Chị Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, thôn Thanh Nộn 1, xã Thanh Sơn (Kim Bảng) chia sẻ: Từ năm 2021 đến nay, giá phân bón liên tục tăng khiến nông dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nghề nông thu nhập thấp, 3 tháng vất vả gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, được mùa cũng chỉ gọi là lấy công làm lãi. Nay, giá các loại vật tư nông nghiệp tăng, đặc biệt, giá các loại phân bón tăng “chóng mặt”, nông dân làm ruộng giờ không có công, cũng chẳng có lãi, thậm chí phải chịu lỗ nếu năng suất không đạt yêu cầu. Nhà tôi cấy 8 sào ruộng, chủ yếu là Bắc Thơm. Nếu được mùa, mỗi sào Bắc Thơm đạt từ 1,5-1,7 tạ thóc/vụ; giá bán 900 nghìn đồng/tạ, thu được khoảng 1,5 triệu đồng/sào. Trong khi vụ xuân 2022 riêng tiền mua phân bón đã hết hơn 400 nghìn đồng/sào, chưa kể chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật, giá lúa giống, công làm đất, công thu hoạch... đều tăng. Tính ra làm ruộng vất vả suốt mấy tháng trời là không có công. Nhiều nhà lúa xấu, năng suất thấp còn phải chịu lỗ.
Chị Hạnh nhẩm tính: Hiện nay, công phu hồ tôi được trả 350 nghìn đồng/ngày. Như vậy, chỉ cần làm trong ba ngày tôi đã đong được cả tạ lúa Bắc Thơm mà không phải lo lắng về thời tiết, sâu bệnh, mưa bão, mất mùa... Nhưng chúng tôi là nông dân, sinh ra, lớn lên luôn gắn bó với đồng ruộng nên khó khăn thế nào chúng tôi cũng không muốn bỏ ruộng. Chỉ mong Nhà nước sớm bình ổn được giá phân bón và các loại vật tư nông nghiệp; tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp để nông dân yên tâm gắn bó với ruộng đồng.
Những lo lắng và khó khăn chị Hạnh gặp phải hiện cũng là khó khăn, trăn trở chung của nông dân trong tỉnh. Ông Cao Văn Ngữ, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Phong (huyện Thanh Liêm) cho biết: Thời gian gần đây, giá phân bón và các loại vật tư nông nghiệp liên tục có biến động theo chiều hướng tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và thu nhập của người nông dân. Trước năm 2020, giá phân đạm chỉ 9.000 đồng/kg, giá phân NPK 4.200 đồng/kg, kali 9.000 đồng/kg... Năm 2021 giá tăng dần, đến thời điểm vụ xuân 2022, giá phân đạm đã lên tới 18.000 đồng/kg, kali 18.000 đồng/kg… tăng gấp 2 lần; phân NPK 6.400 đồng/kg... Đến thời điểm này, phân đạm đã lên 20.000 đồng/1kg... Giá các loại phân bón liên tục tăng khiến nông dân “điêu đứng” khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực từ trước đến nay lợi nhuận vốn không cao. Ngoài phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 10-15% khiến khó khăn càng thêm chồng chất.
Ông Cao Văn Ngữ cho biết thêm: Vụ xuân năm nay, Thanh Phong có khoảng 20-30% diện tích bị nhiễm lúa cỏ nặng (nông dân còn gọi là lúa ma, lúa lạ-PV), làm giảm năng suất, chất lượng thóc. Bên cạnh khó khăn do giá vật tư nông nghiệp tăng, sự xuất hiện của lúa cỏ khiến nông dân có diện tích bị nhiễm lỗ nặng trong vụ xuân 2022 này.
Mấy chục năm gắn bó với đồng ruộng, với nghề nông, bà Trần Thị Hòa, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Nhân Mỹ (huyện Lý Nhân) cũng không khỏi trăn trở khi giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là giá phân bón gần đây tăng cao. Theo bà Trần Thị Hòa, thu nhập từ nghề nông vốn thấp, bấp bênh, chỉ lấy công làm lãi nay vật tư nông nghiệp, nhất là giá các loại phân bón tăng khiến nhiều nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng. Không chỉ giá vật tư nông nghiệp, giá xăng dầu tăng kéo theo giá làm đất, giá thu hoạch, giá vận chuyển... cũng đều tăng theo khiến thu nhập của người nông dân từ cây lúa đã thấp, nay càng thấp hơn.
Bà Hòa chia sẻ: Nghề nông nhọc nhằn, vất vả; từ khi cây lúa cắm xuống đất tới khi thu hoạch nông dân phải chịu nỗi lo sâu bệnh, mưa bão... nay lại chịu thêm nỗi lo về giá cả vật tư. Thực sự, nông dân đang phải gồng mình, gắng sức vượt khó. Mong sao Nhà nước sớm bình ổn được giá phân bón, giúp nông dân vơi đi phần nào khó khăn, lo lắng.
Được biết, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất cho nông dân, ngày 20/4/2022, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ban hành Quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Quy định nêu rõ nội dung, mức hỗ trợ cho sản xuất trồng trọt an toàn; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và các vùng chuyển đổi đất lúa sang trồng cây có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ phát triển diện tích cấy lúa bằng máy...
Theo đó, nếu diện tích cấy lúa bằng máy tập trung bảo đảm tối thiểu từ 5ha trở lên sẽ được hưởng mức hỗ trợ một lần 30% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hỗ trợ sản xuất hữu cơ, VietGap hoặc tương đương (điều kiện được hỗ trợ: Sản phẩm đăng ký thực hiện áp dụng sản xuất an toàn hữu cơ, VietGap hoặc tương đương) thuộc danh mục sản phẩm được hỗ trợ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; diện tích gieo trồng tập trung bảo đảm tối thiểu 3 ha đối với cây rau, củ, quả, cây dược liệu, 5ha đối với cây ăn quả và 10ha đối với cây lúa; sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ, VietGap hoặc tương đương; có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm hỗ trợ 50% giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thời gian hỗ trợ không quá 3 vụ sản xuất...
Theo kế hoạch, vụ mùa năm 2022 toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 29.410 ha. Trong đó, phấn đấu nâng diện tích lúa cấy bằng máy lên 2.050ha (vụ mùa 2021 diện tích lúa cấy bằng máy là 754,9 ha). Để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ mùa 2022 trong điều kiện giá vật tư nông nghiệp, nhất là giá phân bón tăng cao, ngành nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xác định biện pháp thâm canh đối với vụ mùa 2022 là biện pháp quan trọng nhất, vừa bảo đảm tiết kiệm về chi phí phân bón, cũng là biện pháp phòng, chống sâu bệnh để đạt năng suất, chất lượng tốt nhất.
Cụ thể, do thời gian chuyển vụ năm nay rất ngắn, nên tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân xử lý rơm rạ trên đồng ruộng bằng vôi bột hoặc các chế phẩm sinh học, vừa giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường (do đốt rơm rạ sau thu hoạch); đồng thời hạn chế được lượng phân bón vô cơ, tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ để tăng thêm độ màu mỡ, tơi xốp, cải tạo đất trồng. Đối với các hộ có chăn nuôi, cần tận dụng, xử lý và thực hiện các biện pháp bón phân chuồng đúng kỹ thuật giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng trên diện tích canh tác.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 653/CT-BNN-BVTV ngày 25/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả. Hướng dẫn nông dân quy trình bón phân theo kết quả Đề án quy hoạch lập bản đồ, phân tích chất lượng hóa, lý các vùng đất chuyên trồng lúa nước tỉnh Hà Nam đã được chuyển giao cho các huyện, thị xã, thành phố và từng xã của tỉnh với 36 công thức phân bón đề xuất cho vùng lúa tỉnh Hà Nam. Chỉ đạo cấp xã thực hiện tốt cơ cấu giống, trên một cánh đồng gieo cấy cùng giống hoặc các giống có thời gian sinh trưởng tương đồng để thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa, chăm sóc và phòng chống dịch hại. Gieo cấy bảo đảm đúng mật độ, không gieo sạ dầy... Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ tháo gỡ được một phần khó khăn cho nông dân trong sản xuất khi giá vật tư nông nghiệp, nhất là giá phân bón chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.
Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.