Kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông

Với mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), nhất là những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng có nguyên nhân liên quan đến sử dụng rượu, bia, thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh đã ra quân tăng cường tuần tra, kiểm soát (TTKS), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn với tinh thần quyết liệt,  “không có vùng cấm”. Qua một thời gian thực hiện, số vụ TNGT có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn tỉnh đã được kéo giảm rõ rệt, góp phần hình thành thói quen lành mạnh, xây dựng văn hóa giao thông, kéo giảm tai nạn và các hệ lụy xã hội khác.

Tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn giảm cả 3 tiêu chí

Theo báo cáo từ Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Hà Nam, trong 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 75 vụ tai nạn, va chạm giao thông, làm chết 46 người, bị thương 56 người (giảm 12 vụ, giảm 5 người chết, giảm 3 người bị thương so với cùng kỳ năm 2022). Cũng trong 4 tháng đầu năm, thông qua TTKS, lực lượng chức năng đã phát hiện, tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm đối với 5.999 trường hợp, phạt tiền 18,289 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 1.927 trường hợp, tạm giữ 1.823 phương tiện các loại. Riêng chuyên đề xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tiến hành lập 28 chốt TTKS tại các tuyến đường trọng điểm từ khu vực thành thị đến địa bàn nông thôn, nhất là những nơi có lưu lượng người, phương tiện tham gia đông đúc. Mặt khác, tăng cường các hình thức tuần tra lưu động vào một số khung giờ cao điểm (buổi trưa, buổi tối) để xử lý nghiêm các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Kết quả, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tiến hành lập chốt kiểm tra đo nồng độ cồn đối với trên 100 nghìn lái xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, trong đó, phát hiện, lập biên bản xử lý 1.858 trường hợp có sử dụng rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, phạt tiền trên 10,2 tỷ đồng; tạm giữ trên 1.700 phương tiện, tước giấy phép lái xe đối với 1.679 trường hợp.

Kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông
Lực lượng cảnh sát giao thông - trật tự (Công an thành phố Phủ Lý) kiểm tra, đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn. Ảnh: Quang Huy

Thượng tá Nguyễn Khánh Trường, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Hà Nam cho biết: Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Công an, Cục CSGT đường bộ và Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam về thực hiện cao điểm xử lý vi phạm về nồng độ cồn với tinh thần quyết liệt, “không có vùng cấm”, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tập trung lực lượng, phương tiện triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Nhờ đó, tình hình TNGT liên quan đến nồng độ cồn trên địa bàn tỉnh đã giảm sâu ở cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ. Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên toàn tuyến gắn với lồng ghép phù hợp, kịp thời các hình thức thông tin, tuyên truyền là giải pháp quan trọng, hiệu quả trực tiếp làm giảm thiểu những hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn; tình hình TTATGT trên địa bàn vì thế cũng được kiểm soát tốt hơn, TNGT giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Đặc biệt, trong hơn 4 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn không xảy ra TNGT nghiêm trọng, số người bị thương cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tác hại của rượu, bia, tiến tới hình thành thói quen lành mạnh và nét đẹp văn hóa giao thông “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quyết liệt xử lý nghiêm vi phạm

Năm 2023 được Bộ Công an xác định là năm trọng điểm thực hiện xử lý vi phạm về nồng độ cồn với mục tiêu nhằm giảm thiểu TNGT, nhất là những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng có nguyên nhân liên quan đến sử dụng rượu, bia. Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo đó, thời gian tới, lực lượng CSGT, Công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tăng cường phương tiện, lực lượng tiến hành tuần tra khép kín, tuần tra lưu động, phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm, trong đó chuyên đề xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn được thực hiện thường xuyên, liên tục và là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm.

Lực lượng CSGT cũng sẽ chủ động, tập trung thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, khảo sát, nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn giao thông, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, nhà hàng, quán ăn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có phục vụ rượu, bia, các tuyến đường có số liệu xử lý vi phạm chuyên đề cao… qua đó xác định chính xác quy luật hoạt động về thời gian, tuyến đường, địa bàn có nhiều khả năng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu, bia. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả việc rà soát cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xử lý vi phạm hành chính và TNGT, phân tích kỹ nguyên nhân, đối tượng, tuyến, địa bàn, địa bàn giáp ranh trong khu đô thị, khung thời gian thường xuyên xảy ra các vụ TNGT, nhất là các vụ TNGT có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn để bố trí lực lượng TTKS, xử lý vi phạm đạt hiệu quả. Tăng cường tuần tra lưu động vào các khung giờ cao điểm như vào buổi trưa, buổi tối để xử lý nghiêm tất cả những trường hợp người điều khiển giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng sẽ áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức hoạt động, công khai kết hợp với hóa trang, tuần tra lưu động hoặc dừng kiểm tra, kiểm soát tại một điểm để phát hiện, xử lý vi phạm.

Kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tuyên truyền lái xe chấp hành các quy định về nồng độ cồn.

Thông điệp tuyên truyền “Đã lái xe thì không uống rượu, bia” dần trở nên phổ biến, dễ dàng bắt gặp khi lưu thông trên nhiều tuyến đường. Hiệu quả của việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với tăng cường kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý vi phạm đã đem lại những kết quả thiết thực. Rõ nét nhất là số vụ TNGT có nguyên nhân do lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá từ lực lượng chức năng, tình trạng người có sử dụng rượu, bia nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện tham gia giao thông mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn xảy ra. Một số người dù biết rõ tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện, biết rõ chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe nhưng vẫn cố tình vi phạm vì cho rằng vẫn làm chủ tay lái, gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến TNGT. Nghị định 100/2019/NĐ – CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có mức phạt khá cao đối với những hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Trong đó, đối với người điều khiển mô tô lên tới 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 24 tháng. Mức cao nhất đối với ô tô là 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.

Từ thực tế trên đây, thiết nghĩ bên cạnh tinh thần nỗ lực, quyết liệt và “không có vùng cấm” từ phía lực lượng chức năng trong tuyên truyền, TTKS, tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm… thì việc tự giác nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông là yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng. Không lái xe sau khi uống rượu, bia chính là một trong những hành động “Thượng tôn pháp luật” để xây dựng văn hóa giao thông an toàn, qua đó bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chính bản thân mình, gia đình và những người tham gia giao thông, góp phần kiềm chế TNGT, bảo đảm an ninh trật tự, TTATGT trên địa bàn.

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.