Lễ hội đền Trúc

Lễ hội 06:16 02/03/2020 Phạm Hiền
Chúng tôi đến đền Trúc (nằm trong Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trúc và Ngũ động Thi Sơn, huyện Kim Bảng) đúng mùa lễ hội. Những năm trước, mùa lễ hội, đặc biệt là ngày chính hội mỗi ngày nhà đền đón hàng trăm lượt du khách thập phương. Hết ba tháng xuân, từ tháng tư âm lịch đền mới dần thưa khách. Năm nay thì khác, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, đền không mở hội.

Khác hẳn với không khí vui tươi, nhộn nhịp, đông đúc, náo nhiệt mọi năm, đầu Xuân Canh Tý 2020, do diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, đúng mùa lễ hội nhưng đền Trúc vắng vẻ, tĩnh lặng, không có khách tới lễ, tham quan, vãng cảnh. Chỉ có rừng trúc bốn mùa xanh tốt quanh đền gió thổi lao xao, lao xao trong nắng vàng đầu xuân ấm áp. Thấy chúng tôi tới, sau thoáng ngạc nhiên, bà Trịnh Thị Phương Lâm, 84 tuổi, Câu lạc bộ hát Dậm người cao tuổi Quyển Sơn, chủ đội tế lễ tại đền Trúc thân tình hướng dẫn chúng tôi tới nơi có thau nước sạch và xà phòng rửa tay để phòng dịch bệnh trước khi vào đền lễ.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, mùa lễ hội đền Trúc vẫn cửa đóng then cài.

Ngồi uống nước bên sân đền thoáng đãng, qua câu chuyện với bà Lâm (người con của quê hương Quyển Sơn, người gắn bó với làn điệu hát Dậm từ thuở bé đến nay), được biết: Lễ hội đền Trúc Quyển Sơn hằng năm bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng Giêng đến ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch. Chính hội bắt đầu từ ngày mùng một tới ngày mùng sáu tháng 2 âm lịch. Lễ hội đền Trúc gắn với chiến công đánh thắng giặc ngoại xâm của Thái úy Lý Thường Kiệt. 

Theo tương truyền, năm 1069, khi đem quân đi đánh giặc Chiêm Thành qua vùng Quyển Sơn (trước kia gọi là trại Canh Dịch) gặp gió lớn, Lý Thường Kiệt cho quân dừng lại ở bờ sông để tránh gió. Đêm đó, trong giấc ngủ ông mơ thấy có một người mẹ trên tay bế một đứa trẻ đứng ở đầu thuyền và nói: Đi đánh giặc trận này sẽ giành thắng lợi. Tỉnh dậy, nghĩ đây là điềm lành ông cho quân chuẩn bị lễ vật lên bờ tế lễ, cảm tạ trời đất. Khi đoàn quân chiến thắng trở về, Lý Thường Kiệt đã cho quân dừng lại vùng đất thiêng, nơi ông được báo mộng để tạ ơn trời đất, khao thưởng quân sĩ, mở hội khao dân làng. Thời gian lưu lại Quyển Sơn ông dạy những cô gái trẻ (chưa chồng) hát Dậm, dạy trai tráng trong làng đua thuyền, dạy nhân dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải...

Nói về lễ hội đền Trúc, bà Lâm sang sảng đọc cho chúng tôi nghe đoạn thơ được lưu truyền từ xa xưa đến giờ bà còn nhớ rõ: “Một năm tế lễ có một kỳ/Luật làng, phép nước hát đủ 30 ngày/Trên hát Dậm dưới sông bơi trải/Các cụ già tế lễ thần ngồi kiệu hoa/Nơi đô vật, nơi chọi gà/Nơi đánh cờ tướng, nơi là kéo co...”.

Theo lời bà Lâm, đúng như đoạn thơ viết, hội làng trước kia vui lắm. Ngoài phần lễ (có rước kiệu, tế lễ) được tổ chức hết sức long trọng, trang nghiêm, thành kính, phần hội tươi vui, sôi nổi, náo nhiệt với các trò chơi thu hút đông đảo mọi người tham gia và cổ vũ nhiệt tình, đó là: bơi chải, kéo co, chọi gà, đánh cờ người... Đặc biệt, trong lễ hội đền Trúc, hát Dậm là phần quan trọng, độc đáo và đặc sắc chỉ có ở vùng Quyển Sơn.

Cầm chìa khóa lên mở cửa đền để chúng tôi vào lễ, vào tham quan, bà Lâm cẩn thận đeo chiếc khẩu trang y tế, nhắc chúng tôi cũng nên đeo khẩu trang để phòng dịch. Vừa đi, bà Lâm vừa nói: Những năm trước, mùa lễ hội, đặc biệt là ngày chính hội mỗi ngày nhà đền đón hàng trăm lượt du khách thập phương và người dân quanh vùng tới lễ cầu sức khỏe, may mắn, bình an... Hết ba tháng xuân, từ tháng tư âm lịch đền mới dần thưa khách.

Năm nay thì khác, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, đền không mở hội. Vào ngày chính hội nhưng đền vẫn cửa đóng then cài bởi không có khách tới lễ và vãng cảnh. Hằng ngày, thủ từ và bà Lâm vẫn mở cửa lau dọn, hương nến một lúc rồi lại đóng. Bà Lâm tâm sự: Mọi năm, những ngày này tôi bận lắm. Khách đông, khi thì lễ, kêu cầu giúp mọi người; khi thì hát Dậm phục vụ khách có nhu cầu… Mùa lễ hội, bận, mệt, nhưng mà vui. Năm nay, do dịch Covid – 19, khách vắng cũng buồn (ngày chỉ có một vài khách, ngày không có khách nào) nhưng cũng mừng bởi mọi người đều có ý thức cao trong việc phòng, chống dịch.

Để phòng, chống dịch Covid – 19, gần cửa đền Trúc có đặt biển tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (Covid-19). Trên biển có ghi rõ các biện pháp đơn giản mà ai cũng thực hiện được như: "Thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch", "Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi. Đeo khẩu trang ở nơi công cộng"... Ngoài biển tuyên truyền còn có biển hướng dẫn khách tới nơi rửa tay bằng nước sạch và xà phòng trước khi lên đền lễ. Có thể nói, thời gian qua, nhà đền luôn tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho những người làm tại đền và du khách. 

Bà Lâm tâm sự: Năm nay không hội thì năm sau, năm sau nữa… quan trọng nhất bây giờ vẫn là bảo đảm an toàn sức khỏe cho mọi người. Đầu xuân năm mới, mùa lễ hội, trực tiếp tới đền, tới chùa nguyện cầu sức khỏe, bình an, may mắn… là nét văn hóa của người Việt, nhưng khi có dịch bệnh, mọi người hãy biến nguyện cầu thành hành động thiết thực trong phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không tụ tập nơi đông người… để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, cho gia đình và cho tất cả mọi người…

Vĩnh Linh

 

 

TIN MỚI CẬP NHẬT

Thủ tướng chỉ thị triển khai điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng

Kinh tế  |  05:39 03/05/2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Duy Tiên nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  05:17 03/05/2024

Phát triển đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nhằm bổ sung lực lượng đảng viên có chất lượng, trẻ hóa đội ngũ, bảo đảm tính kế thừa và phát triển của Đảng. Chính vì vậy, thời gian qua, cấp ủy các cấp, các tổ chức đảng trên địa bàn thị xã Duy Tiên luôn chú trọng công tác phát triển đảng viên và cùng với tăng số lượng, cấp ủy các cấp luôn quan tâm nâng cao chất lượng, đẩy mạnh bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng những đoàn viên, hội viên ưu tú trưởng thành trong lao động, sản xuất, học tập…

40 năm gắn bó, phát triển kinh tế trên vùng đất đồi rừng

Quê hương núi Đọi sông Châu  |  05:16 03/05/2024

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Thanh Nghị, từ nhỏ ông Vũ Văn Hanh đã gắn bó với rừng cây, núi đồi. Với bản chất cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người nông dân, ông Hanh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư mở rộng trang trại, thử nghiệm những mô hình làm kinh tế hiệu quả, quyết tâm làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất của mình.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC