Nhiều người băn khoăn uống bia quảng cáo 0 độ, không cồn, liệu khi thổi nồng độ cồn có lên và dính án phạt không?
Uống bia 0 độ thổi nồng độ cồn có lên không? So với bia có cồn, uống loại bia 0 độ cồn này có tốt hơn không?
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), tư vấn:
Nồng độ cồn trong mỗi loại bia là khác nhau, đa số ở mức 5-8% cồn, có loại nặng hơn, từ 8-15%. Bia không cồn có thể hiểu đơn giản là bia đã loại bỏ cồn hoặc đã được ủ để chứa ít cồn hơn mức giới hạn cho phép.
Trên thị trường, nhiều loại bia quảng cáo là "0 độ cồn". Thực tế, bia đó có thể có nồng độ cồn ở ngưỡng thấp, nhưng vẫn được coi là 0 độ, tùy theo quy định tiêu chuẩn của từng quốc gia.
Ví dụ, theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), nếu đồ uống có nồng độ cồn dưới 0,5% thì có thể tuyên bố là không cồn. Đức cũng tương tự. Trong khi đó, tại Italy, bia không cồn có thể có nồng độ cồn tới 1,2%. Còn ở Anh, chai bia muốn dán nhãn không cồn phải có nồng độ cồn thấp hơn 0,05%.
Dán nhãn công bố là một chuyện, thực tế bia có đúng với ngưỡng cồn quy định hay không là chuyện khác.
Đa số các trường hợp uống bia 0 độ, không cồn, khi thổi bằng thiết bị của cảnh sát giao thông vẫn tồn tại lượng cồn trong hơi thở.
Theo quan sát và trải nghiệm của tôi, cảnh sát giao thông hiện nay không cứng nhắc. Nếu cảm giác do ăn đồ ăn, thức uống có lên men (chứ không phải do rượu, bia), thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có thể nghỉ ngơi 10-15 phút, thậm chí uống nước súc miệng, để thực hiện đo lại. Với uống bia 0 độ, sau 10-15 phút có thể nồng độ cồn trong hơi thở có thể vẫn chưa hết.
Ngay sau khi uống bia được quảng cáo 0 độ, không cồn, tôi cho rằng vẫn có khả năng máy đo nồng độ cồn vẫn lên. Trường hợp thời gian sau uống loại bia này đủ lâu thì có thể không lên.
So sánh lợi ích và tác hại của bia không cồn, 0 độ với loại bia có cồn thông dụng, tôi cho rằng không có sự khác biệt quá rõ ràng. Một số người nghĩ uống bia có lợi cho sức khỏe, nhưng theo tôi, lợi ích từ việc uống bia không quá nhiều, trong khi tác hại nghiêm trọng với sức khỏe có thể lường trước được nếu uống thường xuyên hoặc ở mức lạm dụng.
Các bác sĩ vẫn thường khuyên phụ nữ mỗi ngày không nên uống quá 1 lon bia 330ml, nồng độ cồn 5%, trong khi nam giới không uống quá 2 lon. Nếu tuân thủ, sự ảnh hưởng tiêu cực với sức khỏe không đáng kể, đây là mức giới hạn thông thường.
Bia 0 độ được khử cồn, nhưng có nhiều loại vẫn tồn tại một nồng độ nhất định. Về cơ bản, công nghệ để loại bỏ cồn hoàn toàn nhưng vẫn giữ được hương vị là rất khó.
Sử dụng đồ uống có cồn về cơ bản đều không tốt, dù uống trong mức được khuyến cáo nhưng nếu uống liên tục, vẫn có thể làm gia tăng gánh nặng cho gan, khiến gan quá tải. Đó là vì gan đảm trách không chỉ nhiệm vụ chuyển hóa cồn (từ chất có hại thành chất không có hoặc ít có hại rồi thải ra ngoài qua hệ bài tiết) mà còn nhiều nhiệm vụ khác.
Uống bia không cồn, 0 độ, về cơ bản không mang lại lợi ích quá nhiều so với bia có cồn. Dù các loại bia có nồng độ cồn 0,5% trở xuống có thể chỉ khiến người uống có cảm giác “lâng lâng” như ăn các loại hoa quả lên men (như chuối chín kỹ), nhưng sau khi uống 1 két bia này, tình hình có thể thay đổi theo hướng tiêu cực hơn.
Với quy định gần như mang tính tuyệt đối như hiện nay, một số loại bia được dán nhãn “không cồn” vẫn có thể sẽ khiến người cầm lái đối diện nguy cơ bị xử phạt nếu lượng uống quá nhiều hoặc loại bia được chọn có nồng độ cồn cao hơn công bố.
Theo vietnamnet