Khi hàng xóm không ký giáp ranh đất để làm sổ đỏ: Giải quyết bằng cách nào?

Hàng xóm không ký giáp ranh và đất đang không có tranh chấp thì người sử dụng đất vẫn được xử lý hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định.

Theo quy định pháp luật, khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần có văn bản ký giáp ranh giữa các hộ gia đình liền kề để làm căn cứ về việc đất sử dụng ổn định đúng ranh giới, không tranh chấp. Trường hợp các hộ liền kề gây khó dễ không ký giáp ranh thì người sử dụng đất phải làm thế nào?

Khi hàng xóm không ký giáp ranh đất để làm sổ đỏ Giải quyết bằng cách nào
Không có quy định nào từ chối cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho người sử dụng đất hợp pháp chỉ vì hàng xóm không chịu ký giáp ranh.


Theo Luật sư Phạm Quang Xá – Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) có một số cách giải quyết như sau:

Cách 1: Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận

Khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định những trường hợp cơ quan nhà nước từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, trong đó nêu rõ:

“Khi nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát lại yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hoặc văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án; khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất”.

Theo quy định trên, cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận không được từ chối nhận hồ sơ với lý do hàng xóm không chịu ký giáp ranh nếu không có tranh chấp đất đai.

Như vậy, hàng xóm không ký giáp ranh và đất đang không có tranh chấp thì người sử dụng đất vẫn được xử lý hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

Cách 2. Trường hợp hồ sơ cấp GCN bị từ chối, người sử dụng đất đề nghị cơ quan nhà nước phải trả lời bằng văn bản.

Trên thực tế, nhiều người dân không được cấp hoặc chưa được cấp Giấy chứng nhận dù có đủ điều kiện theo quy định nhưng bị từ chối vì hàng xóm không chịu ký giáp ranh.

Căn cứ Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khi cấp Giấy chứng nhận thì UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất sẽ niêm yết công khai hiện trạng thửa đất, tình trạng tranh chấp,… tại trụ sở Ủy ban và khu dân cư nơi có đất trong thời hạn 15 ngày và xem xét giải quyết các ý kiến phản ánh (nếu có).

Ngoài ra, căn cứ Điều 11 và khoản 3 Điều 12 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT về xác định và đo vẽ ranh giới thửa đất cho thấy các thửa đất đã được địa chính xác định, lập bản mô tả ranh giới, mốc giới và lưu tại hồ sơ địa chính để quản lý ngay cả khi chưa được cấp Giấy chứng nhận.

Bên cạnh đó, khi xác định ranh giới thửa đất để đo vẽ chi tiết phải có mặt của những người sử dụng đất liền kề, trường hợp người sử dụng đất liền kề vắng mặt thì phải niêm yết công khai trong vòng 15 ngày.

Như vậy, trường hợp hàng xóm không chịu ký giáp ranh và cũng không có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai thì vẫn có căn cứ để cấp Giấy chứng nhận nếu đủ điều kiện. Nói cách khác, không có quy định nào từ chối cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hợp pháp chỉ vì hàng xóm không chịu ký giáp ranh.

Vì vậy, người nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trả lời bằng văn bản về việc từ chối hoặc chưa cấp Giấy chứng nhận để có căn cứ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Cách 3: Trường hợp hàng xóm không ký giáp ranh với lý do tranh chấp đất đai thì các bên tự hòa giải hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Khi hàng xóm không chịu ký giáp ranh với lý do tranh chấp đất đai thì người đề nghị cấp Giấy chứng nhận tự hòa giải với người đang có tranh chấp hoặc gửi đơn đề nghị UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất hòa giải.

Khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận nếu có đơn tranh chấp thì sẽ tạm dừng thực hiện thủ tục. Nếu hòa giải thành công thì kết thúc tranh chấp; nếu hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn không thành thì người đề nghị cấp sổ có quyền gửi đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc gửi đơn đề nghị UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh giải quyết theo quy định.

Sau khi kết thúc tranh chấp đất đai sẽ thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo đúng quy định.

Trường hợp người sử dụng đất liền kề chỉ nói miệng là đang tranh chấp đất với người đề nghị cấp Giấy chứng nhận không có đơn đề nghị UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tổ chức hòa giải đối với thửa đất đó thì được xác định là tranh chấp thực tế, không phải là căn cứ đề dừng việc thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

PV/VOV.VN

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy