Thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình hình tội phạm lừa đảo thông qua mạng xã hội (zalo, facebook...) có xu hướng gia tăng, với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, bức xúc trong dư luận xã hội. Để đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với loại tội phạm này, cùng với sự vào cuộc quyết liệt từ ngành chức năng, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, an toàn, nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo vệ chính mình để không trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo.
Ngày 18/7/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lý Nhân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 8 đối tượng, gồm: Dương Ngô Tùng, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thế Minh, Nguyễn Hữu Phong, Hoàng Văn Trung, Bùi Ngọc Duy, Hoàng Thị Minh Dương (cùng trú ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) và Trần Đình Nam (trú ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, ngày 26/6/2023, Công an huyện Lý Nhân nhận được trình báo của chị L. (trú tại xã Hòa Hậu, Lý Nhân) về việc bị đối tượng sử dụng tài khoản facebook xưng danh “Thầy Thế” đăng bài viết có khả năng làm lễ giải hạn, cầu tài lộc... tư vấn mua “lá bùa” cầu tài lộc và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để thuê làm lễ và đặt dâng tiền lễ giữ lộc. Vì không hiểu biết, chị L. đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng với số tiền lên đến hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền chuyển khoản, đối tượng đã không thực hiện theo yêu cầu mà chặn mọi liên lạc, mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Xác định, đây là vụ việc mang tính chất nghiêm trọng, Công an huyện Lý Nhân đã phối hợp Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh tiến hành xác minh, điều tra, làm rõ và bắt giữ 8 đối tượng là thủ phạm của vụ án trên tại một chung cư thuộc phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Tang vật thu giữ gồm: 230 triệu tiền mặt, 8 máy tính, 15 điện thoại di động là tang vật các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan công an, nhóm đối tượng khai nhận hành vi phạm tội, do cần tiền tiêu xài nên đã bàn bạc, thống nhất lên kịch bản; phân công nhiệm vụ cho từng người; sau đó lập các trang mạng xã hội facebook, zalo với tên “Thầy Thế” để đăng quảng cáo và lập các tài khoản facebook ảo vào bình luận công khai để tạo lòng tin cho người truy cập. Khi có người mắc mưu, các đối tượng này liền tìm cách tiếp cận, nhắn tin và tự giới thiệu có khả năng làm lễ và yêu cầu chuyển khoản, sau đó chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Với các thủ đoạn trên, từ tháng 5 đến tháng 6/2023, nhóm đối tượng này đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.
Trước đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cũng đã phát hiện hàng chục nghìn tài khoản facebook đăng tải cùng một nội dung có thể cung cấp số lô, số đề “chuẩn 100%”. Xác định đây là phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản tinh vi, phạm vi hoạt động rộng, số tiền chiếm đoạt của bị hại lớn, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh bắt giữ nhóm 12 đối tượng do Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1995, trú tại xã Tân Phương, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội) cầm đầu.
Quá trình đấu tranh, các đối tượng khai nhận đã sử dụng phần mềm để chỉnh sửa giờ nhắn zalo tạo hình ảnh cung cấp số lô, số đề cho người chơi đúng theo kết quả xổ số miền Bắc hoặc miền Nam. Để thu hút được nhiều người, nhóm đối tượng đã thuê 4 căn chung cư để đặt 169 máy tính chạy liên tục 24/24 giờ và sử dụng hơn 70 nghìn tài khoản facebook đăng hàng trăm nghìn bài quảng cáo nội dung có thể cung cấp số lô, số đề “chuẩn 100%” để lừa đảo người dân. Khi người mua chuyển tiền, các đối tượng sẽ cho số ngẫu nhiên, rồi chặn số điện thoại, zalo của bị hại để chiếm đoạt tài sản. Quá trình đấu tranh, bắt giữ, cơ quan công an đã thu giữ 169 bộ máy vi tính, 23 điện thoại di động, 39 triệu đồng, 2 tài khoản ngân hàng và nhiều vật chứng liên quan. Với những thủ đoạn trên, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của hàng nghìn bị hại với số tiền hơn 3 tỉ đồng.
Thời gian gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có xu hướng diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, khiến người dân bức xúc, lo lắng. Tại tỉnh ta, theo báo cáo từ ngành chức năng, từ năm 2022 đến nay, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh đã tiếp nhận, xử lý hàng trăm tin báo, tố giác liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Trong đó, nổi lên là tội phạm đánh bạc; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Về tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, một số chiêu thức lừa đảo diễn ra phổ biến hiện nay là: lập tài khoản mạo danh, chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội; mạo danh người thân mượn tiền giải quyết việc gấp; giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, nhân viên ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; thông báo trúng thưởng lớn, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và tâm lý hám lợi của một số người dân để chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, yêu cầu chuyển tiền. Gần đây nhất là thủ đoạn lợi dụng công nghệ Deepfake làm giả cuộc gọi video để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lực lượng chức năng đã xác minh, làm rõ và chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố hàng chục vụ án theo thẩm quyền…
Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, thời gian tới, ngành chức năng trong tỉnh xác định tiếp tục nắm chắc tình hình, bám sát địa bàn, tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng; chỉ đạo, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng không gian mạng, mạng truyền thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân; thường xuyên cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng để nhân dân đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực tố giác tội phạm. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, mỗi người dân cũng cần chủ động tự bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình.
Trên thực tế, cơ quan công an, cơ quan nhà nước không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để bảo lãnh, để xác minh hay gửi các lệnh, quyết định, giấy mời, giấy triệu tập qua mạng xã hội. Vì thế, người dân tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng qua điện thoại và mạng internet; không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Nếu không may bị lừa đảo, cần chủ động dừng ngay việc gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ kẻ lừa đảo; liên hệ ngay với ngân hàng và tổ chức tài chính để báo cáo lừa đảo và yêu cầu dừng mọi giao dịch; thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi gần nhất.
Trần Ích