Phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đền Trần Thương

Di sản 06:24 09/10/2021 Chu Bình
Đền Trần Thương (Xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân) là một trong 3 di tích tiêu biểu trong cả nước thờ Đức Thánh Trần và là một trong những di tích mang cả hai giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của Hà Nam. Năm 2015, đền được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và năm 2016, Lễ hội đền Trần Thương được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong những năm qua, tỉnh Hà Nam, huyện Lý Nhân và nhân dân Xã Trần Hưng Đạo đã làm khá tốt công tác phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thông qua lễ hội truyền thống đền Trần Thương vào tháng 8 âm lịch và Lễ Phát lương Đức Thánh Trần vào đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng hằng năm. Hai lễ hội mang đậm hoạt động tín ngưỡng linh thiêng được nhiều người biết đến và đón nhận. Đặc biệt là Lễ Phát lương Đức Thánh Trần hằng năm đã có hàng vạn nhân dân và du khách thập phương đến làm lễ xin lương cầu mong sự may mắn và làm ăn phát đạt trong năm mới.

Đền Trần Thương, Xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân). Ảnh: T.S

Tính đến thời điểm hiện nay, miền Bắc có 6 đền thờ Anh hùng Trần Hưng Đạo và nhà Trần có nghi thức khai ấn, phát ấn vào đầu năm hoặc vào lễ hội “giỗ cha” tháng 8 hằng năm. Đó là đền thờ gia quyến Trần Hưng Đạo ở Kiếp Bạc (Hải Dương), đền Trần (Nam Định), đền Trần (Thái Bình), đền Trần Thương (Hà Nam), đền Trần (Thanh Hóa) và đền Kiếp Bạc bên bờ sông Lô (Tuyên Quang). Trong đó, đền Trần Thương của Hà Nam có nhiều điểm khác biệt với các ngôi đền Trần khác, bởi đây là địa điểm được Trần Hưng Đạo chọn để đặt 6 kho lương phục vụ cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược. Vị trí của đền Trần Thương thuận tiện chi viện cho tổng kho ở kinh thành Thăng Long và có thể tiếp ứng quân lương cho các đạo quân ở Nam Thành (Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An). Đồng thời, đây cũng là nơi rất hiểm yếu khi có 6 dòng chảy ra các cửa Long Xuyên, Xuân Khê, sông Châu, Tuần Vường, sông Hồng ra Phố Hiến rồi về Thăng Long. Sau khi chiến thắng trở về, ngài đã cắm sinh phần, lấy đây làm dân tạo lệ và từ đó xuất hiện thôn Trần Thương. Đền thờ Trần Hưng Đạo và các thuộc tướng của ông nơi đây cũng lấy tên làng làm tên đền và cũng là để ghi nhớ dấu ấn địa điểm đặt kho lương (chữ “thương” có nghĩa là kho, Trần Thương là kho lương của nhà Trần).

Điều khác biệt thứ hai ở đền Trần Thương là vào tháng Giêng hằng năm không có lễ khai ấn mà là Lễ Phát lương đền Trần Thương. Trong Lễ Phát lương có nghi lễ rước kiệu nhằm tái hiện lại việc các binh sĩ nhà Trần vận chuyển lương thảo từ các vùng về tập kết tại kho lương Trần Thương. Và nghi lễ tái hiện lịch sử “phát quân lương” khao quân của quân đội nhà Trần khi đánh thắng giặc trở về. Các nghi thức đều diễn ra nghiêm túc mang đậm dấu ấn tâm linh với túi lương là các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Ấn ở đây chỉ là một tấm lụa đóng dấu ấn tín của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đặt cùng trong túi lương. Vì vậy, Lễ Phát lương đền Trần Thương phù hợp với ước vọng về một năm mới có cuộc sống no đủ, mùa màng bội thu của người dân. Lễ Phát lương đền Trần Thương dựa trên những dữ kiện lịch sử và điển tích có thể nói là một sáng tạo văn hóa khác biệt của Hà Nam đã làm tăng thêm giá trị văn hóa phi vật thể gắn với di tích đền Trần Thương.

Ngoài yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, để phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đền Trần Thương, một yếu tố không kém phần quan trọng đó chính là yếu tố nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng nhân cách thông qua nhân vật thờ. Ở đền Trần Thương đó chính là nhân cách, đạo đức và công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Anh hùng dân tộc, Danh nhân quân sự Trần Quốc Tuấn.

Trần Hưng Đạo là một trong 9 quan thần nổi tiếng triều đại nhà Trần cùng với Trần Thủ Độ, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão. Đồng thời, ông còn được vinh danh là một trong 14 danh tướng kiệt xuất của Việt Nam. Nói đến Trần Quốc Tuấn là nói đến một người chỉ huy có tài thao lược, trí dũng song toàn. Công lao lớn nhất của ông là ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông hung bạo, trong đó có 2 lần ông được cử làm Quốc công Tiết chế, thống lĩnh toàn bộ quân đội Đại Việt. Năm 1285, quân Nguyên Mông ồ ạt tiến quân vào nước ta. Trước tình hình đó, vua Trần Thánh Tông triệu Trần Hưng Đạo đến và nói: “Kẻ thù rất mạnh, ta e rằng chiến tranh kéo dài sẽ làm đất nước tổn hại. Hay là ta đầu hàng cứu dân”. Trần Hưng Đạo đáp: “Bệ hạ chém đầu thần rồi hãy hàng”. Trong trận này Trần Hưng Đạo đã trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công vào đồn trại của quân giặc với những chiến thắng lẫy lừng.

Vừa có lòng trung hiếu, trí dũng song toàn, Trần Hưng Đạo còn có chủ trương chính trị tiến bộ của Triều Trần, đó là “Khoan thư sức dân là kế sâu rễ bền gốc”. Đặc biệt, ông còn đặt quyền lợi của đất nước lên trên hết, thấu hiểu non sông xã tắc chỉ vững bền khi  “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà góp sức” nên chính ông đã bỏ mối thù riêng của cha để hết lòng phụng sự đất nước. Đồng thời tạo nên sự đoàn kết – sức mạnh của vương triều Trần cũng là của toàn dân tộc. Do có công lao to lớn, nhà vua đã trao cho Hưng Đạo Vương vị trí tối cao và đặc cách cho ông quyền phong tước hiệu cho bất kỳ ai mà ông muốn. Nhưng trong suốt cuộc đời, ông không hề sử dụng đặc quyền này. 

Sử thần Phan Huy Chú sau này đã viết: “Danh tướng nhà Trần như Trần Hưng Đạo không mấy đời có, kiêm cả văn võ, thừa trí dũng, dựng nên công lao sự nghiệp kỳ vĩ mà giữ vững trung nghĩa cùng một hàng với Quách Tử Nghi. Ông không những là anh hùng của một thời đại mà cho đến các bậc tướng thần cổ kim cũng ít ai bì kịp”. Chính vì vậy mà ông hiển Thánh và được nhân dân tôn thành Đức Thánh Trần – Đức Thánh Cha và tạo nên một dòng tín ngưỡng dân gian riêng biệt. Di tích quốc gia đền Trần Thương của Hà Nam đã và đang góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy nét văn hóa riêng biệt đó.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Đổi mới tổ chức bộ máy nhưng không gián đoạn công việc, phải có sự nối tiếp, liên tục

Chính trị  |  05:33 26/11/2024

Chiều tối 25/11, tại Nhà Quốc hội, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (Ban Chỉ đạo), chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Nỗ lực cải thiện Chỉ số Chi phí thời gian

Cải cách hành chính  |  05:27 26/11/2024

Chi phí thời gian là một trong 10 chỉ số thành phần của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2023, Chỉ số Chi phí thời gian của Hà Nam đạt 7,83 điểm, xếp vị trí thứ 26 tỉnh, thành phố trên cả nước. Với nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện các giải pháp, Chỉ số Chi phí thời gian năm 2024 của tỉnh sẽ tiếp tục tăng điểm số và thứ hạng so với năm 2023.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước

Chính trị  |  21:11 25/11/2024

Chiều 25/11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi chuyên đề: Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đây là chuyên đề đặc biệt quan trọng để chuẩn bị cho việc xây dựng, hoàn thiện văn kiện đại hội đảng bộ các ngành, các cấp, các địa phương, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng và định hướng xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC