Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH), duy trì, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), đầu năm 2023, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Đức Lý (Lý Nhân) tham mưu cấp ủy, chính quyền xây dựng mô hình “Tiếng kẻng an ninh” tại thôn Tế Xuyên Bến. Sau một thời gian triển khai thực hiện, mô hình đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) ngay từ địa bàn cơ sở.
Thôn Tế Xuyên Bến, xã Đức Lý, Lý Nhân (hình thành trên cơ sở sáp nhập hai xóm Tế Xuyên, Tế Bến) có trên 500 hộ gia đình, gần 1.600 nhân khẩu. Những năm trước đây, thôn Tế Xuyên Bến được nhận định là địa bàn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về ANTT. Một số đối tượng móc nối, thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Địa bàn thôn còn xuất hiện tình trạng thanh niên từ vùng lân cận đến tụ tập, gây ra các vụ xô xát, ẩu đả, ảnh hưởng xấu trong dư luận nhân dân. Trước tình hình đó, phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đầu năm 2023, Hội CCB xã Đức Lý đã chủ động tham mưu với Đảng ủy, UBND xã triển khai kế hoạch xây dựng mô hình “Tiếng kẻng an ninh” tại thôn Tế Xuyên Bến và giao trực tiếp cho chi hội CCB thôn thực hiện.
Mô hình “Tiếng kẻng an ninh” tại thôn Tế Xuyên Bến cũng được xác định là mô hình “Dân vận khéo” trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ của Hội CCB xã Đức Lý năm 2023. Để mô hình hoạt động hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong quần chúng nhân dân, Hội CCB xã phối hợp với cấp ủy, lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể thôn tiến hành bàn bạc kỹ lưỡng và đi đến thống nhất về quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên. Theo đó, mô hình “Tiếng kẻng an ninh” thôn Tế Xuyên Bến được xác định có nhiệm vụ bảo đảm ANTT, chủ trì phối hợp thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, tích cực, tự giác tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm.
Mô hình có 46 thành viên tham gia đều là cán bộ, hội viên CCB, duy trì hoạt động trên tinh thần tự giác, tự nguyện. Các thành viên được tổ chức thành 4 nhóm, mỗi nhóm 11-12 người phụ trách một điểm chốt trên địa bàn thôn. Vào 19 giờ ngày chủ nhật hằng tuần, các nhóm giao ban, phản ánh tình hình, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và triển khai nhiệm vụ tuần tiếp theo. Các thành viên tham gia thực hiện mô hình được trang cấp trang phục và một số thiết bị, công cụ hỗ trợ (kẻng, loa điện, còi, gậy, bình chữa cháy…) được mua sắm bằng kinh phí huy động từ hình thức xã hội hóa. Để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và ủng hộ hoạt động của mô hình, cấp ủy, ban lãnh đạo thôn đã tổ chức họp, hướng dẫn nhân dân thực hiện quy định: khi nghe kẻng báo động nghĩa là có những vụ việc liên quan đến ANTT, cháy nổ, thiên tai… các hộ dân có trách nhiệm tham gia vây bắt đối tượng trộm cắp hoặc tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ...
Sau một thời gian triển khai thực hiện mô hình, với sự hướng dẫn trực tiếp của lực lượng công an, sự chung tay, góp sức của cán bộ, hội viên CCB, sự đồng thuận của người dân, tình hình ANTT tại địa bàn đã duy trì ổn định. TNXH giảm hẳn, tình trạng trộm cắp vặt, thanh niên xô xát, ẩu đả không còn, tai nạn, va chạm giao thông giảm rõ rệt. Cùng với trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn ANTT, thành viên tham gia mô hình còn tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí tiến hành lắp đặt 5 mắt “Camera an ninh” tại các khu vực trọng điểm, tập trung đông người, lắp đặt gần 1km dây điện và bóng đèn chiếu sáng chạy dọc tuyến đường thôn. Mô hình đi vào hoạt động đã góp phần đắc lực trong công tác bảo đảm ANTT tại địa bàn, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; là công cụ hỗ trợ đắc lực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, TNXH.
Ông Nguyễn Viết Sính, Tổ trưởng, phụ trách mô hình “Tiếng kẻng an ninh” thôn Tế Xuyên Bến chia sẻ: Từ khi thành lập mô hình đến nay, các thành viên tham gia đã duy trì thường xuyên việc tuần tra bảo đảm ANTT trong thôn. Trong quá trình tuần tra, các thành viên tranh thủ kết hợp tuyên truyền, phổ biến đến người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm trộm cắp, nhắc nhở bà con nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự bảo quản tài sản. Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ông Nguyễn Văn Vinh (người dân thôn Tế Xuyên Bến) cho biết: Từ khi mô hình “Tiếng kẻng an ninh” đi vào hoạt động, tình hình ANTT trên địa bàn thôn ổn định, không còn xảy ra tình trạng trộm cắp vặt, thanh niên tụ tập, xô xát, ẩu đả như trước. Việc làm của cán bộ, hội viên chi hội CCB được người dân trong thôn rất đồng tình, ủng hộ.
Mô hình “Tiếng kẻng an ninh” ở thôn Tế Xuyên Bến tuy mới đi vào hoạt động nhưng đã khẳng định hiệu quả rõ nét trong công tác giữ gìn ANTT ở cơ sở. Tham gia hưởng ứng việc duy trì hoạt động của mô hình, mỗi gia đình, người dân trong thôn đều tự giác nêu cao ý thức, trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, TNXH. Thông qua mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, người dân còn phát hiện, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an điều tra, khám phá một số vụ liên quan đến ANTT trên địa bàn. Thiếu tá Hoàng Bá Sắc, Trưởng Công an xã Đức Lý cho biết: Hoạt động của mô hình “Tiếng kẻng an ninh” thôn Tế Xuyên Bến nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền, nhân dân, tạo sự lan tỏa và có tác dụng tích cực trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Ghi nhận thành tích, kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở và hưởng ứng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, năm 2023 mô hình “Tiếng kẻng an ninh” thôn Tế Xuyên Bến đã được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen, 2 cá nhân tiêu biểu là thành viên tham gia mô hình được Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân khen thưởng. Nhận thấy rõ tính hiệu quả mô hình, thời gian tới, Công an xã Đức Lý sẽ chủ động phối hợp với Hội CCB xã xây dựng kế hoạch, triển khai nhân rộng trên địa bàn.
Trần Ích