Việc hứa hão, hứa suông của một số cán bộ, đảng viên không những ảnh hưởng không tốt đến uy tín của cá nhân chủ thể mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước, gây mất lòng tin của nhân dân. Việc phòng và chữa “bệnh” hứa hão để lấy lại lòng tin của nhân dân cũng nằm trong công việc lớn phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Nhận diện một “căn bệnh”
Hứa hão, hứa suông là tiếng nôm na trong đời sống của quần chúng nhân dân nói về những người hứa rồi không thực hiện lời hứa. Với những người nói nhiều làm ít dân gian còn có câu nặng hơn nhiều: “Nói như rồng leo – Làm như mèo mửa”. Một triết gia đã từng mỉa mai: “Khoảng cách lớn nhất là từ mồm đến tay” cũng nhằm nói đến hiện tượng nói mà không thực hiện.
“Tín” - thực hiện đúng lời cam kết, là một trong năm “đức” (ngũ thường) luôn cần phải có trong đạo đức Nho giáo. Có thể nói không quá rằng: Việc giữ “chữ tín” là điều quan trọng trong việc duy trì sự ổn định xã hội.
Việc giữ đúng lời hứa quan trọng trong chính trị, ngoại giao ở tầm vĩ mô. Khi các cam kết xã hội không được các chính trị gia thực hiện đúng, quốc gia đó đứng trước nguy cơ khủng hoảng trong nước hoặc bị cô lập quốc tế. Nhiều bất ổn xã hội hiện ra dưới những hình thức phản kháng khác nhau có nguyên nhân từ những lời hứa không được thực hiện của các nhà lãnh đạo.
Trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, việc giữ lời hứa được biểu hiện bằng chữ “tín” với khách hàng. Triết lý kinh doanh luôn lấy chữ "tín" là yếu tố quan trọng để làm nên thương hiệu. Doanh nghiệp nào bị mất chữ “tín” đồng nghĩa với việc bị xã hội tẩy chay và nếu không giành lại được chữ “tín” thì nguy cơ phá sản đã hiện ra rất gần.
Trong các mối quan hệ cá nhân, việc giữ đúng lời hứa là yếu tố khẳng định nhân cách của cá nhân. Điều này cũng khẳng định độ bền chắc và mức rộng lớn của các mối quan hệ của mỗi cá nhân với những người xung quanh trong xã hội – đơn giản là không ai muốn chơi với những người hay “hứa lèo”, không tôn trọng lời hứa của chính mình.
Hiện nay, có tình trạng một số nói rất hay, rất đúng, hứa trước dân nhiều điều với những mỹ từ nhưng hành động thì không đúng như lời nói. Họ nhanh quên lời hứa của mình, hoặc chỉ hứa những điều viển vông, rồi không thực hiện. Có trường hợp hứa như để giải tỏa “sức ép”, cho “hạ nhiệt” bức xúc. Có trường hợp hứa chỉ cho “đẹp” cuối lời phát biểu. Cũng có trường hợp cứ hứa “vô tư”, dùng nhiều từ cao siêu để “đánh bóng” hình ảnh cá nhân còn việc thực hiện lời hứa thì “cứ từ từ” vì không thực hiện được thì cũng “chẳng bị làm sao” (!). Chúng ta đã nghe khá nhiều cụm từ “sẽ nhanh chóng tháo gỡ”, “sẽ giải quyết dứt điểm", “sẽ kiên quyết xử lý”… nhưng họp xong, hứa rồi, mọi việc trong thực tế vẫn không chuyển biến khá lên. Có tình trạng những đề nghị chính đáng, những bức xúc của nhân dân vẫn tồn tại qua nhiều kỳ họp, thậm chí kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ là do các cán bộ thực thi nhiệm vụ hứa mà không làm, hoặc hứa nhiều làm ít.
Với các cán bộ, đảng viên mắc “bệnh” hứa hão, “bệnh” nói nhiều làm ít, “bệnh” nói mỗi nơi một khác… được nhận dạng nghiêm khắc và diễn đạt cụ thể hơn, với những biểu hiện “đồng dạng” nhưng cùng gây tác hại cho Đảng và nhân dân. Trong 27 biểu hiện suy thoái, điều 6 trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, ngày 30/10/2016, chỉ rõ: “Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”. Do thiếu trách nhiệm với phát ngôn của chính mình, người hứa suông, hứa hão đã tự đánh mất tự trọng và cũng đánh mất luôn sự tôn trọng của xã hội.
Tấm gương sáng và những lời căn dặn của Người
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng về việc thực hiện phương châm “nói đi đôi với làm” và việc thực hiện lời hứa. Từ khi còn học ở trường tiểu học Pháp – Việt (Vinh) những lẽ phải về quyền Tự do - Bình đẳng - Bác ái đã làm rung động lòng Người khi còn ở tuổi thiếu niên. Và người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đi đến quyết định tìm hiểu thực chất câu đó là gì. Người đã tự hứa với mình và đồng bào còn đang chịu cảnh mất nước là sẽ “đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta” (1). Người đã thực hiện được hoài bão lớn đó, thực hiện được lời hứa quan trọng và thiêng liêng nhất với dân tộc. Trong cuộc sống và công việc hằng ngày, Người cũng không quên thực hiện những lời hứa dù là nhỏ nhất, trước Đảng, trước nhân dân, và trước cả các cháu thiếu nhi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, đảng viên: “Muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” (2). Người còn nói “Quyết tâm không phải ở hội trường, ở lời nói, mà phải quyết tâm trong công tác, trong hành động” (3). Muốn được nhân dân tin yêu, người cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không chỉ nói suông; chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc” (4) - nghĩa là nói gắn liền với làm, không được nói suông.
Trong công tác, Người còn dặn cần phải nghiêm khắc phê phán những cán bộ hay nói suông, nói không làm. Đó là những cán bộ “chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được” (5).
Nhớ những lời căn dặn của Người, khi đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hành đạo đức “Nói đi đôi với làm” trên thực tế cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân và cả các tổ chức Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần tấm gương đạo đức và thực hành nguyên tắc “Nói đi đôi với làm” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng là một phương cách để chúng ta từng bước ngăn ngừa, khắc phục được các biểu hiện nói mà không làm, nói nhiều, làm ít, nói một đàng, làm một nẻo, hứa với dân rồi không thực hiện lời hứa...
Tìm đúng “thuốc chữa bệnh” hứa hão
Để lời hứa biến thành hứa hão cũng có thể có nhiều yếu tố tác động, có yếu tố khách quan, có khi là bất khả kháng. Nhưng yếu tố chủ quan, trách nhiệm thực hiện lời hứa, trước hết vẫn thuộc về người đưa ra lời hứa. Phòng “bệnh” hứa hão phải có những quy định ràng buộc về trách nhiệm thực hiện lời hứa và cơ chế giám sát thi hành lời hứa để lời hứa không biến thành hứa hão. Chúng ta còn thiếu các chế tài xử lý những người hứa suông, hứa hão. Giữa các cán bộ trong các cơ quan công quyền, trong những cơ quan được xã hội phân công chăm sóc bảo đảm những quyền lợi của nhân dân, trong những chương trình, dự án phát triển quốc kế dân sinh… (người hứa) và người dân, doanh nghiệp (người được nhận lời hứa) phải có mối ràng buộc về việc thực hiện lời hứa. Điều trị “bệnh” hứa hão, hứa suông của cán bộ đảng viên, cần có những quy định mạnh mẽ hơn.
Phải thực hiện công khai minh bạch (trước hết là) chức trách của mỗi người để có sự kiểm tra, giám sát từ tổ chức và từ nhân dân. Các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, trong đó có việc giám sát thực hiện lời hứa của cán bộ, đảng viên để chấn chỉnh những người đã hứa suông, hứa hão bằng những công cụ hữu hiệu. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi” (6).
Theo lý luận chữa bệnh của Đông y: Nhân cường thì tật nhược. Bởi vì “bệnh” hứa hão ảnh hưởng lớn đến đạo đức, tư cách của mỗi cán bộ, đảng viên, muốn đẩy lui “căn bệnh” này, chúng ta phải làm cho “nhân cường” - cần tăng cường bồi dưỡng nâng cao lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm trước lời hứa từ suy nghĩ và tình cảm của mỗi cán bộ, đảng viên. Tư chất phẩm cách khỏe mạnh sẽ đủ sức chống lại “bệnh”. Để lời hứa không biến thành hứa hão, cần thực hiện “Nói đi đôi với làm”. Đây là một trong những nguyên tắc căn bản của đạo đức cách mạng. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần và thực hành nguyên tắc “Nói đi đôi với làm” thì chắc chắn chúng ta sẽ từng bước ngăn ngừa, khắc phục được các biểu hiện nói mà không làm, nói nhiều, làm ít, nói một đàng, làm một nẻo, hứa với dân không thực hiện lời hứa... như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra. Thực hiện tốt nguyên tắc “Nói đi đôi với làm” sẽ làm cho “căn bệnh” hứa hão, hứa suông không còn cơ hội phát triển và lây lan rồi dần dần sẽ bị triệt tiêu.
Mỗi công việc cụ thể đều phải có ai đó chịu trách nhiệm – đó là nguyên tắc cần tuân thủ khi thiết kế hệ thống và vận hành hệ thống đó. Công việc phải được giám sát bằng các quy định, nếu có sai lầm phải được phát hiện kịp thời và được xử lý bằng các chế tài phù hợp. Thuốc đặc trị đối với “bệnh” hứa hão chính là kỷ cương trong công vụ, trong đó có kỷ cương về việc hứa và thực hiện lời hứa. Trong đời sống xã hội và trên công luận cần tỏ thái độ kiên quyết với những người hứa suông, những lời hứa hão của các cán bộ và cũng cần công khai trên các diễn đàn những chuyện hứa suông hứa hão “điển hình” để mọi người tự soi, tự sửa, tự răn, tự có trách nhiệm với lời hứa của mình.
___________________________
1 - Trần Dân Tiên (1994) - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr. 13
2 - Hồ Chí Minh (2011) – Toàn tập – Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 6, tr. 16
3 - Hồ Chí Minh (2011) – Toàn tập –Sđd, tập 7, tr. 482
4 - Hồ Chí Minh (2011) – Toàn tập –Sđd, tập 7, tr. 233 - 234
5 - Hồ Chí Minh (2011) – Toàn tập –Sđd, tập 5, tr. 327
6 - Hồ Chí Minh (2011) – Toàn tập –Sđd, tập 5, tr. 327
Thiên Phương