Đấu tranh chống lối sống thực dụng trong cán bộ, đảng viên

Khi Đảng yêu cầu đấu tranh khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Điều 1 trong “9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống” được Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) chỉ rõ là: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”. Lối sống thực dụng là những biểu hiện méo mó của đạo đức cá nhân. Chúng ta vẫn phải hằng ngày tích cực đấu tranh với những biểu hiện xấu đó.

Nhận diện lối sống thực dụng

Chủ nghĩa thực dụng trong triết học có ý nghĩa tiến bộ khi nó chống lại những quan điểm giáo điều, đề cao tính kiểm nghiệm được bằng thực tế, đòi hỏi nhận thức, hiểu biết về sự vật một cách thấu đáo, đến tận cùng và có thể kiểm chứng được. Tuy nhiên, khi khúc xạ vào đời sống xã hội, chủ nghĩa thực dụng lại mang vẻ mặt/được hiểu là chủ nghĩa đề cao vật chất.

Đấu tranh chống lối sống thực dụng trong cán bộ đảng viên
Ảnh minh họa.

Những người theo chủ nghĩa thực dụng sẽ sinh ra lối sống thực dụng. Họ có lối sống ích kỷ, chỉ sống cho mình, chỉ muốn giành lợi ích cho bản thân, luôn đề cao giá trị vật chất. Trong đời sống xã hội, chúng ta thường gặp người có lối sống thực dụng, có thể chỉ cần nhận ra qua những biểu hiện cụ thể, qua các cách giao tiếp, cách ứng xử. Một số biểu hiện của lối sống thực dụng dễ nhận ra: Coi trọng vật chất, luôn đề cao những lợi ích của mình; Coi tiền là thước đo và là công cụ quyết định để giải quyết tất cả các vấn đề; Bỏ qua những người, những việc, những mối quan hệ không đem lại lợi ích cho mình; Dùng mọi thủ đoạn để chiếm lợi ích về mình… Họ thường tính toán, cân nhắc để chọn làm những việc có lợi, không có lợi (cho mình) thì không làm. Thậm chí, nếu có lợi cho mình thì có thể làm những việc bất chấp những quy tắc ứng xử, bỏ qua những quy chuẩn đạo đức, không quan tâm đến người khác. Những người có lối sống thực dụng không suy nghĩ và làm việc cho những lợi ích chung, cũng không chú ý đến hậu quả người khác phải chịu do những việc làm của mình. Đây là lối sống đáng lên án gây mất niềm tin vào những điều tốt đẹp.

Cán bộ, đảng viên có lối sống thực dụng thường có tham vọng, sùng bái địa vị. Họ tìm mọi cách để đạt được mục tiêu chính trị, “leo” lên các vị trí cao, bằng cách “chạy” chức, “chạy” quyền dưới mọi hình thức để từ đó dễ kiếm chác từ chức vụ và quyền lực. Người có chức vụ, quyền hạn bị tha hóa bởi chủ nghĩa cá nhân và lối sống thực dụng thường nuôi dưỡng, bao che cho sai trái, tiêu cực, tạo ra những “nhóm lợi ích” để trục lợi. Trong nhân cách cá nhân, lối sống thực dụng làm xói mòn đạo đức cách mạng và lý tưởng khi người đảng viên tình nguyện đứng trong đội ngũ của Đảng. Trong ứng xử, người có lối sống thực dụng chỉ quan tâm đến những mối quan hệ đem lại lợi ích cho họ. Trong đời sống xã hội, lối sống thực dụng dẫn đến vô trách nhiệm với lợi ích chung, không chống cái sai, không ủng hộ, bảo vệ cái đúng. Phương châm sống của những người có lối sống thực dụng là “gió chiều nào che chiều ấy”. Tinh thần của họ là sẵn sàng vì lợi ích của bản thân mà hành động để mưu lợi.

Lối sống thực dụng đồng hành với lối sống cơ hội, bè phái. Tính bè phái hiện nay biểu hiện rõ nhất ở vấn nạn “lợi ích nhóm”. Tính bè phái thể hiện ở sự cố kết của nhóm (nhỏ) người để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi cá nhân hoặc “nhóm lợi ích” của mình. Nếu cá nhân có quyền lực với lối sống thực dụng tất yếu sẽ lạm dụng quyền lực, vun vén cho cá nhân và "nhóm lợi ích" của mình. Điều này sẽ càng gây nên những hậu quả khó lường cho xã hội. Tính bè phái, “cùng hội cùng thuyền", “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” là biểu hiện của tính thực dụng cá nhân được nhân lên nhiều lần bởi số đông. Nó vừa bao hàm việc các cá nhân muốn đạt được mục tiêu của mình, vừa là sự đồng thuận của "nhóm lợi ích". Tính bè phái được che đậy bằng sự thống nhất cao trong suy nghĩ và hành động của nhóm người đó để cùng đạt một mục đích. Đương nhiên những mục đích này chỉ là của nhóm nhỏ, làm tổn hại đến lợi ích chung.

Tiêu chí để phân biệt tính bè phái với sự thống nhất mang tính tiến bộ là các biện pháp được lựa chọn và mục tiêu mà nhóm nhằm tới. Mục tiêu và hành động mang tính tiến bộ phải vì lợi ích chung, đại diện cho những xu hướng phát triển của xã hội. Tính bè phái gây tác hại khi để đạt được mục đích, một nhóm người “đồng thuận” bỏ qua những yếu tố pháp luật, đạo đức để giành được những kết quả có lợi cho mình. Trong chính trị, tính bè phái kết hợp với chủ nghĩa thực dụng sẽ đẻ ra chủ nghĩa cơ hội chính trị.

Bảo đảm và bảo vệ những lợi ích chính đáng 

Cũng cần phân biệt giữa lối sống thực dụng với lối sống thực tế. Mặc dù có chung đặc tính là khả năng ứng biến để thích nghi, nhưng khả năng thích nghi của cá nhân có lối sống thực tế luôn tuân thủ nghiêm các nguyên tắc của tập thể, của cộng đồng. Lối sống thực dụng và lối sống thực tế có sự khác nhau về bản chất. Khi lối sống thực tế vẫn bao hàm được các yêu cầu về đạo đức, những người có lối sống thực dụng để đạt mục tiêu sẵn sàng chấp nhận các thủ đoạn phi đạo đức. Trong khi tuân thủ lợi ích của tập thể, người có lối sống thực tế trong hành động biết lựa chọn những biện pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu mà không đi trái với đạo lý.

Lối sống thực dụng khác biệt cơ bản với lối sống thực tế. Cần phân biệt và ủng hộ tinh thần thực tế khi xét đến những nhu cầu chính đáng của những người có lối sống thực tế để động viên họ phát huy sáng tạo và tính hiệu quả trong những công việc. Nhu cầu có vai trò quan trọng trong việc tích cực hóa các hoạt động của con người. Lợi ích là biểu hiện trực tiếp của các nhu cầu. Lợi ích gắn với những mục tiêu cụ thể và nhằm vào những đối tượng cụ thể. Khi động viên những người có tinh thần và lối sống thực tế phát huy hiệu quả làm việc, lợi ích chính đáng được bảo đảm và gắn chặt với các công việc có ích về mặt xã hội sẽ kích thích tính tích cực về mặt xã hội của các cá nhân. Không tính đến lợi ích thì không thể bảo đảm được sự phát triển năng động của xã hội. Nó có thể làm tăng tinh thần tận tụy, tăng chất lượng công việc của từng con người cũng như các nhóm xã hội có cùng lợi ích. Việc bảo đảm và bảo vệ những lợi ích chính đáng của cá nhân chính là nhân tố kích thích, là đòn bẩy, là chất gắn kết các cá nhân trong những hoạt động xã hội. 

Vấn đề đặt ra là phải tạo ra sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân với lợi ích chung của xã hội và phải làm cho những lợi ích cá nhân có xu hướng xã hội rõ nét. Phải bảo đảm được lợi ích chính đáng của từng cá nhân cũng như bảo đảm sự cân đối hài hòa mối quan hệ giữa những lợi ích cá nhân với nhau, giữa những lợi ích của cá nhân hoặc nhóm lợi ích, với lợi ích chung. Và như vậy những người có lối sống thực tế, biết chú trọng tới hiệu quả và sáng tạo trong công việc cũng được trân trọng và khuyến khích. 

Nhận rõ căn nguyên và “cách chữa bệnh”

Lối sống thực dụng bắt nguồn sâu xa từ chủ nghĩa cá nhân trở nên thắng thế trong mỗi con người. Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên. “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí,... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng ham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”. Một trong những “con đẻ” của chủ nghĩa cá nhân là lối sống thực dụng. 

Đấu tranh chống lối sống thực dụng trong mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết phải chống chủ nghĩa cá nhân và những biến tướng nguy hiểm của nó. Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao, quyền lực càng lớn mà mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, lối sống thực dụng thì càng gây tác hại lớn cho Đảng, cho xã hội.

Chủ nghĩa cá nhân đặc biệt nguy hiểm và khó chống ở chỗ nó là kẻ thù vô hình, lại nằm trong chính bản thân mỗi con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là “giặc nội xâm”, kẻ thù của những người cách mạng. Người nói: “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. “Muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong là chủ nghĩa cá nhân”. 

Chống chủ nghĩa cá nhân nói chung, chống lối sống thực dụng nói riêng là việc làm cần thiết, thường xuyên của những người cộng sản chân chính. Trước hết, bí quyết để chống chủ nghĩa cá nhân và lối sống thực dụng ở ngay trong tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi người cần luôn cảnh giác đề phòng mọi biểu hiện của những căn bệnh cá nhân chủ nghĩa, lối sống thực dụng và chống nó bằng cách luôn phấn đấu, rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng. Việc rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, chống lối sống thực dụng trước hết phải được thực hiện nghiêm túc ở từng cán bộ, đảng viên. "Bất kỳ bao giờ, bất kỳ việc gì đều phải tính đến lợi ích chung của Đảng, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết, việc của cá nhân và lợi ích của cá nhân phải để lại sau". Cùng với quá trình tự đấu tranh, tự phê bình và phê bình để chiến thắng chủ nghĩa cá nhân nói chung và lối sống thực dụng nói riêng của mỗi cán bộ, đảng viên, Đảng cần tăng tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng, kỷ cương pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghiêm Quy định 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm, cùng với việc mở rộng dân chủ để nhân dân giám sát và phê bình cán bộ, góp phần xây dựng Đảng và bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh.       

___________________________

1- Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập -  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 11, tr. 611
2- Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 5, tr. 278
3- Hồ Chí Minh ( 2011) - Toàn tập - Sđd, tập 13, tr. 311-312
4- Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 5, tr. 291

Thiên Phương

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy