Muốn làm tròn trách nhiệm, bổn phận “công bộc” của dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, mỗi cán bộ phải có quan điểm phục vụ vì dân, tác phong công tác gần gũi, phong cách ứng xử và làm việc chuẩn mực với tinh thần tôn trọng nhân dân. Để làm tốt những điều đó cần chống lại căn “bệnh” xa dân, bài trừ thói trịch thượng của cán bộ trong công việc và ứng xử.
Không được xa rời những nguyên lý cơ bản
Đảng luôn khẳng định mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, coi đây là cội nguồn sức mạnh, là nhân tố làm nên sức mạnh của Đảng, là nguồn gốc mọi thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng. Đảng cầm quyền, lãnh đạo nhân dân nhưng Đảng cũng nằm trong xã hội, Đảng không thể đứng trên xã hội, đứng ngoài quần chúng. Điều này đòi hỏi Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn tổ chức, rèn luyện cả về phẩm chất và năng lực của toàn Đảng cũng như của từng đảng viên. Một bài học kinh nghiệm quan trọng được Đảng tổng kết là phải thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo để ngày càng gắn bó với nhân dân, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc:
Đảng lãnh đạo nhưng dân là chủ
Đảng cầm quyền nhưng mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân.
Đảng muốn lãnh đạo phải gần dân, lắng nghe và thấu hiểu lòng dân để đề ra chủ trương, chính sách phù hợp. Cán bộ, đảng viên phải trọng dân - trước hết là tôn trọng ý nguyện và quyền làm chủ của nhân dân. Và “Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(1). Khi cán bộ thật sự gần gũi, sâu sát, yêu thương quần chúng, lắng nghe, thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của quần chúng sẽ có cách ứng xử, cách giải quyết công việc phù hợp, có lý, có tình.
Gắn bó mật thiết với nhân dân là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Điều này được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011): “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Đại hội XIII của Đảng khẳng định cần “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” để xây dựng tinh thần cho đội ngũ cán bộ thật sự trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân. Thực hiện nguyên tắc “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân” trong đó cụ thể hóa các quy định về bí thư cấp ủy định kỳ tiếp xúc, đối thoại với quần chúng nhân dân, quy định về vai trò của quần chúng nhân dân trong giám sát, quản lý, đánh giá đội ngũ cán bộ, tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Vẫn còn tồn tại “căn bệnh” xa dân
“Bệnh” xa dân của cán bộ không khó gặp ở các cơ quan có trách nhiệm chăm lo cho những lợi ích của nhân dân: Ở những nơi cung cấp các dịch vụ công, những nơi ban hành các quyết định liên quan đến đời sống của nhân dân, ở những nơi dân có thể hưởng phúc lợi xã hội, thậm chí ở cả những dự án “vì dân”… Biểu hiện chung của “căn bệnh” này là các cán bộ xa dân đưa ra các quyết định thiếu khoa học, thiếu dân chủ, không phù hợp với thực tế đời sống (qua việc vẽ ra các dự án “trên trời”, các quy định không khả thi), không đáp ứng được nguyện vọng của quần chúng, không giúp cho nhân dân được thuận lợi trong công việc và trong cuộc sống… “Bệnh” xa dân còn thể hiện ở lối làm việc quan cách, cửa quyền, hách dịch, các thủ tục phiền hà, các chủ trương, chính sách ban hành không phản ánh đúng lợi ích, thậm chí đi ngược lại quyền lợi của nhân dân. Cán bộ cấp dưới thì mắc bệnh chạy đua thành tích, lề lối làm việc qua loa, đại khái, thậm chí có những báo cáo “xa sự thật”. Cán bộ cấp cao hơn thì không hiểu thực tiễn, làm việc quan liêu dựa trên giấy tờ, báo cáo của cấp dưới mà thiếu kiểm tra nên không thể biết tình hình thực tế, xa rời quần chúng và không lắng nghe ý kiến của quần chúng.
Các cán bộ mắc “bệnh” xa dân thì các mệnh lệnh đưa ra khi chỉ đạo không “cận nhân tình” và đều mang tính quan liêu như một sự tất yếu. Ở một số nơi xảy ra tình trạng “độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành”. Tệ “hành” (là) chính dễ gặp ở các cơ quan công quyền. Những gương mặt lạnh lùng, vô cảm của cán bộ tiếp dân khi dân đến trụ sở “xin” một việc gì đó cũng không phải là hiếm gặp. Trong đời sống, không thể phủ nhận đã và tiếp tục sẽ diễn ra sự phân hóa xã hội.
Khi đã có đặc quyền đặc lợi, có “vị trí cao” thì nảy sinh tâm lý tự tôn, thói quen “nhìn từ trên xuống”, từ đó sinh ra thái độ quan cách, trịch thượng cả trong giao tiếp, ứng xử và công tác. Các cán bộ mắc thói xấu này trịch thượng cả với cấp dưới và trịch thượng với dân, nhiều khi chỉ để chứng tỏ “oai” của mình, để tự thỏa mãn “cái tôi” (!). Thói trịch thượng của cán bộ là một triệu chứng phái sinh của “bệnh” xa dân và tác phong quan liêu. Biểu hiện của thói xấu này thật dễ thấy và khó gần.
Các cán bộ mắc thói trịch thượng đã không thực hiện đúng nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Các cán bộ này coi nhẹ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của tập thể, trong khi đề quá cao vị trí của bản thân, lợi dụng chức vụ để đưa “cái tôi” của mình chiếm vị trí độc tôn, chi phối, thậm chí lấn át tập thể. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo còn thể hiện cách làm việc độc đoán. Ở mức cao hơn của sự coi thường tập thể là những sai phạm dưới màu sắc vô nguyên tắc: can thiệp vào các việc thuộc công tác nhân sự (tuyển dụng, quy hoạch, phân công công tác, điều động cán bộ), các quyết định liên quan đến các kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư kinh tế - xã hội, tài chính... mà không thông qua tập thể.
“Căn bệnh” xa dân và thói trịch thượng của cán bộ không phải bây giờ mới có. Cách đây hơn 75 năm, ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo những cán bộ, đảng viên mắc thói kiêu ngạo, trịch thượng: “Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ”(2). Vì kém tài, kém đức lại ham quyền lực “coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài... Tự cho mình có quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi”(3).
Chúng ta cũng đã lên án, đấu tranh nhưng hôm nay “căn bệnh” xa dân và thói trịch thượng của một bộ phận cán bộ vẫn còn hiện hữu đặt ra yêu cầu đấu tranh chống lại để bảo vệ mối quan hệ tốt đẹp Đảng – Dân.
Tăng cường mối quan hệ Đảng - Dân, chống “bệnh” xa dân, thói trịch thượng
Khi đã trở thành Đảng cầm quyền, vấn đề đặt ra đối với công tác cán bộ của Đảng là chống lại nguy cơ cán bộ, đảng viên bị tha hoá bởi quyền lực, bị biến chất khi đã nắm giữ những cương vị lãnh đạo. Một căn bệnh thường gặp là “bệnh” xa dân và thói trịch thượng của cán bộ như đã nêu ở trên. Ngay từ khi bắt đầu xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới việc phải đấu tranh loại trừ tệ mất dân chủ, độc đoán chuyên quyền, đặc quyền đặc lợi của những ông “quan cách mạng”. Muốn được dân tin yêu thì người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải gần dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên phải gần dân, trọng dân, học dân, thật thà trước dân, thương yêu nhân dân. Cán bộ phải hiểu dân, kịp thời nắm bắt được ý nguyện của dân và mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước phải hướng tới việc bảo vệ quyền lợi của dân. Để làm được điều này, phương cách hữu hiệu là củng cố và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường quyền lực của nhân dân trong giám sát cũng như phản biện hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của bộ máy công quyền là tác nhân đáng kể chống lại “bệnh” xa dân của hệ thống cũng như của các cán bộ đã “nhiễm bệnh”. Nhân dân có thể đưa ra những nhận xét chính xác về phẩm chất, năng lực của các cá nhân cán bộ. Cũng chính nhân dân sẽ là người phát hiện, ngăn ngừa mọi biểu hiện xa dân trong các cơ quan, tổ chức và các cá nhân. Giám sát và phản biện xã hội còn có tác dụng hạn chế sự lạm dụng quyền lực, sự độc đoán chuyên quyền, quan liêu, tham nhũng trong cơ quan, tổ chức. Tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội là biện pháp thiết thực để tăng cường quyền lực của nhân dân, đồng thời tăng trách nhiệm của cơ quan, cán bộ, đảng viên trước nhân dân.
Thực hiện cải cách hành chính là yêu cầu tất yếu để sự hoạt động của hệ thống bộ máy công quyền và những con người cơ hữu trong hệ thống đó gần dân hơn. Thực hiện tốt công việc này có thể đạt hiệu quả kép: Vừa khắc phục những hạn chế của hệ thống (cồng kềnh trong tổ chức, chồng chéo trong chức năng của một số cơ quan, những quy định lạc hậu…) vừa hạn chế sự phiền hà, sách nhiễu của một số cán bộ mắc “bệnh” xa dân. Ở phạm vi từng cơ quan, tổ chức, việc cải tiến lề lối, tác phong làm việc, kịp thời chấn chỉnh (đến từng biểu hiện nhỏ) những lệch lạc trong khi phục vụ nhân dân sẽ hạn chế, khắc phục “bệnh” xa dân, uốn nắn những biểu hiện của thói trịch thượng. Điều này sẽ làm hài lòng nhân dân và tạo nên hình ảnh tốt của một chính quyền và hệ thống chính trị thân dân.
___________________________________
1 - Hồ Chí Minh (2011) – Toàn tập – Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội tập 4, tr 65
2 - Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 4, tr. 66
3 - Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 14, tr. 469
Thiên Phương