Chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu

Môi trường - Đô Thị 05:41 19/10/2024 Mạnh Hùng
Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét đến tình hình thời tiết. Ngay từ đầu năm, đã ghi nhận diễn biến cực đoan, như nắng nóng sớm có nhiệt độ kỷ lục (41,8oC) xảy ra trong tháng 4; mưa, lũ đã xuất hiện tần suất dày và bất thường. Với mưa, tuy tổng lượng mưa từ đầu năm đến nay tương đương với trung bình nhiều năm, nhưng lại xuất hiện những tháng vượt trội.

Trong tháng 7, lượng mưa đạt 650 mm, gấp hơn 2 lần trung bình của tháng 7 các năm. Tiếp đến, tháng 9 xuất hiện bão số 3 và hoàn lưu của bão gây ra lượng mưa kỷ lục từ 515 đến gần 900 mm (tùy từng địa phương) trong khi lượng mưa tháng 9 hằng năm chỉ ở mức 280 – 300 mm; lũ trên sông Đáy xuất hiện từ ngày 6/9 kéo dài khoảng hơn 10 ngày, đỉnh lũ đo tại thành phố Phủ Lý lên đến 5,22 m (ngày 13/9), vượt báo động 3 là 1,22m, vượt mức lũ lịch sử (năm 2017) 0,29m. Lũ sông Hồng đo tại Trạm thủy văn Hưng Yên đạt đỉnh, vượt báo động 3 là 0,05m, lớn nhất kể từ năm 1971… Theo ông Hoàng Đức Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Nam: Thời tiết, thiên tai trên địa bàn diễn ra theo đúng dự báo khốc liệt vào giai đoạn nửa cuối năm. Các hình thái mưa, lũ, bão xảy ra đồng thời và bất thường đã ảnh hưởng rất lớn đến dân sinh, kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Mưa, bão, lũ xảy ra đã tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh. Ngay đầu vụ mùa có đến hàng nghìn ha lúa bị ảnh hưởng phải cấy, dặm tỉa lại do ngập nước. Lần đầu tiên theo ghi nhận trong đợt mưa sau bão số 3, mực nước lũ sông Hồng và sông Đáy lên quá cao dẫn đến phần lớn các trạm bơm tiêu dọc các tuyến sông này phải ngừng hoạt động do vượt mức thiết kế. Cả tỉnh có đến 5 nhà máy cấp nước sạch tập trung khu vực nông thôn nằm ngoài đê bị ngập sâu phải ngừng hoạt động, một số nhà máy khác không thể hoạt động bơm nước thô phục vụ sản xuất… Ảnh hưởng từ mưa, lũ đã xảy ra nhiều sự cố đê điều, thủy lợi, tập trung nhiều trong tháng 9; gần 15 nghìn nhà dân, công trình bị ngập; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp trong vùng lũ bị ảnh hưởng, thiệt hại…

Nhà máy nước sạch Đinh Xá phải ngừng hoạt động do bị ngập nước trong trận lũ đầu tháng 9 vừa qua.

Tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết diễn ra bất thường, không theo quy luật và khó có thể dự báo chính xác. Đơn cử, lũ trên các sông đều lên rất nhanh, mưa lớn dồn dập và kéo dài, gây khó khăn cho công tác ứng phó… Từ đợt mưa, bão, lũ vừa qua cho thấy, việc chủ động phòng, chống thiên tai phải liên tục bảo đảm từ sớm, từ xa, chủ động phòng từ khi chưa có nguy cơ. Các cấp, ngành đến người dân phải luôn rà soát, phát hiện các khâu cần quan tâm củng cố, đề cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan; không mất bình tĩnh trước các tình huống. Công tác tổ chức phòng, chống, ứng phó thiên tai cần thực hiện theo đúng phương châm “4 tại chỗ”. Trong tình huống đặc biệt, việc vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, điều hành được xác định quan trọng hàng đầu và quyết định; vận hành nhuần nhuyễn các cơ chế; bảo đảm tốt thông tin chỉ huy, hiệp đồng... Cùng với đó, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân. Trong đó, đề cao yếu tố tinh thần, phát huy truyền thống cao đẹp đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh tổng hợp vượt qua khó khăn, thách thức...

Công tác khắc phục thiệt hại phải thực hiện đồng bộ cả trước mắt cũng như lâu dài. Có giải pháp khẩn cấp, giải pháp ngắn hạn và dài hạn, bố trí nguồn lực phù hợp. Việc dự báo, cảnh báo mưa bão, lũ phải sớm, chính xác, liên tục. Nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về thiên tai thực hiện sâu rộng, đến tận cơ sở và người dân. Thực hiện tốt công tác thông tin, báo cáo phục vụ chuẩn bị, ứng phó, chỉ đạo điều hành, khắc phục hậu quả kịp thời, hiệu quả. Nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng, chống bão, mưa, lũ kịp thời, hiệu quả.

Các địa phương phải chủ động, luôn đề cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan hay hoang mang, mất bình tĩnh trong ứng phó thiên tai. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân chủ động, bản lĩnh, phát huy nội lực, kinh nghiệm ứng phó với thiên tai. Xác định cụ thể các đối tượng, khu vực trọng điểm, trọng yếu theo thứ tự ưu tiên để tập trung nguồn lực xử lý, phòng ngừa khả năng hiểm họa to lớn, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại. Ông Vũ Đức Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN & PTNT) đánh giá: Về cơ bản, công tác phòng chống mưa, bão, lũ thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã được triển khai chủ động và hiệu quả. Qua công tác ứng phó đã nhìn nhận, đánh giá cụ thể những vấn đề còn hạn chế để có hướng khắc phục trong thời gian tới.

Theo dự báo, tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai còn tiếp tục có diễn biến bất thường. Kể cả trong giai đoạn không phải mùa mưa, bão, lũ vẫn có thể xảy ra hình thái thời tiết cực đoan, xuất hiện trận mưa cường độ lớn trong thời gian ngắn… Mùa đông năm nay, không khí lạnh đã xuất hiện từ cuối tháng 9, sớm hơn khoảng 1 tháng so với những năm trước. Nhiệt độ mùa đông năm nay thấp hơn với các đợt rét đậm, rét hại. Từ kinh nghiệm thực tế, các cấp, ngành và người dân cần có biện pháp hữu hiệu, chủ động ứng phó hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết, khí hậu gây ra.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình lần thứ 11

Chính trị  |  13:43 24/11/2024

Sáng nay, 24/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”.

Gặp mặt tướng lĩnh quê hương Hà Nam

Quốc phòng  |  12:44 24/11/2024

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), sáng 24/11, tại Bộ CHQS tỉnh, Ban liên lạc tướng lĩnh quê hương Hà Nam tổ chức gặp mặt các tướng lĩnh Quân đội nhân dân, Công an nhân dân quê hương Hà Nam lần thứ 6.

Trung Quốc trang bị những 'vũ khí' gì cho cuộc chiến thương mại 2.0 với Mỹ?

Quốc tế  |  06:06 24/11/2024

Lần này, khi đã hiểu rõ về cách thức hoạt động của Tổng thống đắc cử Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc được trang bị tốt hơn để đối phó với khả năng ông Trump sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC