Bảo đảm an toàn cho người dân và du khách thập phương du Xuân và tham gia các hoạt động lễ hội trên địa bàn, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã triển khai đồng bộ các biện pháp, nhằm đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cứu nạn, cứu hộ (CNCH) tại các điểm di tích lịch sử, nơi diễn ra lễ hội.
Khu Du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng) là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, chiêm bái dịp đầu Xuân. Để bảo đảm cho công tác PCCC và CNCH tại Khu du lịch Tam Chúc, Ban Quan lý Khu du lịch đã chủ động trang bị các thiết bị phục vụ cho công tác PCCC, bổ sung thêm thiết bị chữa cháy cầm tay tại các khu vực tập trung đông du khách, nơi sử dụng vàng mã, hương. Lắp đặt hệ thống trang thiết bị chữa, báo cháy tự động tại khu vực thủy đình, khách xá và các điện thờ…
Ông Nguyễn Văn Độ (Ban Quản lý Khu du lịch Tam Chúc) cho biết thêm: Bên cạnh trang bị đầy đủ thiết bị chữa cháy, báo cháy tự động, Ban Quản lý Khu du lịch Tam Chúc cũng thường xuyên phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh làm tốt công tác kiểm tra, khắc phục sự cố và tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ PCCC cho 50 nhân viên chính quy của Đội PCCC cơ sở. Ngoài ra, còn đào tạo dự phòng cho hơn 100 nhân viên thuộc tất cả các phòng, ban, bộ phận, bảo đảm nếu có sự cố xảy ra thì tất cả nhân viên này sẽ có mặt để kịp thời xử lý. Qua đó bảo đảm việc vận hành hệ thống PCCC được an toàn, hiệu quả.
Đồng thời, đối với các du khách tới tham quan, chiêm bái tại đây, Ban Quan lý Khu du lịch Tam Chúc đặt biển báo, phát thông báo trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ nhằm thường xuyên nhắc nhở, nâng cao ý thức người dân về PCCC như: bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế đốt vàng mã, thắp hương đúng nơi quy định…
Các lễ hội đầu xuân trên địa bàn tỉnh thường được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tới tham dự, chiêm bái. Đặc biệt, người dân tập trung đông tại các đền, chùa, sử dụng nhiều vật dụng dễ cháy như giấy vàng mã, nhang, đèn... Do đó, lực lượng chức năng thường xuyên yêu cầu ban quản lý các di tích, đền, chùa nghiêm túc chấp hành và bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC như: quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực bếp, điện thờ, nhà kho, bãi gửi xe... Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, điện chiếu sáng, dây dẫn điện, tăng cường công tác thường trực, không cho người dân buôn bán trên lối đi, lan can, hành lang, cửa ra vào, lối thoát nạn...
Chủ động thực hiện tốt công tác PCCC tại các cơ sở tôn giáo và khu du lịch văn hóa tâm linh, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh và các địa phương đã chủ động tham mưu, tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm PCCC tại các cơ sở.
Thiếu tá Lê Trọng Điều, Đội trưởng Đội cảnh sát PCCC và CNCH, Công an huyện Thanh Liêm cho biết: Để làm tốt công tác bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ tại các khu du lịch tâm linh, đặc biệt vào dịp lễ, hội, lực lượng cảnh sát PCCC huyện Thanh Liêm đã chủ động thực hiện tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn ban quản lý các cơ sở tôn giáo, du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn sử dụng thiết bị điện sinh hoạt, đèn trang trí bảo đảm khoảng cách xa vật dễ cháy; bố trí lối thoát nạn, cửa ra vào, bãi để xe thông thoáng, không gây cản trở cho người dân thoát hiểm và lực lượng cảnh sát PCCC làm nhiệm vụ khi xảy ra sự cố… Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, kịp thời nhắc nhở các cơ sở bảo đảm đúng yêu cầu PCCC và CNCH dịp trước, trong và sau mùa lễ hội.
Có thể nói công tác PCCC tại những cơ sở thờ tự, nơi diễn ra các hoạt động lễ hội không chỉ là trách nhiệm của lực lượng chức năng, của ban quản lý cơ sở mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân khi đến vãn cảnh, hành hương, chiêm bái. Do đó, mỗi người cần tự nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định của chùa, nhà đền, hạn chế thắp hương, đốt vàng mã những nơi đông người để việc du xuân trong những ngày đầu năm được an toàn tuyệt đối.
Nguyễn Khánh