm khắc.

Thiên Phương

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.