Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh nói chung, TP Phủ Lý nói riêng, tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu, bia có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT). Để chấn chỉnh tình trạng trên, Công an TP Phủ Lý đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Theo số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) Hà Nam, 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 53 vụ tai nạn, va chạm giao thông, làm chết 31 người, 32 người bị thương (tăng 1 vụ, 1 người chết, 3 người bị thương so với cùng kỳ). Nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT bên cạnh yếu tố khách quan còn có nhiều nguyên nhân chủ quan, trong đó có nguyên nhân người đã sử dụng rượu, bia vẫn tham gia giao thông dẫn đến không làm chủ tay lái, gây tai nạn chiếm tỷ lệ cao.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm và số vụ TNGT liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, thực hiện kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh về mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, Công an TP Phủ Lý đã đồng loạt triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường tuần tra, kiểm soát (TTKS), phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm quy định nồng độ cồn.
Theo kế hoạch, đợt cao điểm ra quân kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ ngày 20/6 đến hết ngày 20/9/2022. Quá trình kiểm tra, bên cạnh việc xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, lực lượng Công an thành phố còn lồng ghép thông tin, tuyên truyền, nhắc nhở để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT, nhất là nâng cao ý thức người dân đã sử dụng rượu, bia thì không tham gia giao thông.
Trung tá Phạm Việt Hưng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (CSGT-TT), Công an TP Phủ Lý cho biết: Hiện nay, lực lượng CSGT-TT Công an thành phố đã huy động nhân lực, phương tiện, thiết bị chuyên dụng đo nồng độ cồn và thành lập các tổ chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn. Cùng với đó, tăng cường công tác TTKS lưu động trên các địa bàn, tuyến giao thông trọng điểm vào các khung giờ “nóng” để chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm.
Tối 1/7/2022, tại chốt kiểm tra nồng độ cồn của Công an TP Phủ Lý (ở khu vực ngã ba chân cầu Châu Sơn), chỉ khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, lực lượng CSGT đã kiểm tra, đo nồng độ cồn đối với hàng trăm lượt người, phương tiện lưu thông qua tuyến đường này. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 3 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Hầu hết các trường hợp vi phạm đều có thái độ hợp tác và chấp hành nghiêm sự hướng dẫn của lực lượng CSGT. Một số trường hợp không chấp hành, né tránh việc kiểm tra nồng độ cồn hoặc cố tình kéo dài thời gian để gọi điện nhờ can thiệp, thậm chí có trường hợp còn tỏ thái độ chống đối... đều bị lực lượng CSGT-TT lập biên bản và tạm giữ phương tiện.
Kết quả, sau 2 tuần triển khai đợt cao điểm, lực lượng CSGT-TT Công an TP Phủ Lý đã tiến hành kiểm tra trên 2 nghìn lượt người, phương tiện; phát hiện, xử lý gần 30 trường hợp sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, phạt tiền gần 150 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 12 trường hợp, tạm giữ 10 phương tiện. Nhờ xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn, va chạm giao thông trên địa bàn thành phố đã giảm mạnh so với tháng trước, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông.
Theo quy định, vi phạm nồng độ cồn có mức phạt khá cao. Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì người tham gia giao thông có thể bị phạt từ 2 triệu đồng đến 40 triệu đồng tùy mức độ vi phạm. Đồng thời, bị tạm giữ phương tiện và tước giấy phép lái xe.
Việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đang được lực lượng Công an TP Phủ Lý đồng loạt triển khai đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, hạn chế va chạm và tai nạn xảy ra do sử dụng rượu, bia trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng, rất cần sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ quyết liệt của các cấp, ngành. Đặc biệt, mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, đã uống rượu, bia thì không lái xe, qua đó, thiết thực góp phần kiềm chế TNGT, bảo đảm trật tự ATGT, trật tự công cộng, hình thành nét đẹp văn hóa giao thông trên địa bàn.
Trần Ích