Giá cá lăng sông Hồng tăng cao

Nông nghiệp 05:23 14/07/2022 Mạnh Hùng
Cá lăng, đối tượng thủy sản chính được nuôi tại hệ thống lồng bè trên sông Hồng, có sản lượng mỗi năm lên đến hàng trăm tấn. Đây là loại thủy sản góp phần quan trọng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nội bộ ngành. Hiện nay, dịch Covid-19 được kiểm soát, các ngành thương mại, dịch vụ, nhất là du lịch hoạt động trở lại thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cá lăng tăng lên. Điều này là tín hiệu khả quan đối với người nuôi cá lăng sau thời gian trầm lắng, khó khăn.

 

Khu lồng nuôi cá lăng trên sông Hồng của bác Trần Văn Sỹ, xã Phú Phúc (Lý Nhân).

Nhóm hộ của bác Trần Văn Sỹ, xã Phú Phúc (Lý Nhân) có 30 lồng nuôi cá trên sông Hồng. Trong đó, số lồng nuôi cá lăng chiếm khoảng 80%, còn lại là cá ngạnh, chép, rô phi. Trong tổng số 30 tấn cá lăng hiện có khoảng 10 tấn đến thời điểm cho thu hoạch. Thời gian này có khá nhiều khách hàng đến liên hệ để thu mua cá lăng, giá thu mua được đưa ra cao gấp hơn 2 lần so với cùng thời điểm năm trước. Tuy nhiên, bác Sỹ chưa có ý định bán tại thời điểm này.

Bác Sỹ cho biết: Cá lăng hiện nay đang trở lại đúng giá trị. Giá cá thịt được nâng lên giúp bù được giá thức ăn tăng cao liên tục thời gian qua. Với tình hình chăn nuôi và nhu cầu tiêu thụ hiện nay, dự kiến giá cá lăng sẽ còn tăng, tôi dự định nuôi thêm chưa xuất bán ngay lượng cá thịt có trong lồng.

Cũng như bác Sỹ, những hộ nuôi cá lồng trên sông Hồng đang nhận được tín hiệu vui từ việc giá cá lăng tăng trong thời gian qua. Hộ anh Trần Quang Huy, thôn Yên Lệnh, xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên) nuôi 70 lồng cá, trong đó có 40 lồng cá lăng. Cách đây hơn 2 tháng khi thị trường du lịch vào vụ, anh Huy đã xuất bán 20 tấn cá với giá 70 nghìn đồng/kg. Đây cũng là mức giá cao so với giai đoạn cả năm trước khi thị trường tiêu thụ trầm lắng. Lượng cá lăng còn lại nuôi trong lồng dự kiến khoảng sang tháng 10 bắt đầu đủ biểu cân xuất bán.

Theo anh Huy, sau thời gian sản xuất gặp khó khăn, việc  giá cá lăng tăng và có thị trường tiêu thụ giúp giải quyết khó khăn về nguồn vốn trong quá trình đầu tư. Giá cá lăng đang tiếp tục tăng, hi vọng duy trì trong thời gian tới. Đây là điều kiện để người nuôi tiếp tục phát triển sản xuất khi chi phí từ thức ăn đến con giống đều đang ở mức cao.

Qua tìm hiểu được biết, cá lăng nuôi lồng bè trên sông Hồng của tỉnh chủ yếu phục vụ nhu cầu các khu du lịch, bãi biển và các nhà hàng ăn uống, khách sạn. Bước vào mùa hè năm nay, khi dịch vụ du lịch trở lại hoạt động bình thường, lượng khách lớn, nhu cầu tiêu thụ cá lăng cũng tăng lên. Do vậy, nguồn cung cá lăng hiện nay không đủ nhu cầu, tại các lồng bè nuôi của tỉnh, lượng cá lăng thịt đủ tiêu chuẩn xuất bán không nhiều. Do vậy, giá cá lăng đang tăng lên rất cao, đạt 120 – 130 nghìn đồng/kg, cao gấp 2,5 lần cùng thời điểm năm ngoái. Với giá bán này, người nuôi cá lăng có lãi tốt dù chi phí đầu vào cũng tăng cao.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá: Giá cá lăng lên cao đang là điều kiện thuận lợi để người nuôi phục hồi và phát triển sản xuất. Ngành nông nghiệp vẫn xác định nuôi cá lồng ngoài sông Hồng với cá lăng đóng vai trò chủ lực, là một trong những hướng đi thúc đẩy sản xuất thủy sản phát triển. Vấn đề chính là người nuôi cần quan tâm phòng chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn cho hệ thống lồng bè trong mùa mưa, bão, lũ.

Được biết, đối với người nuôi cá lăng, mấy năm vừa qua, cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, giá bán sản phẩm giảm sâu. Có thời điểm giá cá lăng xuống còn 40 – 50 nghìn đồng/kg, dưới giá thành sản phẩm. Không những vậy, việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn do những điểm tiêu thụ chính đều ngừng hoặc hạn chế hoạt động phòng chống dịch. Cùng với đó, cá lăng còn bị tác động bởi giá thức ăn lên cao, tăng 30% so với cùng thời điểm năm trước, kể cả khi giá bán sản phẩm đang ở mức thấp… Nhiều hộ nuôi đã giảm số lượng cá trong lồng, ngừng nhập con giống mới.

Giá cá lăng tăng, người nuôi đang tìm hướng quay trở lại đầu tư. Theo ý kiến của nhiều hộ nuôi rất cần có sự hỗ trợ, nhất là nguồn vốn cho sản xuất. Như vậy, việc phục hồi và phát triển mới được thực hiện nhanh, hiệu quả. Qua đó, đưa cá lăng trở lại với thế mạnh vốn có của con nuôi đặc sản, góp phần nâng cao giá trị và tốc độ tăng trưởng chung của ngành thủy sản.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri tại thị xã Duy Tiên

Người đại biểu nhân dân  |  17:30 03/05/2024

Chiều 3/5, đồng chí Phạm Hùng Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại phường Bạch Thượng, thị xã Duy Tiên. Cùng dự có đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, đại diện một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh cùng cấp ủy, chính quyền thị xã Duy Tiên và phường Bạch Thượng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục phiên họp cho ý kiến, cho chủ trương các nội dung theo thẩm quyền

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  14:38 03/05/2024

Sáng 3/5, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tiếp tục phiên họp cho ý kiến, cho chủ trương các nội dung KT-XH và các nội dung khác theo thẩm quyền.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Bình Lục trước Kỳ họp thứ 7

Người đại biểu nhân dân  |  11:15 03/05/2024

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, sáng ngày 3/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức các tổ ĐBQH đi tiếp xúc cử tri tại một số địa phương trong tỉnh. Đồng chí Phạm Hùng Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc với cử tri xã Bồ Đề (huyện Bình Lục). Cùng dự có đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh cùng cấp ủy, chính quyền huyện Bình Lục và xã Bồ Đề.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC