Mở cửa du lịch - Thích ứng an toàn và thay đổi

E-MAGAZINE 23:09 30/03/2022 PV

Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid -19 đã bước sang năm thứ ba với những tác động và ảnh hưởng chưa từng có trong tiền lệ, không chỉ làm thay đổi thế giới và cuộc sống của tất cả mọi người mà còn định hình lại ngành du lịch toàn cầu, trong đó có du lịch Việt Nam. Khi các giải pháp ứng phó với dịch bệnh cơ bản đã bảo đảm an toàn để các hoạt động xã hội và phát triển kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới, ngành du lịch cũng cần được phục hồi. Tuy nhiên, việc mở cửa du lịch như thế nào để vừa đạt các tiêu chí về sản phẩm du lịch hấp dẫn, vừa phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch là vấn đề được ngành du lịch lưu tâm, thận trọng.

So với các địa phương khác, năm 2021, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu sắc tới ngành du lịch, Hà Nam vẫn đón trên 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 67 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 48,3% so với năm 2020. Yếu tố bảo đảm các hoạt động du lịch ở Hà Nam vẫn duy trì nhờ tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, tỷ lệ người tiêm phòng vaccine Covid-19 cao trong top 10  toàn quốc. Bước sang năm 2022, để tận dụng cơ hội cho du lịch phục hồi, phát triển, việc phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nam cần bảo đảm an toàn…

Ngày 28/1/2022, UBND huyện Kim Bảng và Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép Khu Du lịch Tam Chúc mở cửa trở lại đón khách. Các điều kiện bảo đảm an toàn để khu du lịch này có thể mở cửa là tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh từ 18 tuổi trở lên đã tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine Covid-19 đạt trên 95%, mũi 3 là gần 67%. Người trong độ tuổi từ 12-17 tuổi đã tiêm phòng vaccine Covid-19 đủ 2 mũi đạt trên 95%. Mặc dù số F0 có tăng trong cộng đồng, nhưng triệu chứng nhẹ và không biểu hiện triệu chứng, đại đa số cách ly và điều trị tại nhà. Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Tam Chúc trong thời gian đóng cửa phòng, chống dịch đã chỉnh trang, hoàn thiện các hạng mục, công trình, bảo dưỡng các phương tiện phục vụ hoạt động du lịch tại Khu Du lịch Tam Chúc… Đây cũng là thời điểm đầu xuân năm mới, nhu cầu tham quan du lịch, lễ chùa của nhân dân rất lớn, việc mở cửa Khu Du lịch Tam Chúc càng cần thiết, đáp ứng mong mỏi của du khách.

Trên cơ sở đề xuất đó, UBND tỉnh đã có công văn cho phép khu du lịch mở cửa đón khách từ ngày 1/2, tức là ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, trong khoảng thời gian từ 29 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng, Hà Nam đã đón 250.000 lượt khách đến tham quan du lịch. Doanh thu du lịch ước đạt 150 tỷ đồng. Số lượng khách đến tham quan Khu Du lịch Tam Chúc chiếm hơn một nửa tổng số khách đến Hà Nam thời gian này, ước khoảng 130.000 người, doanh thu đạt 80 tỷ đồng. Mặc dù, du khách về Tam Chúc khá đông những ngày đầu xuân vừa để vãng cảnh, vừa để bái Phật, nhưng công tác phòng, chống dịch tại đây được triển khai thực hiện khá nghiêm túc và chặt chẽ. Tất cả mọi người dân đến tham quan đều đeo khẩu trang, thực hiện khai báo y tế theo hai hình thức quét mã QR Code và viết giấy, chủ yếu đã được tiêm phòng đầy đủ 2 mũi vaccine Covid-19 trở lên. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở khu du lịch tiếp tục duy trì nghiêm ngặt với các biện pháp như: Tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh từ cổng Tam quan ngoại vào đến các khu chức năng; bố trí lực lượng nhân viên tiếp đón, y tế, chỉ dẫn, bảo đảm an ninh trật tự… không để xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, gây mất an toàn phòng, chống dịch bệnh cho du khách.

UBND huyện Kim Bảng đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Công ty TNHH Dịch  vụ Du lịch Tam Chúc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng chống dịch bệnh Covid-19 chặt chẽ từng khâu. Ông Phạm Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng cho biết: Lượng khách đến khu du lịch ngay từ ngày mở cửa đón khách khá đông, có ngày lên tới hàng vạn người. Nhưng đây là khu du lịch rộng lớn, có nhiều điểm tham quan, ý thức của người dân về phòng, chống dịch cũng cao hơn, vì thế không có cảnh chen chúc, xô đẩy. Hầu hết người dân đi bằng phương tiện cá nhân, những đoàn ở xa như từ các tỉnh miền Trung, miền Nam ra có thể thuê xe riêng. Họ vào khu du lịch cũng theo từng đoàn, không hòa lẫn nhau để phòng dịch. Đó là tín hiệu rất mừng để du lịch có thể yên tâm phục hồi…

Việc mở cửa Khu Du lịch Tam Chúc đối với Hà Nam là động thái quan trọng đưa du lịch trở lại các hoạt động kinh doanh trong điều kiện bình thường mới. Với tiềm năng, lợi thế du lịch văn hóa tâm linh, Hà Nam mở cửa đón khách ngay từ những ngày đầu xuân  một cách thận trọng đã làm cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành và du khách một sự kỳ vọng lớn lao cho một năm phát triển an toàn. Vì thế, sau khi Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được tổ chức, Lễ Khai xuân chùa Tam Chúc được tiến hành theo nghi thức truyền thống và quy định an toàn về phòng dịch. Tiếp đó, đền Trần Thương vẫn tổ chức phát lương cho nhân dân và du khách thập phương theo thông lệ. Ngoài ra, các khu điểm du lịch khác cũng mở cửa đón khách với một lượng người tham quan không nhỏ. Tính từ 15 tháng 1 đến hết ngày 15 tháng 2, số khách du lịch đến các khu, điểm du lịch của Hà Nam ước đạt 300.000 lượt người, doanh thu du lịch đạt xấp xỉ 200 tỷ đồng.

Trở lại với các hoạt động du lịch thời điểm này, du khách đã có những thay đổi lớn về lựa chọn các sản phẩm du lịch cũng như việc đi du lịch thế nào cho an toàn. Nắm bắt nhu cầu đó, doanh nghiệp du lịch cũng có những thay đổi để thích ứng với tình hình.

Anh Nguyễn Tuấn Phương, Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Hà Nam cho biết: Người dân Hà Nam cũng như các tỉnh khác trong mùa Xuân này nhu cầu đi du lịch tăng. Tuy nhiên, tâm lý của mọi người vẫn e dè dịch bệnh, mong muốn đến những địa điểm an toàn, hưởng thụ các sản phẩm du lịch không đắt đỏ… Nắm bắt điều đó, các doanh nghiệp du lịch hầu hết nhanh chóng chuyển đổi hình thức kinh doanh dịch vụ phù hợp với thực tiễn, hướng  đến các tiêu chí: địa điểm du lịch xanh, sản phẩm xanh, lộ trình xanh, khách hàng xanh (đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 trở lên).

Với hàng trăm lễ hội lớn nhỏ gắn với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp, cho dù không tổ chức lễ hội mùa Xuân này, nhưng Hà Nam vẫn thu hút được một lượng khá lớn khách du lịch. Và, du lịch văn hóa tâm linh được xem như một sản phẩm du lịch “ăn khách” nhất của Hà Nam hiện nay. Tuy nhiên, để bảo đảm các yếu tố “xanh” nhằm hấp dẫn du khách, để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành bắt đầu lộ trình phục hồi, phát triển, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn phải được duy trì quy tắc “5K”. Theo ông Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Du lịch sinh thái Dệt lụa Hồng Tiến Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên: “Doanh nghiệp du lịch cơ bản đã nắm bắt được thị hiếu của du khách hiện nay, họ rất quan tâm đến các địa điểm du lịch xanh, thích đi bằng phương tiện cá nhân để phòng, tránh dịch. Sẽ có những doanh nghiệp kinh doanh vận tải du lịch gặp khó khăn vì chuyện này, nhưng tôi nghĩ họ cũng sẽ thay đổi hoạt động, từ liên kết các dịch vụ sang cung cấp các dịch vụ; hạn chế đến mức tối đa những rủi ro, liên tục cập nhật thông tin về độ an toàn điểm đến…”.

Là một trong những doanh nghiệp kinh doanh du lịch, Hợp tác xã Du lịch sinh thái Dệt lụa Hồng Tiến Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên dù còn non trẻ nhưng cũng đang có những bước đi mới trong hoạt động du lịch để thích ứng an toàn. Ông Nguyễn Hồng Tiến cho biết: “Chúng tôi sẽ đón du khách quốc tế khi Việt Nam mở cửa vào ngày 15/3 tới. Tôi luôn hy vọng, làng nghề du lịch Nha Xá sẽ là lựa chọn an toàn của du khách. Đồng thời, đã sẵn sàng các điều kiện để khi du khách trở lại họ sẽ cảm thấy mình như được hòa nhập vào cuộc sống bình thường, được trải nghiệm những dịch vụ du lịch sinh thái an toàn ở một miền quê thanh bình, cổ kính. Du khách có thể tự nấu ăn tại các gia đình làm nghề dệt lụa, có thể dạo quanh làng xóm chiêm ngưỡng sự đổi thay của làng nghề, có thể tham gia vào các công đoạn dệt lụa của các hộ dân…”.

 Hy vọng này có căn cứ, vì trước khi chưa có dịch bệnh Covid-19, mỗi ngày làng nghề đón hàng chục đoàn khách đến từ nhiều nơi, trong đó có cả khách du lịch quốc tế.

Đây là điều ông Hoàng Minh Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nam nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Hà Nam  xung quanh vấn đề mở cửa du lịch, ngành du lịch cần làm gì để thích ứng an toàn và thay đổi.

P.V: Chính phủ đã đồng ý mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành đều rất phấn khởi. Theo ông, Hà Nam đã đủ điều kiện để mở cửa, đón khách du lịch một cách an toàn không?

Ông Hoàng Minh Tân: Kể từ khi Chính phủ thống nhất quan điểm  chuyển trạng thái từ mục tiêu "không có Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để thực hiện vừa phòng dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nam đã có trên 95% người dân trong độ tuổi tiêm  vaccine phòng Covid-19 đủ 2 mũi trở lên là yếu tố bảo đảm để du lịch mở cửa an toàn. Ngành du lịch cần chấp nhận các hình thức kinh doanh cùng tồn tại chung với dịch bệnh Covid-19.

Hai năm qua, những ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm cho ngành du lịch điêu đứng, không ít người làm trong lĩnh vực này phải chuyển đổi nghề nghiệp, hoặc thất nghiệp. Việc mở cửa du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt sẽ giúp ngành du lịch phục hồi và phát triển như các lĩnh vực khác.

P.V: Nhưng thời điểm này, các ca F0 trong cộng đồng tăng nhanh, dù triệu chứng nhẹ, diễn biến bệnh không quá phức tạp. Ngành du lịch có vượt qua khó khăn này không khi mà tâm lý người đi du lịch chưa thực sự an tâm?

Ông Hoàng Minh Tân: Thời gian qua, doanh nghiệp du lịch cũng như du khách đã như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, giờ được buông tay, bật dậy đúng với tính chất đàn hồi của nó, thể hiện rất rõ khát khao và chờ đợi. Mở cửa du lịch thời điểm dịch còn phức tạp thế này chẳng có gì là không thể. Nhưng mở cửa du lịch không có nghĩa là phát triển du lịch một cách ồ ạt, nó phải bảo đảm phát triển bền vững, không để người dân và doanh nghiệp phải đối mặt với dịch bệnh một cách phức tạp.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Hà Nam đã có kế hoạch đưa các hoạt động du lịch khởi động và phát triển theo khẩu hiệu “từ xanh đến xanh”. Các công ty du lịch phải bảo đảm đáp ứng các chuỗi xanh trong hoạt động du lịch. Du khách an toàn, điểm đến an toàn, quy trình tổ chức thực hiện an toàn thì chúng ta yên tâm sẽ tổ chức tốt các tour du lịch an toàn. Điều rất quan trọng để du khách yên tâm, các doanh nghiệp phải làm tốt nhất công tác truyền thông về dịch. Dịch tuy rất nguy hiểm nhưng nếu biết cách phòng, tránh, nhận thức tốt về dịch bệnh thì chúng ta hoàn toàn kiểm soát được nó. Quan trọng là chúng ta phải xác định chưa biết đến khi nào dịch mới kết thúc, và càng không thể ngồi một chỗ để chờ hết dịch. Doanh nghiệp phải xây dựng được những sản phẩm du lịch an toàn…

P.V: Điều ông hy vọng nhất khi mở cửa du lịch là gì?

Ông Hoàng Minh Tân: Tôi hy vọng chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 để du lịch phục hồi và phát triển bền vững. Thực tế, Hà Nam đã thực hiện bao phủ vaccine Covid-19 cho người dân trong độ tuổi tiêm phòng với một tỷ lệ cao gần 100%, tạo nên một lá chắn vững vàng trong công cuộc phòng, chống dịch hiện nay, củng cố lộ trình phát triển kinh tế - xã hội một cách an toàn. Tôi hy vọng, Hà Nam sẽ phát triển du lịch nội địa mạnh mẽ. Các doanh nghiệp du lịch đang khai thác các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái trên địa bàn rất tốt, phù hợp với tình hình nên dù dịch bệnh như thế, năm 2021, có doanh nghiệp vẫn phục vụ trên 20.000 lượt du khách, vẫn bảo đảm “sức khỏe” để hoạt động đến giờ. Du lịch nội địa phát triển là cách bảo đảm an toàn và thích ứng linh hoạt với tình hình hiện nay. Nhìn vào lượng khách đến Hà Nam từ đầu năm đến nay cho thấy, chúng ta hoàn toàn có căn cứ để tin du lịch nội địa rất quan trọng, đáng quan tâm lúc này…

P.V: Xin cảm ơn ông!

Du khách đến các khu điểm du lịch của Hà Nam phải khai báo y tế nghiêm túc, thực hiện đúng quy định “5K” của Bộ Y tế. 
Khu vực nhà trưng bày sản phẩm của làng nghề Dệt lụa Nha Xá và Hợp tác xã Du lịch sinh thái Dệt lụa Hồng Tiến Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên. 

Ông Tạ Hồng Kỳ, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở VH –TT &DL: Là một ngành kinh tế tổng hợp, sự đóng góp của du lịch đối với nền kinh tế nói chung thực sự quan trọng, nó không chỉ tăng trưởng về mặt giá trị kinh tế mà còn mang giá trị tinh thần. Hai năm đại dịch càn quét, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng khi được phục hồi đã mang đến không khí đời sống thực sự lạc quan cho tất cả mọi người. Ai cũng mong muốn được đi du lịch, được trút bỏ những bộn bề, nhọc nhằn của cuộc sống để giải tỏa tâm trí, tạo một nguồn năng lượng mới, vui vẻ hơn, khí thế hơn khi quay trở lại làm việc, đóng góp cho các lĩnh vực sản xuất khác.

Du lịch Hà Nam được xác định là ngành kinh tế quan trọng, nhiều năm qua, du lịch phát triển đã làm thay đổi diện mạo nhiều vùng quê. Thí dụ, Tam Chúc nổi tiếng trong và ngoài nước, hấp dẫn hàng triệu du khách mỗi năm. Khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nơi đây đóng cửa, nỗi niềm mong chờ của người dân trở lại khu du lịch này bị dồn nén. Mở cửa lúc này mang đến cho du lịch Hà Nam sự phục hồi quan trọng, để các khu, điểm du lịch cũng như các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này có điều kiện trở lại guồng quay, quỹ đạo bình thường. Hà Nam đã bao phủ vaccine phòng Covid-19 với tỷ lệ cao, người dân đã cơ bản thích ứng an toàn với dịch bệnh, vì thế việc mở cửa để du lịch hoạt động trở lại lúc này rất cần thiết.

Đền Trần Thương (Lý Nhân) là địa điểm du lịch tâm linh được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan và chiêm bái đầu xuân mới. Ảnh: Thế Trang

Ông Nguyễn Tiến Quảng, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên: Du lịch làng nghề, du lịch sinh thái đang là một trong những lựa chọn của du khách hiện nay, bởi nó thực sự an toàn. Hai năm qua, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, làng nghề cùng với HTX Du lịch sinh thái Dệt lụa Hồng Tiến Nha Xá gặp nhiều khó khăn. Nhưng chúng tôi đã tận dụng thời gian này làm tốt công tác chuẩn bị để làng nghề vừa phát triển sản xuất, vừa bảo đảm các điều kiện an toàn đón khách khi du lịch mở cửa. Chúng tôi thực sự rất hy vọng vào chủ trương mở cửa du lịch của Chính phủ, bởi trong kế hoạch phát triển những làng nghề như Dệt lụa Nha Xá, hoạt động du lịch sẽ là động lực quan trọng để làng nghề vươn xa hơn, phát triển bền vững hơn, xanh hơn.

Thị trường của lụa Nha Xá vốn dĩ rất rộng, nhưng xu thế phát triển sản phẩm này luôn đồng hành với các hoạt động du lịch. Đóng cửa du lịch vì dịch bệnh Covid-19 thời gian qua làm cho làng nghề không có cơ hội đón tiếp những khách hàng quốc tế. Tuy nhiên, giờ mở cửa, du khách trở lại đây sẽ thấy ngỡ ngàng vì sự thay da đổi thịt của làng nghề, từ hệ thống giao thông đến các điều kiện phục vụ, dịch vụ. HTX Du lịch sinh thái Dệt lụa Hồng Tiến Nha Xá có kế hoạch phát triển du lịch sinh thái với tiêu chí “xanh toàn phần”. Đồng thời, mở rộng liên kết với các địa phương, doanh nghiệp khác để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo sự hấp dẫn; đặc biệt chú trọng liên kết du lịch sinh thái và du lịch tâm linh, tạo các giá trị văn hóa cho sản phẩm du lịch, hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, để làm được điều này, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn kết nối các doanh nghiệp với nhau cùng xây dựng chuỗi dịch vụ chất lượng, an toàn.

Thực hiện nội dung: Chu Uyên

Thiết kế: Trương Dũng

TIN MỚI CẬP NHẬT

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni

Chính trị  |  18:24 23/11/2024

Chiều 23/11, tại Hoàng cung Campuchia ở Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.

Cần cơ chế huy động tối đa nguồn vốn hiệu quả để phát triển đất nước

Người đại biểu nhân dân  |  14:54 23/11/2024

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là đất nước vẫn còn thiếu vốn cho phát triển. Vì vậy, cần có một cơ chế chính sách hợp lý để huy động tối đa nguồn vốn từ nhiều nguồn lực khác nhau để thúc đẩy phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khai trương đường bay Hà Nội – Kuala Lumpur

Chính trị  |  12:33 23/11/2024

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 23/11, ngay sau khi thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur của Vietjet nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam – Malaysia, cũng như toàn Đông Nam Á.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC