Xã Đinh Xá (TP Phủ Lý) có tuyến bối Đinh Xá dài 4,7 km, bảo vệ cho 50% dân số của xã nằm trong bối. Những năm gần đây, bối Đinh Xá thường xuyên xảy ra các sự cố mất an toàn. Năm 2017, 2018 khi mực nước lũ của sông Đáy, sông Châu lên cao đã làm tràn, vỡ bối ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Hiện nay, bối Đinh Xá đã được đầu tư xây dựng kè kiên cố, tuy nhiên vẫn còn hơn 1 km từ khu vực đình Phạm đến cầu Câu Tử chưa được thi công, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi có bão, lũ xảy ra.
Để bảo đảm an toàn cho đê bối, xã Đinh Xá thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” với đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện và chỉ huy tại chỗ. Đồng thời, xã xây dựng phương án ứng phó các sự cố có thể xảy ra với những tình huống khi mực nước sông Châu lên cao vượt báo động xảy ra khả năng xấp xỉ tràn bối và sạt lở mái đê bối…
Cũng như Đinh Xá, các địa phương khác của thành phố đã chủ động phương án phòng chống thiên tai, bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều trên địa bàn. Như, xã Phù Vân phần lớn diện tích được bảo vệ bởi hệ thống đê sông Đáy và các tuyến bối. Theo đó, trên địa bàn xã có 1,57 km đê sông Đáy và gần 8 km đê bối. Với tuyến đê sông Đáy, hiện nay đã bảo đảm mặt cắt 8 m, cao trình đê +7,4 m đáp ứng yêu cầu phòng chống lũ, bão. Riêng 1 tuyến đê bối thuộc địa bàn Thôn 2 và Thôn 3 đang thi công dự án kè tả Đáy (mới xong giai đoạn 1), phần mặt đê, thân đê bị cắt xẻ, hạ cốt dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, bão, lũ năm nay. Đặc biệt, dọc các tuyến bối của xã có đến 16 cống tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Do vậy, trong công tác phòng, chống thiên tai năm nay, xã Phù Vân đặt ra mục tiêu giữ an toàn cho các tuyến đê khi có bão, lũ xảy ra. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý hiệu quả các tình huống thiên tai khi xuất hiện trên địa bàn. Trong đó, vật tư tại chỗ được xã chuẩn bị đầy đủ về số lượng, như: lượng bao tải, cuốc, xẻng để trong kho của xã; đất, đá dự trữ để ở địa điểm gần tuyến đê, thuận tiện vận chuyển; tre chấm bụi; phương tiện xe ô tô vận chuyển làm hợp đồng với chủ xe ngay từ đầu mùa mưa, bão, lũ…
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Ngân, Phó Chủ tịch UBND xã, trước mùa mưa, bão, lũ, xã kiểm tra và đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều trên địa bàn. Từ đó, xây dựng phương án phòng chống cho từng điểm xung yếu cũng như toàn tuyến. Xã cố gắng giữ an toàn cho các tuyến đê sông lớn và đê bối trong điều kiện lũ trên sông Đáy không vượt quá lũ lịch sử lên đến 4,95 m (năm 2017).
Những năm qua, hệ thống đê điều của TP Phủ Lý đã được nâng cấp, tu bổ giúp bảo đảm năng lực phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, bão, lũ. Cụ thể, đê sông Đáy vẫn còn một số đoạn có ao, hồ sát với chân đê, đã từng có hiện tượng sạt, trượt mái, cơ đê. Hay, nhiều tuyến đê bối mặt cắt còn nhỏ, nền và thân bối bằng đất pha cát, chân bối có ao sâu dễ gây thẩm lậu, sạt trượt khi có lũ cao.
Để chủ động phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, TP Phủ Lý đã triển khai đồng bộ các biện pháp. Đồng thời, xây dựng các phương án chuẩn bị cụ thể từ bảo vệ trọng điểm phòng chống thiên tai với các tình huống có thể xảy ra, bảo đảm an toàn vùng ngập lụt khi chuyển lũ sông Đáy, đến phương án hộ đê toàn tuyến và ứng phó với trường hợp lũ lớn vượt tần suất thiết kế. Trong đó, chú trọng đến thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, giúp xử lý tốt giờ đầu khi có sự cố xảy ra… Được biết, thành phố yêu cầu các xã, phường chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư để huy động ngay giờ đầu khi có sự cố xảy ra.
TP Phủ Lý có hệ thống đê điều lớn, với chiều dài lên đến hơn 80 km, gồm: 15,229 km đê sông Đáy, 35,153 km đê sông con (sông Nhuệ, sông Châu) và 31,318 km đê bối. Bà Mai Thị Hà, Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt quản lý đê TP Phủ Lý cho biết: Công tác bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều trong mùa mưa, bão, lũ luôn được các cấp, ngành của thành phố quan tâm. Vào mùa mưa, bão, lũ, công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý sớm các sự cố tại các công trình đê điều được tăng cường, không để ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ.
Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đang đặt ra nhiều thách thức đối với việc sử dụng nguồn nhân lực sao cho hiệu quả. Từ đây đòi hỏi chính sách sử dụng nhân tài cần được chú trọng trong xây dựng chiến lược phát triển con người.
Cuộc thi "Chữ đẹp Việt" nhằm khuyến khích các em rèn luyện viết chữ đẹp, góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là cuộc thi hoàn toàn miễn phí, tạo sân chơi cho các em học sinh rèn chữ viết, hình thành tính kiên trì, kỷ luật.
Sáng nay, 24/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.