Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Phủ Lý rộ lên dịch vụ thuê đính tranh đá. Công việc này thu hút nhiều người quan tâm, nhận làm gia công tại nhà để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở làm ăn uy tín đã xuất hiện nhiều cá nhân lợi dụng sự phát triển của dịch vụ này để tung chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người làm.
Tranh đính đá phát triển nhanh chóng ngay sau khi thị trường tranh thêu chữ thập trầm lắng do tranh đính đá dễ làm, mất ít công hơn, trong khi sản phẩm lại có độ sắc nét và nổi trội hơn so với tranh thêu chữ thập. Sử dụng tranh đính đá để trang trí cho ngôi nhà, góc học tập, làm việc… ngày càng được nhiều người lựa chọn.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cửa hàng đã thuê người đính đá gia công theo hình thức: Người làm thuê sẽ nhận tranh kèm theo đá, phụ kiện. Công việc của người làm là đính đá vào các bức tranh theo mẫu. Tiền công đính đá của mỗi bức tranh sau khi hoàn thiện dao động từ 200-700.000 đồng (tùy kích thước).
Tuy nhiên, để ràng buộc trách nhiệm, trước khi mang tranh về làm, người làm thuê sẽ phải đặt cọc một số tiền nhất định cho cửa hàng, từ 300-400.000 đồng/bức. Làm xong, nếu đạt yêu cầu, người thuê sẽ thanh toán tiền công và trả lại tiền cọc.
Trên thực tế, đã có một số người tranh thủ thời gian rảnh trong ngày để đính tranh thuê, kiếm được số tiền từ 30.000-40.000 đồng/ngày từ dịch vụ này.
Đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền của người dân, nhất là đối tượng sinh viên, người trung tuổi nghỉ hưu, các bà mẹ trẻ ở nhà chăm con nhỏ…, một số cá nhân đã đăng bài trên mạng xã hội như: facebook, zalo… để quảng cáo dịch vụ đính tranh đá, thu hút người làm để lừa đảo kiếm tiền một cách rất tinh vi.
Là một nạn nhân của chiêu lừa đảo này, chị Trần Thị Thu Huyền, phường Châu Sơn (thành phố Phủ Lý) bức xúc cho biết: Tôi có hai con nhỏ. Ở nhà chăm con, bí tiền tiêu nên tôi lên mạng tìm việc làm thêm tại nhà. Thấy công việc đính tranh đá từ một tài khoản facebook phù hợp với mình nên tôi nhận làm. Mọi giao dịch như đặt cọc, đưa tranh, trả tranh… đều do bên thuê trực tiếp đến nhà nên tôi thấy rất thuận tiện.
Tôi cặm cụi làm ngày làm đêm đến đau lưng, hoa mắt, chai cả tay nhưng khi đến nhận thì bị chê là tranh đính không đẹp, yêu cầu tôi chỉnh sửa lại. Sau khi sửa lại theo đúng hướng dẫn, tôi cố gắng liên hệ lại nhưng họ vẫn kiên quyết không nhận tranh của tôi. Không chỉ mất công mà tôi còn mất luôn hơn 1 triệu đồng tiền đặt cọc ban đầu.
Rất nhiều sinh viên, các mẹ "bỉm sữa" bị dính bẫy lừa tranh đính đá gia công tại nhà.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thảo, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý cũng vừa bị lừa tiền đặt cọc khi nhận đính thuê tranh đá. Chị Thảo làm việc trong một phòng khám tư nhân 2 ca/ngày (sáng và tối) nên buổi chiều chị nghỉ ở nhà. Muốn có thêm thu nhập trong thời gian rảnh rỗi, chị Thảo đã nhận đính tranh đá thuê thông qua facebook của một cá nhân giới thiệu là người dân ở xã Nhật Tựu (Kim Bảng).
Thấy đính tranh dễ làm và cho thu nhập cao hơn hẳn so với nhiều công việc làm thêm khác nên ngoài bức tranh của mình, chị Thảo còn giới thiệu và lấy thêm 3 bức khác cho người thân cùng làm (chị phải đặt cọc 1,4 triệu đồng cho cả 4 bức).
“Trước khi giao tranh, phụ kiện để làm, họ đưa cho mình một bản hợp đồng và hai bên cùng ký. Nhìn cách giao dịch chuyên nghiệp, đáng tin nên mình không nghi ngờ gì, dù số tiền yêu cầu đặt cọc là khá cao. Cụ thể, trong hợp đồng thỏa thuận ghi rõ: tiền đặt cọc là 350.000 đồng/bức, sau khi hoàn thiện tranh, nếu đạt yêu cầu, mỗi bức sẽ được trả công 350.000 đồng.
Tuy nhiên, khi đính xong 2 bức tranh, mình gọi họ đến xem thì họ liên tục “bắt lỗi” sản phẩm. Họ nói tranh mình làm không đạt tiêu chuẩn. Sau 3-4 lần chỉnh sửa, tranh đã rất đẹp và đúng so với mẫu nhưng họ vẫn nói không đạt. Còn 2 bức mới chưa đính, mình yêu cầu gửi trả để lấy lại tiền đặt cọc thì họ bảo là đã hết hạn rồi, không nhận lại được. Sau khi xem lại bản hợp đồng thì mới thấy mình “đuối” lý thật, chẳng thể kiện được ai” - chị Thảo nói.
Khảo sát tại các cửa hàng bán tranh đính đá, được biết, mỗi bức tranh đính đá khi chưa hoàn thiện được bán với giá 150.000-200.000 đồng/bức. Thế nhưng, người thuê lại yêu cầu người làm đặt cọc số tiền lớn (300.000-400.000 đồng/bức) và cố ý “đánh hỏng” sản phẩm để phạt bên đính thuê, thu tiền đặt cọc, tiền chênh lệch khoảng 200.000 đồng cho mỗi bức tranh.
Qua tìm hiểu, thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Phủ Lý có nhiều sinh viên, các bà mẹ “bỉm sữa” bị dính bẫy lừa này và không biết kêu ai. Người ít thì mất vài trăm nghìn, người nhiều thì bị lừa đến dăm bảy triệu đồng tiền đặt cọc tranh.
Có thể thấy, đây là một chiêu lừa đảo rất tinh vi khi các cá nhân thuê đính tranh đá thường giao hàng ở một địa chỉ trung gian hay tại nhà người làm, sau khi lấy tiền đặt cọc, họ “biến mất” cùng với tiền.
Điều đáng nói là trong hợp đồng ghi rõ: “Nếu tranh đạt yêu cầu, người làm sẽ được trả lại tiền đặt cọc và nhận tiền công làm là 350.000 đồng/bức”.Thế nhưng, tiêu chí “đạt yêu cầu” thì lại rất mơ hồ và chỉ bên thuê mới có quyền đánh giá. Vì vậy, các bà mẹ “bỉm sữa”, sinh viên, học sinh cần thận trọng khi nhận làm thêm công việc này. Trước khi nhận làm nên kiểm tra, yêu cầu chỉnh sửa hay bổ sung các điều khoản trong hợp đồng một cách hợp lý để không bị mất công, mất tiền oan.
Nguyễn Oanh
Nguyễn Oanh