Đạo diễn, NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ bị áp lực khi dựng "Những vì sao không tắt"

Văn học - Nghệ thuật 07:57 07/10/2022 Giang Nam
"Những vì sao không tắt" là vở chèo mới được Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (Sở VH,TT&DL) dàn dựng chuẩn bị tham gia tại Liên hoan Chèo toàn quốc sắp tới tổ chức tại Hà Nam. Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam được mời đảm nhiệm vai trò đạo diễn. Bà chia sẻ cũng chịu những áp lực nhất định khi nhận kịch bản này vì đây là một đề tài về lịch sử của địa phương, cái khó của người nghệ sỹ khi sân khấu hóa câu chuyện lịch sử phải được những người trong cuộc - những người chứng kiến câu chuyện lịch sử đó họ chấp nhận được, không phản ứng vì bị hình tượng hóa.

Một cảnh trong vở diễn "Những vì sao không tắt" của  NSND - Đạo diễn Trịnh Thúy Mùi; tác giả kịch bản Lê Chí Trung và Tạ Tuấn Minh.

Là một trong những tác phẩm được thực hiện để tham gia Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 do Hà Nam đăng cai tổ chức vào trung tuần tháng 10, vở chèo “Những vì sao không tắt” được Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Hà Nam xây dựng trên một câu chuyện lịch sử có thật về cuộc sống, chiến đấu của các nữ dân quân Lam Hạ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra vào đầu tháng 10/1966. 

Nhân dịp tổng duyệt tác phẩm, phóng viên Báo Hà Nam điện tử đã phỏng vấn nhanh NSND - đạo diễn Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam những điểm mới trong nội dung tác phẩm.

NSND Trịnh Thúy Mùi cùng với các nghệ sỹ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh dựng vở.

Thưa bà, bà có thể chia sẻ một chút ý tưởng của mình khi tiếp nhận kịch bản và dàn dựng vở chèo “Những vì sao không tắt” được không?

NSND Trịnh Thúy Mùi: Tác phẩm này dựng trên một câu chuyện không mới, thậm chí đã đi vào lịch sử Hà Nam trong kháng chiến nhưng nó cũng đã tạo cho mình một áp lực mới. Nếu như nói về chiến tranh mà dựng nên những câu chuyện hư cấu thì nó rất bình thường đối với người viết kịch và đạo diễn sân khấu. Thế nhưng câu chuyện này lại rất gần gũi với nhân dân Hà Nam. Bản thân mình nếu muốn hư cấu, làm sao qua lăng kính nghệ thuật người ta hiểu được sự hy sinh của người con Hà Nam. Thậm chí là khi đưa câu chuyện này lên sân khấu, nếu như người dân không thấy đúng, không thấy gần gũi với đời sống của họ thì trước hết với những con người có mặt trong cuộc chiến ấy, tức là nhân chứng lịch sử vẫn còn sống hiện nay, họ sẽ phản ứng… thì đó càng là áp lực với người làm. Tuy nhiên, với cảm xúc, năng lực của người nghệ sỹ, họ sẽ không dừng lại vì những áp lực đó!

Có một điều mà những người dân Hà Nam, những người tìm hiểu về lịch sử Hà Nam người ta đã rất quen với câu chuyện chiến đấu và hy sinh của các cô gái Lam Hạ. Thế nhưng, những góc cạnh mà ê kíp dựng vở khai thác, đưa nó trở thành câu chuyện xuyên suốt vở diễn chính là tình yêu đôi lứa của các cô gái dân quân Lam Hạ với những chàng bộ đội pháo phòng không… Ngay cả chuyện chị Tâm hy sinh khi đang mang bầu với một anh bộ đội khi họ chưa cưới xin gì cũng là câu chuyện đời tư đưa lên sân khấu mà bấy lâu nay rất nhiều khán giả chưa biết đến. Vì sao bà lại khai thác góc cạnh này cho một vở diễn có nhiều chi tiết đóng đinh vào lịch sử?

Mối tình của Đinh Thị Tâm và Đỗ Hồng Ba được khai thác đưa vào vở diễn với những ý đồ táo bạo của đạo diễn.

NSND Trịnh Thúy Mùi: Tôi thì tôi nghĩ, trong lao động, trong chiến đấu, chúng ta không có tình yêu chúng ta không thể vượt qua được tất cả mọi chuyện, mọi khó khăn, sự trở ngại. Vì thế, trong mỗi câu chuyện đều có những lắt léo bắt nguồn từ tình yêu. Tình yêu nam nữ là thứ tình cảm rất bản năng, rất thơ mộng, rất sáng trong. Khi bị cấm đoán, bản năng đó càng trỗi dậy hơn, mạnh mẽ hơn. Chúng tôi lập luận câu chuyện tình yêu phải có trong chiến tranh ấy là chuyện hết sức bình thường. Bởi chỉ tình yêu mới làm cho con người ta vượt qua mọi nỗi sợ hãi chiến tranh, những khó khăn của đời sống và thử thách cuộc đời, cao hơn nữa là sẵn sàng hy sinh để mang lại độc lập tự do cho dân tộc,  bảo vệ quê hương. Từ cái câu chuyện ấy, chúng tôi nghĩ, khai thác câu chuyện tình yêu từ những chuyện có thật như cô Tâm cô ấy đã mang thai với một anh bộ đội. Thời điểm đó cấp trên có lệnh cấm bộ đội không được yêu dân quân… Phải có tình yêu mãnh liệt họ mới vượt qua những khó khăn, dám hy sinh bản thân mình, hy sinh cả đứa con để chiến đấu và chiến thắng.

Đây là một vở chèo, ở mỗi màn diễn đều có một bài dân ca Hà Nam đan xen được đưa vào, liệu điều đó có làm ảnh hưởng đến ngôn ngữ, tính chất của loại hình sân khấu này không thưa bà?

NSND Trịnh Thúy Mùi: Không, tôi đã nghiên cứu và hiểu về văn hóa Hà Nam, vùng đất của những làn điệu dân ca, đồng thời cũng là một trong những cái nôi của chèo. Tôi cho rằng, việc sử dụng các làn điệu dân ca Hà Nam trong tác phẩm này là điều vô cùng hay, nên khai thác, cần phải khai thác.

Xin cảm ơn bà!

Cảnh cuối vở diễn "Những vì sao không tắt"

Trung đội nữ dân quân phòng không Lam Hạ gồm 24 đồng chí cùng đơn vị phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu kiên cường, đánh trả trên 230 trận, nhiều đồng chí đã hy sinh trong đó có 10 nữ dân quân Lam Hạ.

Ngày 1/10/1966, các chị Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Thanh Phương và hai chị em ruột Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi đã hy sinh trên trận địa pháo 37 ly.  Ngày 8/10/1966, 3 chiến sỹ là Nguyễn Thị Thuận, Nguyễn Thị Oánh, Nguyễn Thị Thẹp đã ngã xuống ở trận địa pháo 100 ly. Gần một năm sau, ngày 7/7/1967, chiến sỹ Đặng Thị Chung là người cuối cùng ngã xuống trên trận địa pháo 57 ly…

Câu chuyện về cuộc sống và chiến đấu của các nữ dân quân Lam Hạ cùng với bộ đội chủ lực thuộc các đơn vị chiến đấu khác đi vào lịch sử thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam… Nhưng những câu chuyện đời thường như tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình đồng đội lần này mới được nói đến một cách chân thực, xúc động nhất qua vở chèo “Những vì sao không tắt”.

 

TIN MỚI CẬP NHẬT

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni

Chính trị  |  18:24 23/11/2024

Chiều 23/11, tại Hoàng cung Campuchia ở Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.

Cần cơ chế huy động tối đa nguồn vốn hiệu quả để phát triển đất nước

Người đại biểu nhân dân  |  14:54 23/11/2024

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là đất nước vẫn còn thiếu vốn cho phát triển. Vì vậy, cần có một cơ chế chính sách hợp lý để huy động tối đa nguồn vốn từ nhiều nguồn lực khác nhau để thúc đẩy phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khai trương đường bay Hà Nội – Kuala Lumpur

Chính trị  |  12:33 23/11/2024

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 23/11, ngay sau khi thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur của Vietjet nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam – Malaysia, cũng như toàn Đông Nam Á.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC