“Kiên quyết, kiên trì” - điều kiện cần và đủ thực hiện mục tiêu bảo vệ Tổ quốc

Kế thừa truyền thống dân tộc và những kết quả đạt được qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa...”[1]. Đây là luận điểm hết sức quan trọng, cần được các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và toàn dân quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Kiên quyết, kiên trì trở thành bài học kinh nghiệm giữ nước quý báu. Khi nói đến kiên quyết, kiên trì là nói đến mối quan hệ giữa mục tiêu chiến lược và sách lược cũng như phương thức thực hiện chiến lược đó; là mối quan hệ giữa quan điểm và phương châm; là điều kiện cần và đủ để thực hiện mục tiêu bảo vệ Tổ quốc. Từ thực tiễn 35 năm đổi mới và trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, đứng trước tình hình thế giới, khu vực liên tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), nhất là biên giới, biển đảo vẫn đang đặt ra những thách thức mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP), chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, đạt được mục tiêu bao trùm là “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước”[2] .

“Kiên quyết kiên trì”  điều kiện cần và đủ thực hiện mục tiêu bảo vệ Tổ quốc
 Ảnh minh họa/dangcongsan.vn

Cùng với việc chủ động chuẩn bị các yếu tố để có đủ sức mạnh kiên quyết BVTQ, Việt Nam cũng thể hiện rõ lập trường, quan điểm, tính chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, kiên trì giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là các tranh chấp trên Biển Đông. Nhờ vận dụng đúng đắn, linh hoạt quan điểm này, nhiệm kỳ qua, chúng ta đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước. Tất cả những vấn đề đó đã khẳng định quan điểm “kiên quyết, kiên trì”, chủ động BVTQ “từ sớm, từ xa”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc đã và đang được hiện thực hóa trong thực tiễn.

Từ thực tiễn thế giới, khu vực và trong nước diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự đoán, cùng một số những hạn chế, thiếu sót cả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm kỳ qua đã được Đại hội XIII chỉ ra, để thực hiện thắng lợi quan điểm “kiên quyết, kiên trì” của Đảng đã xác định, cần chú trọng thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục quan điểm kiên quyết, kiên trì BVTQ, tạo sự thống nhất cao nhận thức và hành động trong  toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm củng cố vững chắc lòng tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo và những quyết sách của Đảng, Nhà nước, QUTƯ, BQP trong giải quyết các tình huống diễn ra. Thực hiện giải pháp này, các cấp, các ngành cần đa dạng các hình thức, biện pháp; mở rộng đối tượng tham gia, chú trọng luận giải cho rõ vì sao phải gắn kiên quyết với kiên trì và tính tất yếu phải kết hợp hai thành tố đó. Bằng kinh nghiệm lịch sử dân tộc cũng như thực tiễn BVTQ những năm qua, công tác tuyên truyền cần phải làm sáng tỏ, chống tư tưởng chần chừ, do dự, mặt khác lại phải khắc phục triệt để tư tưởng nóng vội, thiếu cân nhắc, tính toán dẫn đến ứng xử sai lầm, những hậu quả khôn lường.

Hai là, làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu dự báo chiến lược.

Công tác nghiên cứu, tham mưu dự báo chiến lược có vị trí rất quan trọng, làm cơ sở xác định phương án xử lý các tình huống. Thực tiễn nhiệm kỳ 2016-2021 đã minh chứng điều đó. Từ diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo của tình hình thế giới, khu vực, trong nước, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống nảy sinh, các thế lực phản động thù địch gia tăng chống phá... công tác dự báo cần quán triệt sâu sắc quan điểm Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI “nâng cao năng lực dự báo chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống...”[3]; nghiên cứu kỹ lưỡng các chiến lược về quân sự, quốc phòng (QS, QP) của Đảng; chiến lược của các nước lớn và các nước trong khu vực liên quan đến nước ta, từ đó dự kiến các phương án đối phó chính xác, kịp thời. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, truyền thông, cần chú trọng đội ngũ người làm công tác nghiên cứu bảo đảm đủ năng lực khai thác, phân tích và xử lý thông tin; đồng thời phát huy hiệu quả các phương tiện thông tin, truyền thông, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài quân đội.

Ba là, phát huy vai trò nòng cốt của LLVT trong thực hiện quan điểm “kiên quyết, kiên trì” bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

LLVT giữ vai trò nòng cốt để vừa BVTQ, vừa giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Vì thế, cần phát huy đầy đủ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là ở các địa bàn chiến lược, trọng yếu, biên giới, biển, đảo, bảo đảm cho quân đội luôn đề cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, xử lý thắng lợi mọi tình huống, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thường xuyên chủ động nghiên cứu, nắm, dự báo tình hình ở từng địa bàn, thực hiện tốt 3 chức năng, nâng cao chất lượng và hiệu quả làm tham mưu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ QS, QP, thực hiện hiệu quả nghị quyết, chỉ thị và các chiến lược về QS, QP; tham mưu xây dựng các công trình chiến đấu theo kế hoạch phòng thủ từng địa bàn, nhất là tuyến biên giới, tuyến biển; phát huy vai trò “đội quân công tác” trên các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tôn giáo, dân tộc, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần nâng cao thế và lực để kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Hội nhập về quốc phòng, an ninh, đối ngoại là quan điểm nhất quán của Đảng ta và đã trở thành một bộ phận quan trọng trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 28-NQ/TW khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, cần tăng cường hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát huy các cơ chế hợp tác song phương, đa phương, xây dựng lòng tin chiến lược, phát huy hiệu quả sự đồng thuận của các quốc gia trong Cộng đồng ASEAN, tăng cường mối quan hệ với các nước trên thế giới. Hội nhập về quốc phòng, an ninh, đối ngoại cần gắn kết chặt chẽ với hội nhập về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp BVTQ, đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên tối thượng.

Năm là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự giúp đỡ và đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Đây là vấn đề có tính nguyên tắc trong đường lối cách mạng của Đảng ta, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 806-NQ/QUTW ngày 31-12-2013 của QUTƯ về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo đã chỉ rõ quan điểm và những định hướng cơ bản để nâng tầm đối ngoại, văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”[4], vì thế thời gian tới các cấp, các ngành cần quán triệt và thực hiện hiệu quả hơn nữa nghị quyết; đẩy mạnh hợp tác tạo thế đan cài lợi ích với các nước, nhất là các nước lớn, các đối tác chiến lược, các nước láng giềng và các nước trong khu vực; tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, lệ thuộc.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là một trong những quan điểm cơ bản của Đảng ta được tiếp tục nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội XIII, quan điểm này thể hiện sự phát triển tư duy, nhận thức về BVTQ của Đảng ta trước tình hình mới. Vì thế, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm “kiên quyết, kiên trì” của Đảng, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp, vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong thực tiễn bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

--------------------------------------

[1] ĐCSVN. Văn kiện Đại hội XIII, tr. 117

[2] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2021. tr.68

[3] ĐCSVN. Văn kiện Đại hội XIII, tr. 159

[4] ĐCSVN. Văn kiện Đại hội XIII, tr. 162.

Đại tá LÊ HÙNG SƠN, Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng

.

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy