kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Tuyên truyền pháp luật cho công nhân thông qua “Phiên tòa giả định”

Tuyên truyền pháp luật cho công nhân thông qua “Phiên tòa giả định”

Nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh vừa phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh tổ chức “Phiên tòa giả định” xét xử vụ án hình sự “Làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Việc tổ chức “Phiên tòa giả định” không chỉ truyền tải sinh động những quy định pháp luật đến CNVCLĐ mà còn khẳng định đây là hình thức TTPBGDPL mới, phù hợp với thực tiễn, cần tiếp tục nghiên cứu áp dụng nhân rộng.

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức có chiều hướng diễn biến phức tạp. Chỉ tính từ năm 2020 đến tháng 6/2024, viện KSND hai cấp tỉnh Hà Nam đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố mới đối với 67 vụ, 121 bị can. Tội phạm về làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu giả không chỉ gia tăng về số lượng mà tính chất, quy mô tội phạm cũng ngày một nghiêm trọng hơn; phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường dùng sim rác mời chào khách hàng qua tin nhắn điện thoại, zalo và thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất con dấu, tài liệu giả, gây khó khăn khi xác định dấu hiệu phạm tội. Không ít vụ án không thể xác định được nguồn gốc giấy tờ giả nên chỉ xử lý được “phần ngọn” (là người mua, sử dụng) mà chưa truy tìm được tận gốc người làm giả con dấu, tài liệu.

Tuyên truyền pháp luật cho công nhân thông qua “Phiên tòa giả định”
Đoàn viên, CNVCLĐ nêu câu hỏi tìm hiểu về pháp luật sau khi kết thúc phiên tòa giả định.

Nhằm giúp CNVCLĐ khi tham gia quan hệ xã hội có hành vi xử sự phù hợp với các quy định của pháp luật, góp phần phòng  chống vi phạm pháp luật (VPPL) và tội phạm, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Viện KSND tỉnh tổ chức “Phiên tòa giả định” xét xử vụ án hình sự “Làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Đây là “Phiên tòa giả định” đầu tiên trên địa bàn tỉnh đề cập nội dung làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nhằm TTPBGDPL đến CNVCLĐ theo hướng trực quan, sinh động, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Theo cáo trạng giả định: Tháng 2/2024, Lương Văn Hiền (trú tại Chuyên Ngoại, Duy Tiên) đã đặt làm giả 1 chứng chỉ sơ cấp vận hành xe nâng của Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương I qua mạng xã hội với giá 1.600.000 đồng. Sau đó, Hiền dùng chứng chỉ sơ cấp vận hành xe nâng giả đến chứng thực tại UBND xã Chuyên Ngoại (Duy Tiên) rồi cho vào hồ sơ xin việc làm nộp vào Công ty Cổ phần Điện máy gia dụng Hòa Phát Hà Nam (Khu Công nghiệp Hoà Mạc, Duy Tiên) để xin sang bộ phận lái xe nâng của công ty. Sau đó, Hiền đặt làm giả một giấy phép lái xe hạng C của Sở Giao thông vận tải Hà Nam mang tên Nguyễn Văn Hải với số tiền 4.500.000 đồng để bán lại cho anh Hải với số tiền 6.500.000 đồng nhằm mục đích kiếm lời. Hành vi của Lương Văn Hiền đã phạm vào tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan” và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan”. Quá trình diễn ra “Phiên tòa giả định”, các tình tiết trong vụ án đã thực sự thu hút CNVCLĐ; các vai diễn, nhất là vai “bị cáo” được lựa chọn bảo đảm phù hợp với tâm lý, trình độ hiểu biết pháp luật của một công nhân lao động thuần túy.

Bên cạnh đó, nội dung phát biểu “luận tội” của đại diện viện kiểm sát, ý kiến của các thành viên trong hội đồng xét xử (HĐXX), luật sư bào chữa tại phiên tòa… đã giúp CNVCLĐ nhận diện rõ hơn hành vi “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan” và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan”, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quy định của Nhà nước, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến tài sản của người khác, làm mất trật tự, trị an... Trước những lập luận sắc bén, có lý, có tình của HĐXX, “bị cáo” đã nhận thức đầy đủ hành vi vi phạm của bản thân, tỏ rõ thái độ ăn năn và mong được tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm.

Trên cơ sở tính chất, mức độ vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên “bị cáo” 21 tháng tù giam cho cả 2 tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan” và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan” (theo khoản 1 Điều 341 Bộ luật Hình sự). Đây là “mức án” phù hợp, có tính răn đe, đồng thời chuyển tải thông điệp đến CNVCLĐ trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và hậu quả phải gánh chịu nếu VPPL. Đặc biệt, sau khi kết thúc “Phiên tòa giả định”, báo cáo viên Viện KSND tỉnh còn tuyên truyền về thực trạng, diễn biến tình hình tội phạm, những hệ lụy của việc mua bán, sử dụng giấy tờ giả; trực tiếp trao đổi, giải đáp, làm rõ những vấn đề đoàn viên, CNVCLĐ quan tâm. Đồng thời, khuyến cáo đoàn viên, CNVCLĐ cần phát huy tính tự giác, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong chấp hành quy định của pháp luật, nói không với việc mua bán, sử dụng bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả.

Nói về cảm nhận khi tham dự “Phiên tòa giả định”, anh Nguyễn Quang Thuận (công nhân Công ty Cổ phần Happytex, Khu Công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý) chia sẻ: Trước đây, tôi cứ nghĩ việc mua bán chứng chỉ là việc bình thường. Nhờ phiên tòa hôm nay mà tôi hiểu rõ hơn hành vi VPPL, hiểu được hành vi nào sẽ bị xử lý hình sự... để tự nhắc nhở bản thân, con em mình phải cẩn thận, tránh việc làm sai. Cùng chung cảm nhận, chị Nguyễn Thị Thơm (công nhân Công ty TNHH Hùng Hạnh, Khu Công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý) bộc bạch: Tham dự “Phiên tòa giả định”, tôi và mọi người hiểu hơn về những quy định của pháp luật gắn vào những tình huống, vụ việc cụ thể trong đời sống xã hội. Đây thực sự là cách thức TTPBGDPL trực quan, dễ hiểu, có hiệu quả và hy vọng có nhiều hơn những phiên tòa giả định như thế này.

Ông Lê Văn Hà, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Phiên tòa giả định” mang tính trực quan, sinh động, được xem là cách làm thiết thực mang lại hiệu quả tuyên truyền, giáo dục cao. Qua đó, giúp đoàn viên, CNVCLĐ hiểu rõ hơn về quyền, nghĩa vụ trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua “Phiên tòa giả định” và nội dung tuyên truyền, giúp đoàn viên, CNVCLĐ hiểu rõ hơn về thực trạng, những hệ lụy của việc mua bán, sử dụng giấy tờ giả. Đồng thời, khuyến cáo đoàn viên, CNVCLĐ cần phát huy tính tự giác, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, nói không với việc mua bán, sử dụng bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả, vì đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự.

Việc tổ chức “Phiên tòa giả định” là một trong những hình thức TTPBGDPL hiệu quả, tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với đoàn viên, CNVCLĐ khi tham dự phiên tòa, bởi tình huống thực tế gần gũi, sát hợp với đời sống xã hội, qua đó góp phần nâng cao kiến thức về pháp luật cho đoàn viên, CNVCLĐ. Từ kết quả bước đầu trên đây, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hơn nữa “Phiên tòa giả định”, góp phần cải tiến, đa dạng hóa hình thức TTPBGDPL đối với đoàn viên, CNVCLĐ, góp phần xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy