Phố Hàng Chuối là tên mới được đặt sau này. Trước đó người dân thường gọi con phố này là Ngõ Chuối và bây giờ hầu hết vẫn gọi như vậy. Phố Hàng Chuối là một ngõ phố thuộc Phường Lương Khánh Thiện, một đầu nối với Đường Lê Lợi, một đầu nối với Đường Biên Hòa. Ở đầu giáp với Đường Lê Lợi, ngay bên kia ngõ phố là chợ Bầu. Có lẽ vì gần chợ mà con phố này mang tính năng “phố chợ”.
Sau khi tái lập tỉnh, tôi về Phủ Lý sinh sống và công tác đã thấy con phố này luôn đông đúc bởi là địa điểm người dân các vùng ngoại thành ngày ấy như Phù Vân, Lam Hạ, Liêm Chính, Thanh Châu,… mang các thứ nông sản của nhà lên bán. Nào cua, ốc, rau, hoa quả vườn nhà, mùa nào thức nấy trong đó nhiều nhất là chuối. Chuối tây, chuối tiêu, nải chín vàng, nải lác đác chín được bày bán nhiều bên ngõ. Có lẽ chính vì thế ngõ phố này mới được người dân gọi là Ngõ Chuối.
Cần mua thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày, người dân Phủ Lý không phải rẽ vào chợ Bầu vốn đông đúc mà chỉ cần chạy xe chầm chậm vào ngõ phố, vừa chạy xe vừa ngắm, ưng gì thì dừng lại. Mẻ tôm, mớ tép, mớ cá nhỏ, rau, hay dăm quả ổi chín vàng, vài quả na, nải chuối, vừa rẻ vừa chuẩn hàng ngon từ đồng, từ vườn nhà. Các bà, các bác gái hoặc đặt hàng vào đôi quang gánh gánh từ nhà ở ngoại thành sang, có khi chỉ cắp chiếc rổ ngang hông, một số người cho lên chậu thau nhôm chằng sau xe đạp. Đến nơi cứ thế đặt xuống mà bán. Người quê, hàng quê nên nhìn rất mộc mạc chân chất, đậm hương đồng gió nội. Vì thế hình ảnh Ngõ Chuối ngày ấy giống như một góc chợ quê thu nhỏ giữa lòng thị xã.
Phủ Lý ngày một phát triển, vẫn có bà con từ các vùng ngoại thành mang hoa quả vườn nhà vào bán ở Phố Hàng Chuối, nhưng ít hơn. Trong khi đó nhiều gia đình bên ngõ mở cửa hàng bán những mặt hàng cũng rất dân dã. Đầu ngõ phía giáp với Đường Lê Lợi vẫn là hàng chiếu, hàng mành. Tiếp đến là các hàng thuốc lào, lá khô dùng để hãm nước uống. Rồi hàng chè tươi, dừa tươi, thạch, các loại hạt rang. Ngay đó là gia đình làm bánh mì, sớm chiều tấp nập người đến lấy hàng. Chếch xuống phía dưới là hàng làm đậu phụ. Mấy miếng đậu phụ bọc trong khăn để phía trước bậc cửa để giới thiệu cho khách biết là nhà đang có đậu bán. Ngay cửa nhà là các dụng cụ làm đậu, ép đậu, người chủ tay thoăn thoắt, mải mê với công việc làm ra những thanh đậu phụ nóng hổi, tận mắt khách nhìn thấy. Rồi hàng nước mắm Nha Trang với những can nước mắm xếp tầng lớp trong nhà. Ai mua chai đóng sẵn của hãng cũng có, ai mua rời bên ngoài với nhiều loại, mức giá khác nhau đều hoan nghênh. Hàng bán gà, làm thịt tại chỗ, làm thịt thuê, ai mua, chỉ cần đợi chút, một loáng là có gà ngon đã làm sạch sẽ. Bên cạnh một số hàng thịt lợn bán vào buổi sáng, đoạn giữa ngõ là dăm hàng bán thịt chó sống làm sẵn, chỉ nghỉ hàng vào mấy hôm đầu tháng. Khách mua chỉ cần ghé xe, nói số tiền, món nấu, thế là tiếng chặt bôm bốp vang lên, tay cô bán hàng thoăn thoắt, một loáng người mua đã được trao tận tay túi thịt chó chặt sẵn với đủ rau thơm, mắm tôm, giềng,… về chỉ cho vào nồi trộn đều, đun chín thơm lừng…
Xuôi về phía Đường Biên Hòa có một vài hộ bên ngõ mở bán hàng khô, thêm chõ đỗ giá sạch tự ủ. Hàng ít, khách không nhiều, chủ nhà cũng kinh doanh cho vui là chính, những lúc rỗi khách ngồi chuyện trò, nhổ tóc bạc, tóc sâu cho nhau, nhìn thật bình yên.
Về hàng ăn vặt, Phố Hàng Chuối có một hàng chuyên bán trứng chim cút, trứng vịt lộn, chim cút rán, khoai nướng, khá lâu đời và nổi tiếng. Chủ cửa hàng chừng ngoài 40 tuổi và rất khéo tay, lại nhanh. Người đau đầu, mỏi mình hay vào đây ăn trứng lộn nấu ngải cứu. Đám trẻ vào ăn trứng cút luộc, chim cút rán, khoai nướng,… Nhiều người mua về nhà.
Phố Hàng Chuối trước đây còn có hàng gạo Yến Canh. Quan điểm làm ăn lấy sự tin tưởng của khách hàng làm gốc ở Phố Hàng Chuối có lẽ là nền tảng làm nên thành công của hàng gạo này. Với cách làm ăn bảo đảm tin tưởng của khách hàng, cô chủ hàng thoải mái, hàng gạo ngày càng đông và chuyển địa điểm ra Đường Trường Chinh. Bây giờ đây có lẽ là hàng gạo lớn nhất ở Phủ Lý cũng như của tỉnh.
Phố Hàng Chuối cũng là phố sửa quần áo với dăm ba hàng chuyên làm về mảng việc này. Mấy cô, chú trên dưới 50 tuổi trước đây làm nghề may giờ chuyên nhận sửa mà làm không hết việc. Ông cụ trên 90 tuổi, ít khách nhưng vẫn duy trì cửa hàng, làm cho vui để đỡ nhớ nghề xưa, cũng là luyện mắt, luyện tay. Phía đầu ngõ phố giáp đường Biên Hòa không có hộ dân ở hai bên có hàng chuyên bán mũ khá lâu năm. Sáng mang hàng đến, chiều dọn hàng về, khá vất vả nhưng chị bán mũ rất hiếm khi nghỉ. Từ khi bắt buộc đội mũ bảo hiểm, hàng mũ lao đao, nhưng chị vẫn duy trì hàng, chuyển dần sang mũ thời trang, khăn len, mũ len. Bây giờ địa điểm này thêm hàng đồ nướng vào buổi chiều tối, khá đông khách trẻ.
Ngõ Chuối xưa-Phố Hàng Chuối nay, vẫn các mặt hàng bình dân với hàng quán, người bán tạo cho người mua sự tin tưởng, chất lượng, giá cả phải chăng. Có khác chăng là việc kinh doanh rõ nét hơn, chuyên hơn, và nền nếp. Khách cứ đi xe vào ngõ, dừng trước hàng mình muốn mua rồi gọi ới vào: Cho cháu (em, chị) chục la hán, 3 lạng nụ vối,… Hay với hàng chuyên bán một thứ thì chỉ cần nói số lượng, hay số tiền. Ví dụ: Cho 5 khăn (đậu), 5 nghìn (chè tươi),…, rồi đứng chờ, lấy điện thoại ra lướt. Người bán lấy hàng, treo ra xe. Người bán, người mua trò chuyện qua lại vui vẻ vì hầu hết là khách quen.
Phố Hàng Chuối không quá chen chúc, nhưng chưa bao giờ hết đông. Không khí cứ luôn rì rầm đều đều, ồn ào vừa phải tiếng mua bán, chuyện trò, đông đúc nhưng bình yên. Trong cái không gian rì rầm mua bán bình yên ấy thấy rõ những nét xưa cũ của Phủ Lý. Ấy là cuộc sống thường ngày, là sự cần mẫn làm ăn, là sự tin tưởng tạo cho người mua cảm giác yên tâm.
Phủ Lý phát triển với nhiều đường phố to rộng, những khu đô thị mới, siêu thị,… Nhưng đôi khi tôi vẫn chạy xe vào Ngõ Chuối. Giữa những ồn ào vừa độ, tôi thấy sự bình yên, thấy cuộc sống ngày thường của Phủ Lý phong phú và rì rầm trong ngõ phố. Tôi thấy chính quyền sở tại đã đúng khi tạo điều kiện cho bà con duy trì kinh doanh bên ngõ phố, dù có lấn đôi chút ra lối đi, nhưng luôn quy củ, sạch sẽ. Chỉ có điều là, sao khi đặt tên không giữ nguyên tên Ngõ Chuối như người dân thường gọi từ lâu, vừa nhắc nhớ lịch sử trước đây khi hình thành tên ngõ phố, cũng là nét văn hóa đặc trưng của vùng đất phố thị nhỏ bé trước đây giữa những vùng nông thôn rộng lớn bao quanh, lại mang nét cổ kính xưa cũ cho ngõ phố cũng như Phủ Lý, và không trùng với tên địa danh ở nơi khác. Ngõ Chuối-từ Ngõ ở đây đã trở thành tên riêng, chứ không còn là từ chỉ một lối đi.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.
Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.