Qua 6 tháng triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 của Chính phủ, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã xử lý 255 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền trên 1,9 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 255 trường hợp.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, sau 6 tháng thực hiện, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, nhận được sự đồng tình của nhân dân, góp phần từng bước hình thành chuẩn mực khi tham gia giao thông.
Là địa bàn có mật độ giao thông dày, nhiều nhà hàng, giao thông thuận tiện, do vậy ngay khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 có hiệu lực, vào thời điểm bữa trưa, bữa tối, cao điểm là ngày nghỉ, ngày lễ, lực lượng Cảnh sát giao thông - trật tự (CSGT-TT) Công an thành phố Phủ Lý lại tổ chức ra quân, tuyên truyền quy định pháp luật không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Đồng thời, tổ chức cắm 3 chốt tại các khu vực trọng điểm để kiểm tra, xử lý vi phạm.
Xác định rõ những khó khăn trong thời gian đầu triển khai Luật và Nghị định, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã chỉ đạo cơ quan thành viên, ban ATGT các huyện, thành phố, thị xã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân; chú trọng nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn trong các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; tổ chức cuộc vận động sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện chủ đề năm ATGT 2020 "Đã uống rượu, bia không lái xe"… nhờ đó tạo chuyển biến tích cực, từng bước thay đổi nhận thức, hành vi của người tham gia giao thông. Anh Lê Quang Nghĩa (phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý) cho biết: Khi mới có Nghị định 100, anh rất bỡ ngỡ vì bản thân làm kinh doanh thường xuyên phải đi giao lưu với khách hàng, việc sử dụng rượu bia khó tránh khỏi nhưng vì đây là quy định pháp luật nên mình phải chấp hành và dần thích nghi. Giờ đây khi đi dự tiệc, anh thường sử dụng phương tiện công cộng, khi phải lái xe anh không uống rượu, bia. Điều này vừa bảo đảm an toàn cho mình, người thân và những người xung quanh, vừa có lợi cho sức khỏe.
Song song với công tác tuyên truyền, lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát, cắm chốt ở những địa bàn, tuyến giao thông trọng điểm để kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm. Lực lượng CSGT đã tập trung xử lý vi phạm tại khu vực có quốc lộ đi qua, gần khu công nghiệp, các nhà hàng, quán karaoke… giúp phần lớn người uống rượu, bia tự giác không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Thiếu tá Trần Quang Nhật, Đội trưởng Đội CSGT, Công an huyện Kim Bảng cho biết: Sau 6 tháng triển khai, có thể khẳng định Nghị định 100 với mức phạt nặng thực sự đã tác động rất lớn đến ý thức, hành vi của người tham gia giao thông và thói quen sử dụng rượu bia vốn tưởng chừng khó thay đổi được của một bộ phận người dân. Giờ đây người dân chủ động hơn trong việc tìm phương án đi lại khi tham gia tiệc tùng hoặc chủ động từ chối những cuộc nhậu.
Qua 6 tháng triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 của Chính phủ, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã xử lý 255 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền trên 1,9 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 255 trường hợp. Hiệu quả từ việc thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ đã được minh chứng rõ ràng, cụ thể bằng sự chuyển biến tích cực về TTATGT trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm. TNGT giảm cả 3 tiêu chí và việc thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân được xem là kết quả quan trọng nhất.
Thời gian tới, lực lượng CSGT toàn tỉnh tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Mặt khác, tiếp tục tuyên truyền các nội dung của Nghị định 100 đến người tham gia giao thông. Đồng thời, yêu cầu trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ CSGT phải giữ đúng lễ tiết, tác phong, có thái độ ứng xử đúng mực.
Để mục tiêu giảm tác hại của rượu bia đạt kết quả tốt nhất, cùng với nỗ lực của hệ thống chính trị, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Và ngay từ bây giờ “Đã uống rượu, bia không lái xe” phải thực sự trở thành mệnh lệnh mà mỗi người cần nghiêm chỉnh chấp hành, vì sự an toàn của mình, người thân và xã hội, từng bước xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông.
Lê Mai