Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản Chân Lý, xã Chân Lý (Lý Nhân) có 11 thành viên, diện tích mặt nước nuôi thủy sản 26 ha. Sau khi thành lập (năm 2018), HTX đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Cụ thể, các thành viên HTX đều cải tạo ao nuôi, lắp đặt quạt nước tạo oxi, sử dụng men vi sinh làm sạch nước ao… Đồng thời, áp dụng biện pháp nuôi thủy sản thâm canh, sử dụng thức ăn công nghiệp.
Điển hình như hộ bác Nguyễn Văn Bội, có 2ha mặt nước nuôi giống cá chép Koi Nhật Bản - loại thủy sản mới đòi hỏi kỹ thuật cao trong quá trình sản xuất. Để bảo đảm chất lượng nước, định kỳ hằng tháng bác sử dụng men vi sinh rải đều cho các ao nuôi; hệ thống quạt nước được lắp đặt và sử dụng công nghệ hẹn giờ giúp hoạt động thường xuyên kể cả vào ban đêm. Ngoài ra, do đây là giống cá cảnh, bác Bội sử dụng thêm muối với tỷ lệ phù hợp giúp hạn chế bệnh, cá khỏe hơn. Quá trình nuôi, bác sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, cá tăng trọng tốt.
Theo bác Bội, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nâng cao cả chất lượng và năng suất cá. Giá trị sản xuất trên diện tích nuôi thủy sản đạt đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm, vượt trội so với trước đây.
Quá trình hoạt động, các thành viên HTX Nuôi trồng thủy sản Chân Lý thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Chỉ tính những diện tích nuôi thủy sản truyền thống đã đạt năng suất 10 – 13 tấn/ha/năm, những hộ áp dụng nuôi thâm canh đạt 18 – 20 tấn/ha/năm.
Ông Ngô Văn Loan, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Chân Lý cho biết: Để phát triển nuôi thủy sản đạt hiệu quả, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là yếu tố quan trọng mà HTX hướng tới. Do có sự đổi mới trong sản xuất, các thành viên HTX nâng cao được hiệu quả trên diện tích ao nuôi, giúp bù đắp được giai đoạn khó khăn cách đây 1 năm khi tác động của dịch Covid-19, giá thủy sản xuống thấp.
Việc áp dụng khoa học, công nghệ trong nuôi thủy sản của tỉnh còn được thể hiện nổi bật tại mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”. Theo đó, mô hình nuôi thủy sản tiên tiến này được lắp đặt hệ thống máy bơm tạo dòng chảy lưu thông tại bể nuôi, quản lý được nguồn nước, kể cả hệ thống lọc, tách thu gom phân cá… Năng suất cá tại mô hình đạt bình quân từ 25 – 30 tấn/bể nuôi/năm. Mỗi ha mặt nước xây dựng được 2 bể nuôi, tương đương năng suất đạt 50 tấn cá/ha/năm. Một số mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” đã xây dựng và đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGap. Từ đó, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm từ thủy sản nuôi theo công nghệ “sông trong ao” đang đăng ký tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Toàn tỉnh hiện có khoảng 5.400 ha nuôi thủy sản, giảm 200 ha so với năm 2021. Tuy nhiên, tổng sản lượng thủy sản lại tăng 1,3%; giá trị tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này thể hiện hướng đi đúng đắn, hiệu quả trong phát triển thủy sản hiện nay với các hình thức nuôi rất đa dạng, từ chuyển đổi ruộng trũng kém hiệu quả sang sản xuất đa canh và nuôi trồng thủy sản, nuôi tại ao, hồ, đến nuôi cá lồng trên sông Hồng… Hiện nay, người dân bỏ hẳn hình thức nuôi quảng canh, thay vào đó là sản xuất thâm canh và bán thâm canh. Đồng thời, các tiến bộ khoa học, công nghệ trong nuôi thủy sản được người dân áp dụng rộng rãi, như: Sử dụng men vi sinh xử lý nước, lắp đặt hệ thống guồng tạo oxi cho ao nuôi... Hay, một số diện tích ao nổi được người dân sử dụng bạt rải nền, thu gom phân cá.
Đánh giá về nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện nay, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Sản xuất thủy sản của tỉnh đã và đang thể hiện khá rõ được ưu thế về năng suất, chất lượng sản phẩm. Riêng về khoa học, công nghệ đều cơ bản được ứng dụng phương pháp tiên tiến nhất hiện có tại khu vực phía Bắc. Qua đó, thủy sản đang đóng góp quan trọng vào giá trị và tốc độ tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên hiện nay, trong sản xuất thủy sản của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là, nguồn nước cấp cho nuôi thủy sản ở nhiều vùng chưa được bảo đảm, thường xuyên bị ô nhiễm, phụ thuộc chính vào hệ thống tưới, tiêu phục vụ trồng trọt. Do vậy, khó khăn trong việc chủ động về mùa vụ, có vùng do dịp cuối năm thiếu nguồn nước và thường ô nhiễm nên người dân phải thu hoạch sớm nên cá không đạt được cả về năng suất và giá bán. Viêc tiêu thụ thủy sản vẫn chủ yếu dựa vào thị trường tự do, bán sản phẩm thô, hiệu quả đem lại chưa cao…
Nuôi thủy sản vẫn được xác định là một trong những hướng đi chính trong sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu đến năm 2025 của tỉnh duy trì ổn định diện tích mặt nước, với sản lượng thủy sản đạt 26.500 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân 2,9%/năm, giá trị sản xuất bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm. Do vậy, các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục tạo điều kiện cho thủy sản phát triển, nhất là áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, tạo chuỗi liên kết giá trị… Như vậy, nuôi thủy sản của tỉnh mới phát huy được tiềm năng, thế mạnh.
Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.
Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.
Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều 21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.