kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Không cấp dưỡng cho con sau ly hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Không cấp dưỡng cho con sau ly hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Tôi và chồng cũ ly hôn đến nay gần được 1 năm, sau ly hôn thì anh đã có bạn gái mới nên không muốn chu cấp và thăm gặp con.

Do tôi dọa dẫm sẽ làm phiền đến bạn gái (tôi chỉ đe dọa bằng lời nói), nên chồng cũ vẫn chu cấp khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng (theo bản án của Tòa, anh ta phải chu cấp 3 triệu cho con).

Tuy nhiên, 3 tháng gần đây, anh ta không chu cấp nữa vì cho rằng hiện nay không đi làm nên không có lương, cũng không có tài sản nào khác. Nhưng theo tôi biết, chồng cũ đang làm tại cửa hàng kinh doanh của cha mẹ và việc kinh doanh tốt.

Vậy tôi muốn hỏi, tôi làm đơn ra Tòa án yêu cầu anh ta tiếp tục trợ cấp thì có được không ạ? Kinh tế của tôi rất khó khăn, phải nuôi 2 bé, một bé mới chỉ 1 tuổi.

 Luật sư Trần Thị Hiền, Phó trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội trả lời:

Theo quy định tại Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì "Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con".

Theo đó, trong trường hợp của bạn, con của bạn chưa thành niên nên chồng cũ của bạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật. Về mức cấp dưỡng, sẽ dựa theo thỏa thuận của các bên căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.

Trong trường hợp chồng cũ của bạn và bạn không thỏa thuận được thì bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 116 Luật này.

Theo thông tin bạn cung cấp, bản án của Tòa tuyên chồng cũ của bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng 3 triệu/tháng. Do đó, chồng cũ phải cấp dưỡng cho con chung theo kết luận của Tòa, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. Nếu hai bên thỏa thuận được mức chu cấp là 1 - 1,5 triệu thì nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ thực hiện theo thỏa thuận.

Bạn có thể làm đơn yêu cầu thi hành án khi chồng cũ trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Trường hợp chồng bạn trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, bạn có thể làm đơn yêu cầu chồng cũ của bạn thực hiện nghĩa vụ theo bản án căn cứ quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự 2014.

Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật, hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng từ chối, trốn tránh nghĩa vụ mà làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Theo đó, mức hình phạt đối với người phạm tội là bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu người có nghĩa vụ có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không chấp hành bản án theo quy định tại Điều 380 Bộ luật hình sự với mức phạt tù thấp nhất là 3 tháng tù cao nhất là 05 năm tù.

Bạn cũng cần lưu ý, về nguyên tắc, chồng cũ của bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chung với mức cấp dưỡng theo quyết định của Tòa hoặc theo thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng (như chồng cũ bạn nói là không có lương, không có tài sản khác) thì hai bên có thể thỏa thuận về thay đổi mức cấp dưỡng phù hợp căn cứ Điều 117 Luật hôn nhân và gia đình.

Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết, Tòa sẽ xác minh khả năng, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng để quyết định một mức cấp dưỡng phù hợp, đảm bảo quyền lợi của con chung. Mặt khác, hành vi dùng lời nói dọa dẫm của bạn là không đúng. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả thì bạn có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo dantri.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy