Đấu tranh thắng lợi với âm mưu gây ra “cách mạng màu”

Các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc, chống phá, bôi nhọ chế độ “mất dân chủ” ở Việt Nam. “Cách mạng màu” là mô hình được ưa thích và chúng kêu gọi muốn có “dân chủ thực sự”, cần thực hiện một sự thay đổi kiểu “cách mạng màu”. Để đấu tranh, làm thất bại những âm mưu này, trước hết cần nhìn rõ và loại trừ những căn nguyên.

Đấu tranh thắng lợi với âm mưu gây ra “cách mạng màu”
 Thành phố Phủ Lý nhìn từ trên cao. Ảnh: Hải Phong

Nhận diện bản chất và  nguyên nhân “cách mạng màu”

“Cách mạng màu” (colour revolution), có thể còn có một số tên gọi khác, là khái niệm từ phương Tây dùng để chỉ các phong trào biểu tình quần chúng, các cuộc chính biến do các thế lực bên ngoài kích động (trước tiên) tại một số quốc gia thuộc Liên Xô (trước kia) và Đông Âu trong thập niên cuối thế kỷ 20. Đầu tiên là cuộc “cách mạng nhung” (1989) làm tan rã Liên bang CHXHCN Tiệp Khắc (trước kia), các cuộc “chính biến ôn hòa” dần dần được mang tên gọi màu sắc: Làn sóng “màu” và “hoa” lan rộng trong những năm đầu thế kỷ 21, từ “cách mạng màu” ở Nam Tư (2000), sau đó liên tiếp là “cách mạng hoa hồng” tại Gruzia (2003); “cách mạng cam” tại Ukraine (2004); “cách mạng hoa tulip” ở Kyzgyzstan (2005)...

Ở một loạt nước Trung Đông và Bắc Phi, những cuộc cách mạng không còn mang “màu” mà được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Bắt đầu từ “mùa xuân Ả rập” bùng nổ ở Tuy-ni-di rồi “cách mạng hoa nhài” ở Ai Cập đã kéo theo liên tiếp những cuộc cách mạng theo kịch bản tương tự ở 20 (trong tổng số 22) quốc gia vùng Arab, đẩy nhiều quốc gia vào khủng hoảng chính trị, chiến tranh, bạo lực, khủng bố.

Điểm chung của các cuộc “cách mạng màu” là gây ra các cuộc biểu tình với sự tham gia của đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ dễ bị kích động, có sự can thiệp ngấm ngầm nhưng mạnh mẽ của các thế lực bên ngoài, với khẩu hiệu kêu gào đòi lật đổ các chính quyền bị cho là tham nhũng, độc tài.

Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa của “cách mạng màu” từ góc độ xung đột lợi ích địa chính trị giữa phương Đông và phương Tây sau chiến tranh lạnh. “Cách mạng màu” là công cụ của phương Tây triệt để sử dụng để củng cố, mở rộng gia tăng phạm vi ảnh hưởng bằng việc thúc đẩy mô hình chính trị với các “giá trị dân chủ”. Một số học giả khác lại cho rằng “cách mạng màu” là một chiến thuật trong chiến lược nhằm ngăn chặn sự nổi lên của những thách thức đối với quyền lực của Mỹ trong khu vực và trên toàn cầu. Các cách tiếp cận này nhấn mạnh vào các tác nhân bên ngoài mà chưa có cái nhìn phân tích sâu từ bên trong và chỉ ra được bản chất vấn đề của “cách mạng màu” là một hiện tượng chính trị diễn ra trên cơ sở những tiền đề nội sinh (tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở trong nước) và được hậu thuẫn bởi các lực lượng bên ngoài. “Cách mạng màu” chỉ diễn ra ở các nước có sự bất ổn về chính trị, nền kinh tế trì trệ và xuống dốc, tham nhũng tràn lan... Yếu tố bên ngoài sẽ chỉ phát huy được hiệu quả khi các nhân tố bên trong không còn đủ sức mạnh để duy trì sự bền vững thể chế của một quốc gia.

Các cuộc “cách mạng màu” ở châu Âu và Trung Đông, Bắc Phi đều cho thấy thực chất phía sau những cái tên mỹ miều là những rối loạn thường diễn ra khi một nước rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về chính trị, kinh tế. Thủ đoạn thường được áp dụng là tạo ra các chấn động xã hội, tác động mạnh đến nhận thức tâm trí của người dân để lôi kéo, tổ chức biểu tình. Khi biểu tình lan rộng và thu hút nhiều người tham gia, kẻ chủ mưu sẽ dùng các thủ đoạn để chuyển từ đấu tranh bất bạo động, ôn hòa ban đầu thành bạo động và lật đổ. “Cách mạng màu” là một biện pháp chiến lược thù địch nhằm áp đặt những quan niệm, những “giá trị dân chủ” từ nơi khác thông qua các thủ đoạn can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Xét trên nhiều khía cạnh, nó chính là một bộ phận hợp thành chiến lược của Mỹ và phương Tây thời kỳ hậu “Chiến tranh lạnh”.

Nhìn từ nhân tố kỹ thuật, những cuộc cách mạng màu diễn ra ở nhiều quốc gia đều tận dụng tối đa qua sự lan tỏa nhanh mạnh, tính ẩn danh của internet, mạng xã hội (facebook, twitter…), youtube nhằm kích động quần chúng. Các lực lượng đối lập luôn tận dụng tối đa công nghệ thông tin để đưa tin, bài xuyên tạc, tập trung xoáy sâu vào những vấn đề “nóng” trong xã hội, reo rắc tâm trạng chán chường, bất mãn trong người dân. Khi đến thời điểm thích hợp những bất mãn được nuôi dưỡng âm ỷ đó chỉ cần một ngòi nổ sẽ bùng phát thành những cuộc biểu tình. Những cuộc biểu tình ôn hòa sẽ được đẩy dần mức độ lên cao theo xu hướng chuyển hóa thành bạo loạn và chờ sự can thiệp của nước ngoài.

Những âm mưu gây “cách mạng màu” ở Việt Nam

Trong nhiều năm qua, các nước phương Tây và các thế lực thù địch luôn tìm cách gây ra “cách mạng màu” ở Việt Nam. Chúng thường xuyên nuôi dưỡng mưu đồ phá hoại, triệt để lợi dụng những nguyên cớ cụ thể từ những sai sót của chính quyền và các cán bộ hư hỏng, vin vào những yếu tố bất lợi từ bên ngoài để thực hiện mưu đồ đen tối nhen lên các “đốm lửa” hòng thổi bùng lên cái gọi là “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” ở Việt Nam như đã từng diễn ra ở một số quốc gia thuộc Liên Xô (trước đây), Đông Âu hay ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Những năm gần đây, có nhiều phong trào kêu gọi người dân bằng những mỹ từ đẹp đẽ: hướng về biển, đảo quê hương, bảo vệ màu xanh đất Việt, chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, đấu tranh vì thành phố văn minh, loại bỏ các dự án “ăn cả vào tương lai”... Tuy nhiên, điều dễ thấy là những chủ đề rất tốt đẹp và tiến bộ này thường được các thế lực thù địch “lồng ghép” những luận điệu xuyên tạc, kích động người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ xuống đường biểu tình. Lòng yêu nước được lợi dụng để kêu gọi mọi người tụ tập ở một số nơi nhạy cảm như trước các cơ quan đảng, chính quyền, đại sứ quán ở các thành phố lớn, khích lệ tiếng nói đối kháng qua các phong trào (cùng ký tên vào tâm thư, thỉnh nguyện, các bản tuyên cáo, kiến nghị nào đó) để tạo dư luận xã hội kêu gọi nhân dân xuống đường biểu tình, hòng gây bạo loạn. Có thể nêu những vụ điển hình như: Tháng 5 và tháng 6-2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, một bộ phận người dân đã bị lôi kéo tham gia vào các cuộc tụ tập đông người trái phép. Một số kẻ quá khích, manh động đã có hành vi phá hoại, đốt phá những nhà máy, cơ sở sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài gây thiệt hại nghiêm trọng cả về vật chất và môi trường đầu tư. Năm 2016, vụ Formosa gây nhiễm độc biển và làm cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung cũng được sử dụng để kích động kêu gọi biểu tình, thực hiện cuộc “cách mạng cá” (!) Ngày 10-6-2018, lợi dụng cớ phản đối dự Luật Đặc khu, chúng lại lôi kéo, kích động người dân tụ tập đông người trái phép gây ra các hành vi vi phạm pháp luật ở Bình Thuận v.v. Những kẻ đứng sau những hành vi vi phạm pháp luật đều dùng chung nhiều thủ đoạn thâm độc để tạo những hành động “lật đổ chính trị trong hòa bình”, dùng phương thức giành chính quyền bằng biểu tình nhằm mục đích chuyển hóa chế độ, lật đổ chính quyền.

Bên cạnh những mặt tích cực, không thể phủ nhận những mặt trái của toàn cầu hóa, nền kinh tế của chúng ta còn nhiều khó khăn, bất cập, nhiều lĩnh vực còn chưa đủ khả năng tham gia thị trường toàn cầu. Lợi dụng quy định của các tổ chức thương mại, các thể chế kinh tế, tài chính thế giới thường xuyên gây sức ép chuyển hóa chủ trương, đường lối là một trong những thủ đoạn tinh vi được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng. Về văn hóa - tư tưởng, lợi dụng tính chất phức tạp, nhạy cảm của các vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền, các thế lực thù địch, phản động chống phá bằng cách thường xuyên kích động dư luận, gây ra và làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột. Cùng với đó, những trào lưu tư tưởng - văn hóa tiêu cực từ bên ngoài du nhập vào nước ta nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây ra mất phương hướng, làm sai lệch các chuẩn mực giá trị, đạo đức, văn hóa, lối sống. Các thế lực thù địch, các tổ chức, phần tử phản động còn ra sức tuyên truyền những luận điệu thâm độc, xảo quyệt để ly gián, vô hiệu hoá quân đội, công an, chia rẽ quân đội, công an với Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính quyền.

Phòng và đấu tranh thắng lợi với những âm mưu thâm độc

Để ngăn chặn nguy cơ “cách mạng màu”, trước hết chúng ta cần phải nhận rõ những yếu tố chủ quan. Để người dân tin và không bị các thế lực thù địch lôi kéo, về chính trị cần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Để lấy lại và tăng cường niềm tin của nhân dân, cần phải giải quyết tận gốc tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, xa dân, tham nhũng. Cần tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, bảo đảm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là ở những vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa - những vùng dễ bị kẻ địch tấn công. Chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, khắc phục kịp thời nguy cơ phân hóa, mâu thuẫn, chấn chỉnh các biểu hiện suy thoái, phai nhạt lý tưởng và xử lý nghiêm minh các hành vi sai trái, lạm dụng chức quyền, tham nhũng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Trong lĩnh vực an ninh, phải phát hiện sớm và kiên quyết loại trừ các phần tử cơ hội, phản động, chống phá từ trong nội bộ. Về kinh tế, cần kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng với bảo đảm công bằng xã hội. Thực hiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Cần ngăn ngừa và kiên quyết chống tình trạng “lợi ích nhóm” trong quá trình phát triển, xâm phạm lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Tăng cường hợp tác quốc tế trên nhiều phương diện là một trong những điều kiện thuận lợi để chúng ta nâng cao vị thế quốc gia, cũng đồng thời ngăn chặn những âm mưu và hoạt động thù địch. Tăng cường hợp tác, mở rộng giao lưu thông qua các diễn đàn đa phương cũng hỗ trợ cuộc đấu tranh với các đối tượng, tổ chức chống phá từ bên ngoài. Trong quá trình hội nhập kinh tế, còn cần hạn chế những mặt trái của toàn cầu hóa, giữ vững độc lập tự chủ trong phát triển, không để rơi vào tình trạng lệ thuộc về kinh tế.

Với tất cả các quốc gia, môi trường hòa bình, an toàn và ổn định luôn là tiền đề để phát triển bền vững. Để đạt mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh, chúng ta kiên quyết làm thất bại những âm mưu gây “cách mạng màu”, giữ vững ổn định để thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển.

Thiên Phương

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy