Bảo đảm lợi ích hài hòa, tạo đà phát triển
Tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh có 9.141 doanh nghiệp đang hoạt động (3 doanh nghiệp nhà nước, 8.741 doanh nghiệp dân doanh, 397 doanh nghiệp FDI). Tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp là hơn 171.700 người. 847 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn với hơn 91.400 đoàn viên. Quán triệt sâu sắc mục đích, vai trò quan trọng của việc “xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn và hằng năm để chỉ đạo thực hiện. Qua đó, từng bước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chỉ thị 37 và Quyết định 416/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp các bên trong quan hệ lao động, tạo môi trường đầu tư ổn định.
Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật được các đơn vị thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức phong phú. 5 năm qua, có hơn 148.000 lượt NLĐ và gần 2.000 lượt người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai chặt chẽ. Qua thanh tra, kiểm tra tại 233 doanh nghiệp, có 18 doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm pháp luật về lao động với tổng số tiền hơn 830 triệu đồng; kịp thời phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh các doanh nghiệp khắc phục, thực hiện nghiêm quy định, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo kiện toàn đội ngũ hòa giải viên lao động các cấp; ban hành Đề án “Phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2022 - 2025”, giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và thường xuyên rà soát, đánh giá đề án để kịp thời tham mưu với UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các nội dung cho phù hợp với yêu cầu phát triển quan hệ lao động trong tình hình mới.
Đặc biệt, để NLĐ tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp yên tâm làm việc, tỉnh quan tâm thực hiện cơ chế, chính sách phát triển nhà ở, công trình phúc lợi cho công nhân lao động. Đến nay, toàn tỉnh có 1 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng là khu thiết chế công đoàn (giai đoạn I) tại KCN Đồng Văn II do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam làm chủ đầu tư với 244 căn hộ. Ngoài ra, có 4 dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, xây dựng với hơn 4.000 căn hộ. Trong đó, dự án nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị Đồng Văn Xanh do Liên danh Công ty cổ phần Doanh nghiệp Hà Nam và Công ty TNHH Thi Sơn làm chủ đầu tư, đã cơ bản hoàn thành với 372 căn hộ; Khu nhà ở xã hội tại phường Đồng Văn (thị xã Duy Tiên) do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD làm chủ đầu tư đang triển khai thi công xây dựng 287/564 căn hộ; Khu dịch vụ nhà công nhân KCN Đồng Văn IV huyện Kim Bảng do Tổng công ty Viglacera - CTCP làm chủ đầu tư quy mô 2.235 căn hộ, đã hoàn thành 168 căn và đang triển khai thi công 552 căn hộ; Khu nhà ở xã hội thuộc quy hoạch Tổng mặt bằng Khu thiết chế công đoàn (giai đoạn II) tại KCN Đồng Văn II do Công ty cổ phần Arita làm chủ đầu tư đang triển khai thi công 455/910 căn hộ.
Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn
Thực hiện Chỉ thị 37, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) trong doanh nghiệp ngoài nhà nước với mục tiêu bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ. 5 năm qua, toàn tỉnh đã thành lập được 277 CĐCS, kết nạp được 46.914 đoàn viên mới. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ công đoàn trong các doanh nghiệp nhằm phát huy hiệu quả vai trò cầu nối, đại diện, kịp thời nắm bắt, đề xuất biện pháp xử lý mâu thuẫn trong quan hệ lao động, hạn chế tranh chấp, ngưng việc tập thể. Phối hợp với chuyên môn, chính quyền đồng cấp đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc tổ chức hội nghị NLĐ, hội nghị đối thoại… Đẩy mạnh hoạt động chăm lo đời sống đoàn viên, NLĐ thông qua các chương trình Tết sum vầy, Tháng Công nhân, “Phúc lợi cho đoàn viên, NLĐ”, quan tâm nâng cao chất lượng bữa ăn ca…
Theo đánh giá của ông Trần Xuân Kha, Trưởng ban Chính sách - Quan hệ lao động, LĐLĐ tỉnh, vai trò của tổ chức công đoàn các cấp, nhất là ở các doanh nghiệp ngày càng được phát huy trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp. CĐCS đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy định của doanh nghiệp, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và chính bản thân NLĐ.
Tích cực, chủ động phối hợp với ban giám đốc doanh nghiệp thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại tại nơi làm việc. Hướng dẫn, tư vấn cho NLĐ trước khi ký kết, thực hiện hợp đồng lao động; đại diện tập thể NLĐ thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; tham gia tích cực với chủ sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, quy chế trả lương, thưởng, định mức lao động; tham gia giải quyết tranh chấp lao động ở cơ sở, ngăn ngừa, hạn chế đình công bất hợp pháp, tạo niềm tin, sự gắn bó của NLĐ với doanh nghiệp.
Đến năm 2023, có 381 doanh nghiệp tổ chức hội nghị đối thoại tại nơi làm việc, đối thoại định kỳ; 412 doanh nghiệp xây dựng quy chế dân chủ, ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó hơn 80% bản thỏa ước có những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật. Hiện nay, 100% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đều hỗ trợ bữa ăn ca cho NLĐ từ 18.000 đồng trở lên, nhiều doanh nghiệp hỗ trợ bữa ăn trị giá 20.000 - 40.000 đồng/bữa. Quyền lợi, phúc lợi của NLĐ cơ bản được bảo đảm và từng bước nâng cao; môi trường, điều kiện làm việc tại doanh nghiệp ngày càng được cải thiện.
Tuy đạt được những kết quả tích cực, song hiện nay vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chưa thực hiện đối thoại định kỳ hoặc tổ chức mang tính hình thức, không phát huy hiệu quả; doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm xã hội của NLĐ vẫn còn diễn ra…
Do đó, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 37 của Ban Bí thư nhằm nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động; thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp. Cùng với đó, tổ chức công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát cơ sở, vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, góp phần thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội và xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh.
Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.
Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.