Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thực hiện chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu kép, vừa phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp (DN) công nghệ số, thời gian qua các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực.
Cùng với ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện, tỉnh đã đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát triển hạ tầng, nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Hạ tầng viễn thông phát triển, bảo đảm sử dụng hiệu quả việc triển khai các giải pháp về công nghệ thông tin (CNTT) và thông tin liên lạc của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Hạ tầng băng rộng cáp quang, kết nối Internet phủ đến 100% xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị. Mạng truyền số liệu chuyên dùng các cơ quan Đảng, Nhà nước được kết nối, sử dụng từ tỉnh đến cơ sở; 4/6 huyện, thị xã, thành phố trang bị phòng họp trực tuyến kết nối với 78 điểm cầu cấp xã. Một số sở, ngành có phòng họp trực tuyến kết nối với các bộ, ngành Trung ương, mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Tỉnh cũng đã triển khai thí điểm hệ thống phòng họp không giấy tờ tại UBND tỉnh, UBND cấp huyện; hoàn thành chuẩn hóa, tích hợp một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 từ Cổng Dịch vụ công quốc gia về Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Năm 2021, 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4 được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng lộ trình, mục tiêu của Chính phủ.
UBND tỉnh cũng đã triển khai một số nhiệm vụ khoa học, công nghệ, sử dụng công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như: “Ứng dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) thiết kế, chế tạo hệ thống điều khiển thông minh và giám sát tập trung đèn chiếu sáng công cộng tại một tuyến đường trên địa bàn thành phố Phủ Lý”, “Ứng dụng công nghệ xử lý ảnh và truyền thông không dây thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát, điều khiển thông minh đèn tín hiệu cho một khu vực giao thông điển hình của thành phố Phủ Lý”, ứng dụng giải pháp công nghệ Internet kết nối vạn vật trong chiếu sáng đô thị thông minh, công nghệ xử lý ảnh và truyền thông không dây trong điều khiển, giám sát thông minh đèn tín hiệu nút giao thông, góp phần tiết kiệm năng lượng và bảo đảm an toàn giao thông, hướng tới xây dựng thành phố Phủ Lý trở thành đô thị thông minh, phát triển bền vững.
Năm 2020, Trung tâm điều hành thông minh tỉnh khai trương đi vào hoạt động, đóng vai trò vừa hỗ trợ công tác giám sát, điều hành thông qua các chỉ số ở nhiều lĩnh vực, vừa tham gia kết nối hình thành hệ thống thông minh báo cáo quốc gia. Đây là bước đi quan trọng trong đẩy nhanh hiệu quả chuyển đổi số của chính quyền và các lĩnh vực đời sống, giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cấp, ngành, lĩnh vực trên phạm vi toàn tỉnh; đồng thời là nơi phân tích dữ liệu, đưa ra lời cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định chính xác, minh bạch ở nhiều lĩnh vực.
Sau gần 1 năm vận hành, bước đầu Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố Phủ Lý đã giúp hoạt động quản lý điều hành thông suốt từ thành phố đến cơ sở; tạo ra kênh thông tin kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, chính quyền và người dân, DN; nắm bắt, giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của người dân, DN. Ông Phạm Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý cho biết: Việc đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành đô thị thông minh là điểm nhấn quan trọng trong xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số, cũng là quyết tâm cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới phương thức quản lý, điều hành theo hướng hiện đại. Từ hình ảnh hệ thống camera giám sát truyền về trung tâm đã giúp cho thành phố kiểm soát có hiệu quả tình hình an ninh trật tự (ANTT), trật tự an toàn giao thông, giúp lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trên 300 trường hợp vi phạm.
Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm hàng hóa, năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai chuyển đổi số trên một số lĩnh vực trọng điểm, trước hết là trong truy xuất nguồn gốc, xác thực nguồn gốc sản phẩm, chống hàng giả, minh bạch thông tin về sản phẩm trong chuỗi cung ứng. Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay đã có 40 cơ sở (với 360 sản phẩm) được hỗ trợ tham gia hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc ứng dụng sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả”.
Ông Trương Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc đối với nông sản cho phép các đơn vị cập nhật nhật ký điện tử, liên kết thông tin trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Từ đó, giúp người tiêu dùng nhận biết rõ nguồn gốc, chất lượng, độ an toàn của sản phẩm qua sử dụng thiết bị di động quét mã số. Điều này không chỉ minh bạch thông tin quá trình sản xuất, mang lại niềm tin cho khách hàng mà còn là cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm cho nhà sản xuất. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm, số hóa việc truy xuất nguồn gốc sẽ tạo cơ hội cho việc chủ động quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, giảm bớt gánh nặng cho nông dân.
Kết quả nổi bật trong chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thời gian qua phải kể đến là phát triển chính quyền số. UBND tỉnh đã ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0, làm kiến trúc nền tảng trong xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới nền hành chính minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy phát triển KT-XH, thu hút đầu tư, phục vụ người dân, DN. 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện trở lên, nhiều đơn vị cấp xã đã sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử. Việc triển khai chữ ký số trong hoạt động trao đổi thông tin giữa các cơ quan hành chính nhà nước đã đem lại kết quả tích cực, góp phần hiện đại hóa nền hành chính công.
Trong lĩnh vực kinh tế số cũng có bước phát triển tích cực. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh; thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong DN, cộng đồng. Một số DN sử dụng phần mềm xác lập quy trình sản xuất, quản lý khách hàng, nguyên liệu, quản lý tài chính kế toán và ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử... Hạ tầng băng rộng cáp quang phát triển rộng khắp, cung cấp đường truyền Internet đến thôn, xóm; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. 100% cơ sở y tế sử dụng hệ thống khám chữa bệnh VNPT HIS trong quản lý khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế, giúp tối ưu quy trình khám chữa bệnh, nâng cao công tác quản trị bệnh viện, tăng độ chính xác trong thanh quyết toán bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tổ Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia triển khai 3 nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc gồm: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QRcode; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến; Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Cùng với đó, xây dựng website (https://covid.hanam.gov.vn); trang bị hệ thống camera giám sát tại 4 cơ sở cách ly tập trung; triển khai các giải pháp công nghệ hỗ trợ cơ sở y tế cập nhật dữ liệu tiêm chủng, cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc của người dân về công tác phòng, chống dịch... Đến nay, tỷ lệ người dân trên 18 tuổi cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử đạt 15,6%, tỷ lệ người dân cài đặt ứng dụng PC-Covid đạt 22,69%, Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến đang được triển khai và mang lại hiệu quả tích cực.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn một số đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh chưa chú trọng thực hiện chuyển đổi số. Nhận thức, sự quyết tâm thực hiện của người đứng đầu đơn vị, DN về chính quyền điện tử, chuyển đổi số chưa đồng đều. Trước xu thế tất yếu của việc chuyển đổi số rất cần sự kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới về cơ chế, chính sách và tư duy, nhận thức của con người phải song song với việc phát triển đồng bộ hạ tầng, công nghệ tiên tiến và ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực./.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa ký ban hành văn bản 133/KH-BCĐ389 ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân dân ta vừa tự chế tạo vũ khí, trang bị (VKTB), vừa được tiếp nhận viện trợ rất lớn VKTB hiện đại của Liên Xô, Trung Quốc và thu được vũ khí chiến lợi phẩm của địch. VKTB hiện đại nhập ngoại và thu của địch vốn được chế tạo để sử dụng cho những đội quân khác, trên chiến trường khác, đối phó với đối phương khác. Vì thế, việc khai thác, sử dụng số VKTB này để tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Quân đội ta và trở thành một lĩnh vực công nghệ có ý nghĩa chiến lược lâu dài.
Điều trị, chăm sóc cho người bệnh vốn đã là công việc khó khăn, vất vả nhưng với các y, bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh, công việc đó dường như còn khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Song với tình yêu nghề, tấm lòng của người thầy thuốc, đội ngũ các y, bác sĩ, điều dưỡng ở đây vẫn hằng ngày nỗ lực điều trị, xoa dịu tổn thương cho người bệnh tâm thần.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.