Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Ngày 3-2-2020, Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (CNTT) và giao dịch điện tử.
Nghị định mới của Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Bưu chính, Viễn thông, Tần số vô tuyến điện, CNTT (gồm phát triển công nghiệp CNTT; đầu tư, mua sắm; an toàn thông tin mạng; chống thư rác, tin nhắn rác; mạng xã hội, trang thông tin điện tử...) và các giao dịch điện tử.
Hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm có cảnh cáo và phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung khác như tước giấy phép có thời hạn đối với giấy phép bưu chính, viễn thông, thiết lập mạng viễn thông, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, giấy phép kinh doanh sản phẩm, thiếp lập mạng xã hội…; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 đến 24 tháng; trục xuất.
Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.
Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực: bưu chính và giao dịch điện tử đối với cá nhân là 40 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực: viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin đối với cá nhân là 100 triệu đồng.
Một nội dung đáng chú ý trong nghị định mới so với nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 đó là quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-4-2020.
Trương Dũng