Bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở tôn giáo và khu du lịch văn hóa tâm linh

Thói quen dâng lễ thắp hương, đốt vàng mã của người dân tại các cơ sở tôn giáo tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Trước thực tế này, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn ban quản lý di tích các đền, chùa và người dân thực hiện nghiêm các quy định an toàn về phòng chống cháy nổ.

Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương (Xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân) hằng năm đón tiếp khá đông người dân địa phương và du khách thập phương tới tham quan, chiêm bái. Để thực hiện tốt công tác PCCC, Ban Quản lý di tích đã thành lập tổ bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ. Cùng với đó, bố trí hàng chục bình chữa cháy bên trong các khu thờ tự. Hệ thống điện tại khu di tích thường xuyên được kiểm tra để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo đảm an toàn PCCC. Hằng năm, Ban Quản lý di tích phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh tổ chức tập huấn PCCC cho đội ngũ nhân viên bảo vệ trực tại đền, tăng cường nhắc nhở du khách thực hiện nghiêm các quy định PCCC. 

Bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở tôn giáo và khu du lịch văn hóa tâm linh
Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh kiểm tra công tác bảo đảm PCCC tại di tích đền Trần Thương.

Ông Nguyễn Trọng Long, Phó Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương cho biết: Để bảo đảm an toàn PCCC cũng như tính trang nghiêm của các điểm thờ cúng, Ban Quản lý di tích đã thắp hương vòng và tuyên truyền tới du khách chỉ đến chiêm bái hoặc chỉ thắp hương vái lễ Đức Thánh Trần, ban Phụ Mẫu, chùa Đại Giác Thiền Tự. Qua đó góp phần hạn chế tình trạng du khách đốt hương, vàng mã tràn lan tại các điểm thờ cúng.

Trên thực tế, các di tích, đình, đền, chùa, miếu luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, bởi phần lớn được xây dựng với kết cấu chủ yếu là gỗ, bên trong nhiều đồ dễ cháy như: tượng gỗ, đồ thờ cúng, hương, nến, vàng mã… Lượng khách đông kéo theo nhu cầu sử dụng điện, thắp hương, thắp nến, đốt vàng mã nhiều. Phương tiện giao thông dừng, đỗ tại các bến, bãi gia tăng cũng có thể dẫn đến nguy cơ phát sinh cháy, nổ. Mặt khác, các cơ sở này thường nằm xen kẽ với khu dân cư, nếu xảy ra sự cố rất dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn; đòi hỏi công tác bảo đảm PCCC càng phải được siết chặt.

Với tổng diện tích hơn 4.000ha, Khu Du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng) là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham quan và chiêm bái. Ông Mai Quốc Đạt, Giám đốc điều hành Khu Du lịch Tam Chúc cho biết: Tất cả thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác PCCC tại Khu Du lịch Tam Chúc đều được bảo đảm theo đúng quy định. Đồng thời, chúng tôi đã thành lập Đội PCCC gồm 50 nhân viên chính quy, được đào tạo bài bản về công tác PCCC. Ngoài ra, còn đào tạo dự phòng hơn 100 nhân viên thuộc tất cả các phòng, ban, bộ phận, bảo đảm nếu có sự cố xảy ra thì tất cả nhân viên này sẽ có mặt trong vòng 10 phút để kịp thời xử lý.

Bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở tôn giáo và khu du lịch văn hóa tâm linh
Bảo đảm được các điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19, phòng cháy chữa cháy, các địa điểm du lịch tâm linh, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang ngày càng trở nên thu hút du khách thập phương tới tham quan, chiêm bái. Ảnh: P.V

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý Khu Du lịch Tam Chúc tổ chức kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, nhân viên về công tác bảo đảm PCCC. Qua công tác kiểm tra, nếu phát hiện tồn tại, hạn chế Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH hướng dẫn cơ sở tiếp tục bổ sung các vật dụng cần thiết về PCCC tại khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh cháy như nhà để xe điện, khu bảo trì, các khu vực có hoạt động thắp hương, thờ cúng, đốt vàng mã…

Chủ động thực hiện tốt công tác PCCC tại các cơ sở tôn giáo và khu du lịch văn hóa tâm linh, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh Hà Nam đã chủ động tham mưu với Giám đốc Công an tỉnh và UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo. Đồng thời, tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm PCCC tại các cơ sở. Lực lượng cảnh sát PCCC các địa phương cũng chủ động thực hiện tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn ban quản lý các cơ sở tôn giáo, du lịch văn hóa tâm linh sử dụng thiết bị điện sinh hoạt, đèn trang trí bảo đảm khoảng cách xa vật dễ cháy; bố trí lối thoát nạn, cửa ra vào, bãi để xe thông thoáng, không gây cản trở cho người dân thoát hiểm và lực lượng Cảnh Sát PCCC làm nhiệm vụ khi xảy ra sự cố… 

Thượng tá Phạm Văn Chính, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh Hà Nam cho biết: Theo quy định pháp luật, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đã được đưa vào diện quản lý về PCCC. Vì vậy, đề nghị người đứng đầu các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, khu du lịch văn hóa tâm linh thực hiện nghiêm túc trách nhiệm về công tác PCCC ngay từ khi đầu tư xây dựng đến suốt quá trình khai thác, sử dụng. Thường xuyên tự kiểm tra việc chấp hành các quy định về PCCC trong nội bộ cơ sở. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để sẵn sàng xử lý kịp thời những sự cố cháy nổ có thể xảy ra ở cơ sở của mình.

Hiện nay, miền Bắc đang chuẩn bị bước vào mùa khô hanh, nắng nóng kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Do đó, các cơ sở tôn giáo, khu du lịch văn hóa tâm linh cần thực hiện đúng theo các quy định và chủ động trong công tác PCCC. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nâng cao vai trò, nhận thức về công tác PCCC khi tới tham quan, chiêm bái, góp phần bảo vệ an toàn các di tích, bảo đảm tài sản, tính mạng của chính mình.

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy