Cùng chúng tôi ra diện tích ruộng không cấy trong vụ mùa 2022, ông Phùng Xuân Sinh, nông dân thôn Cao Tràng, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân chia sẻ: Vụ mùa hằng năm, gia đình tôi gieo cấy 7 mẫu, nhưng năm nay chỉ cấy được 4 mẫu. Nguyên nhân là do diện tích vụ trước gieo sạ bị nhiễm lúa cỏ nặng, hiệu quả kinh tế rất thấp. Bên cạnh đó, vụ lúa xuân năm nay thu hoạch chậm hơn các năm trước (từ 7-10 ngày), trong khi thời gian chuyển tiếp giữa vụ xuân và vụ mùa ngắn. Trên diện tích này những vụ trước gia đình thực hiện gieo sạ, nhưng năm nay, do bị ảnh hưởng của lúa cỏ nên muốn chuyển đổi phương thức gieo cấy. Tuy nhiên, công cấy thủ công cao, từ 300-350 nghìn đồng/ngày công, nhưng vẫn khó thuê bởi lực lượng lao động ở quê hiện nay phần lớn đi làm cho các công ty, doanh nghiệp. Trên địa bàn xã chưa có tổ dịch vụ cấy máy, muốn ký kết với các tổ dịch vụ cấy máy ở địa phương khác cũng gặp khó khăn do diện tích nhỏ, lịch gieo cấy thời vụ lại gấp... vì vậy, gia đình đành bỏ không cấy vụ này để tập trung làm vụ đông.
Gắn bó với đồng ruộng nhiều năm, ông Cao Văn Đích, Trưởng thôn Nội Rối, xã Bắc Lý (Lý Nhân) rất trăn trở với tình trạng nông dân bỏ ruộng không gieo cấy ở địa phương. Ông Đích cho biết: Vụ mùa năm 2022, thôn Nội Rối có 22 mẫu nông dân không gieo cấy. Trước tình trạng trên, cán bộ thôn đã lập danh sách cụ thể, đến từng nhà tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân nỗ lực khắc phục khó khăn, cố gắng cấy hết diện tích.
Về nguyên nhân, diện tích không gieo cấy chủ yếu là ruộng của lực lượng lao động trong độ tuổi đi làm cho các công ty, doanh nghiệp. Đây là diện tích bị nhiễm lúa cỏ từ những vụ trước, vụ này muốn chuyển đổi phương thức gieo cấy. Tuy nhiên, do thiếu lao động, thời gian chuyển vụ ngắn, vụ đông lại cận kề nên không cấy vụ mùa để làm vụ đông. Nguyên nhân nữa là hiệu quả kinh tế từ cấy lúa quá thấp. Trong khi giá vật tư nông nghiệp không ngừng tăng cao, giá lúa thương phẩm lại không tăng tương ứng, nên thu nhập từ sản xuất nông nghiệp vốn đã thấp giờ còn thấp hơn. Hiện lao động đi làm cho các công ty, doanh nghiệp lương một tháng đong được cả tấn thóc, ba tháng vất vả gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa, chỉ lấy công làm lãi. Những diện tích bị nhiễm lúa cỏ tính ra còn bị thua lỗ...
Qua tìm hiểu được biết, vụ mùa 2022, xã Bắc Lý, Lý Nhân có trên 20 ha nông dân không gieo cấy. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND xã, nguyên nhân là do hiệu quả kinh tế thấp và tình trạng lúa cỏ ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả cây trồng. Để khắc phục tình trạng lúa cỏ, vụ mùa 2022, xã Bắc Lý đẩy mạnh tuyên truyền người dân chuyển đổi phương thức gieo cấy từ gieo sạ sang cấy thủ công và cấy máy. Đồng thời chỉ đạo các HTX, cán bộ thôn theo dõi, thống kê chính xác danh sách các hộ không gieo cấy để có hướng giải quyết phù hợp, hiệu quả, hạn chế thấp nhất tình trạng nông dân bỏ ruộng không sản xuất trong những vụ tới.
Làm chủ nhiệm, giờ là Giám đốc HTXDVNN Tín Vỹ Vọng, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm từ năm 2009 đến nay, ông Trần Văn Quán là người tâm huyết và gắn bó với đồng ruộng. Ông Quán cho biết: Hiện nay, lực lượng lao động tham gia sản xuất nông nghiệp ở nông thôn chủ yếu ở độ tuổi từ 45 trở lên. Đây là lực lượng khó xin được việc làm phù hợp trong các công ty, doanh nghiệp, vì vậy họ vẫn thiết tha với đồng ruộng. Với họ thu nhập từ sản xuất nông nghiệp vẫn là thu nhập chính. Từ trước đến nay, sản xuất nông nghiệp thu nhập thấp, lại đối diện với nhiều rủi ro: thời tiết bất thuận, sâu bệnh phá hoại... Thời gian gần đây, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá thóc không tăng... khiến nông dân có tư tưởng chán làm ruộng. Vụ mùa 2022, HTXDVNN Tín Vỹ Vọng có khoảng 5 sào nông dân không thực hiện gieo cấy. Đây là những diện tích vùng cao, lại giáp chân mồ mả, manh mún, nhỏ lẻ (chỗ dăm ba miếng, chỗ một sào), khó canh tác, không thuận lợi tưới, tiêu nước dẫn đến hiệu quả thấp nên nông dân không gieo cấy.
Chị Nguyễn Thị Hường, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Liêm Túc cho biết: Tổng diện tích gieo cấy của xã Liêm Túc là 380,8 ha. Vụ mùa 2022 diện tích nông dân không gieo cấy là 2,8ha. Diện tích này chủ yếu nằm ngay gần chân cầu vượt qua địa bàn xã, công trình thủy lợi bị chia cắt khó khăn trong việc tưới tiêu, diện tích manh mún, nền cao, không bằng phẳng... khó canh tác, hiệu quả sản xuất thấp. Thời gian qua, cử tri trong xã đã có ý kiến kiến nghị xin chuyển đổi cây trồng phù hợp trên diện tích đất nông nghiệp này.
Chúng tôi về xã Đồn Xá, Bình Lục khi lúa mùa đã lên xanh, phủ kín mặt ruộng. Tuy nhiên, qua quan sát, vẫn có diện tích nông dân bỏ không gieo cấy. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Trường, Giám đốc HTXDVNN Đồn Xá cho biết: Trước năm 2020, do nạn chuột phá hoại nên nhiều diện tích ruộng nông dân bỏ không cấy. Từ khi HTX ký kết được dịch vụ đánh chuột, tình trạng nông dân bỏ ruộng còn rất ít. Ruộng nông dân không cấy đều là diện tích thùng đào, sâu trũng, khó khăn trong canh tác. Vụ mùa 2022, do mưa nhiều, diện tích nông dân bỏ không cấy của HTX vào khoảng 2 mẫu...
Qua trao đổi, trò chuyện với nông dân, những người trực tiếp tham gia sản xuất trên đồng ruộng, đại đa số ý kiến của bà con cho biết, nguyên nhân bỏ ruộng không gieo cấy là do hiệu quả sản xuất lúa hiện nay đạt thấp. Thời gian gần đây, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá thóc bán ra vẫn “dậm chân tại chỗ”. Bên cạnh đó, cơ cấu lao động ở nông thôn có sự chuyển dịch mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề khác cho thu nhập cao hơn… khiến nhiều hộ gia đình không mặn mà với đồng ruộng. Cùng với đó, việc triển khai xây dựng nhiều dự án ở cơ sở khiến hệ thống thủy lợi bị chia cắt, việc tưới tiêu gặp khó khăn; có diện tích thùng vũng nhỏ lẻ, manh mún, chuột phá hoại nhiều khó canh tác. Đặc biệt, những vụ gần đây trên diện tích lúa gieo sạ xuất hiện tình trạng lúa cỏ, ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất và thu nhập của nông dân.
Theo tổng hợp của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), vụ mùa 2022, toàn tỉnh có 128,38 ha diện tích đất lúa không gieo cấy. Trong đó, huyện Lý Nhân 70ha, Duy Tiên 10ha, Bình Lục 16ha, Thanh Liêm 7,38ha, TP Phủ Lý 25ha. Đây chủ yếu là diện tích nhỏ lẻ, manh mún, thùng vũng, sâu trũng, đất cốt cao khó khăn trong việc triển khai sản xuất. Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng lúa cỏ ảnh hưởng đến năng suất, vì vậy một số ruộng bị nhiễm lúa cỏ nặng từ vụ trước nông dân cũng bỏ không cấy… Tuy chỉ chiếm khoảng 0,04% tổng diện tích gieo cấy trong toàn tỉnh, nhưng trước tình trạng nông dân bỏ ruộng các địa phương đã triển khai thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế thấp nhấp tình trạng bỏ ruộng trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Ông Trần Văn Quán, Giám đốc HTXDVNN Tín Vỹ Vọng, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm: Hiện nay, lực lượng lao động tham gia sản xuất nông nghiệp ở nông thôn chủ yếu ở độ tuổi từ 45 trở lên. Đây là lực lượng khó xin được việc làm phù hợp trong các công ty, doanh nghiệp, vì vậy họ vẫn thiết tha với đồng ruộng. Với họ thu nhập từ sản xuất nông nghiệp vẫn là thu nhập chính. Từ trước đến nay, sản xuất nông nghiệp thu nhập thấp, lại đối diện với nhiều rủi ro: thời tiết bất thuận, sâu bệnh phá hoại... Thời gian gần đây, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá thóc không tăng... khiến nông dân có tư tưởng chán làm ruộng. Vụ mùa 2022, HTXDVNN Tín Vỹ Vọng có khoảng 5 sào nông dân không thực hiện gieo cấy. Đây là những diện tích vùng cao, lại giáp chân mồ mả, manh mún, nhỏ lẻ (chỗ dăm ba miếng, chỗ một sào), khó canh tác, không thuận lợi tưới, tiêu nước dẫn đến hiệu quả thấp nên nông dân không gieo cấy.
_____________________________
Bài 2: Nâng cao giá trị, hiệu quả trên diện tích canh tác
Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đang đặt ra nhiều thách thức đối với việc sử dụng nguồn nhân lực sao cho hiệu quả. Từ đây đòi hỏi chính sách sử dụng nhân tài cần được chú trọng trong xây dựng chiến lược phát triển con người.
Cuộc thi "Chữ đẹp Việt" nhằm khuyến khích các em rèn luyện viết chữ đẹp, góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là cuộc thi hoàn toàn miễn phí, tạo sân chơi cho các em học sinh rèn chữ viết, hình thành tính kiên trì, kỷ luật.
Sáng nay, 24/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.